|
Tại phiên họp toàn thể sáng 11/3, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC), còn gọi là Nhân đại, tức Quốc hội Trung Quốc khóa 14, đã bắt đầu bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới cho Quốc vụ viện Trung Quốc, thay ông Lý Khắc Cường (Li Keqiang) – người sẽ rời nhiệm sở sau khi phục vụ 2 nhiệm kỳ 5 năm.
Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) đã đề cử ông Lý Cường (Li Qiang), Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, giữ chức vụ Thủ tướng chịu trách nhiệm điều hành nền kinh tế số 2 thế giới.
Theo cập nhật từ hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã (Xinhua), ngay trong sáng 11/3, ông Lý Cường đã được Quốc hội Trung Quốc nhất trí bầu làm Thủ tướng của đất nước, nhiệm kỳ 2023-2028.
Tân Thủ tướng của quốc gia 1,4 tỷ dân sẽ phải đối mặt với sự suy giảm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn vừa mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, nhu cầu xuất khẩu toàn cầu yếu, cuộc chiến thuế quan kéo dài với Mỹ, lực lượng lao động bị thu hẹp và dân số già.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trò chuyện với ông Lý Cường trong một phiên họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) Trung Quốc khóa 14, ngày 10/3/2023. Ảnh AP/SL News |
Ông Lý Cường, sinh năm 1959, là người gốc Chiết Giang. Năm 1983, ông gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngoài tấm bằng về cơ giới hóa nông nghiệp, giống như giới cán bộ đảng ở Trung Quốc, ông còn theo học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Bách khoa Hồng Kông.
Ông đã nắm giữ một số chức vụ cấp địa phương từ thấp tới cao ở quê nhà Chiết Giang. Đến năm 2013, ông được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Chiết Giang.
Năm 2016, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô, một trung tâm kinh tế lớn ở miền Đông Trung Quốc, đánh dấu lần đầu tiên ông giữ một chức vụ bên ngoài tỉnh nhà của mình. Năm 2017, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải.
Tại trung tâm thương mại Thượng Hải, ông Lý tiếp tục theo đuổi các chính sách ủng hộ doanh nghiệp. Năm 2018, nhà sản xuất ô tô điện Tesla tuyên bố sẽ xây dựng nhà máy đầu tiên bên ngoài nước Mỹ. Nửa năm sau, gã không lồ xe điện Mỹ thành công với tư cách là nhà sản xuất ô tô 100% vốn nước ngoài đầu tiên ở Trung Quốc.
Tháng 10/2022, ông Lý được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc trong Đại hội 20, mở đường cho ông được bầu làm Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc.
Ông Lý Cường, người từng là trợ lý thân cận của ông Tập Cận Bình, trong nhiệm kỳ của mình sẽ gánh vác trách nhiệm “xốc lại” nền kinh tế số 2 thế giới để khôi phục mức tăng trưởng trước đó, xoa dịu các rủi ro trước mắt, khai thác tiềm năng tăng trưởng dài hạn và đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế thu nhập cao.
Ngoài những vấn đề đau đầu về kinh tế kéo dài như nợ công địa phương ở mức cao, khủng hoảng bất động sản và sự bất an của cả nhà đầu tư và người tiêu dùng, tân Thủ tướng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhu cầu cấp thiết là ngăn chặn sự sụt giảm các đơn đặt hàng ở nước ngoài, đồng thời xem xét các kế hoạch dự phòng nếu mối quan hệ giữa Trung Quốc và một số điểm đến xuất khẩu hàng đầu của nước này tiếp tục xấu đi, và các nguồn chuyên môn công nghệ.
Ông Tập Cận Bình (phải) được ông Lý Cường chúc mừng sau khi được bầu lại làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ 3 trong phiên họp toàn thể của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) Trung Quốc, ngày 10/3/2023. Ảnh: Star |
“Ông ấy là người ủng hộ mạnh mẽ việc mở cửa thị trường hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài và thúc giục bộ máy hành chính địa phương tạo ra một môi trường thân thiện với doanh nghiệp khi ông ấy nắm quyền lãnh đạo Thượng Hải”, ông Wang Feng, chủ tịch tập đoàn dịch vụ tài chính Ye Lang Capital có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết.
“Ông ấy có khả năng trao cho các doanh nghiệp, từ trong nước hoặc nước ngoài, quyền tự do lớn hơn trong việc thực hiện các giao dịch xuyên biên giới trong khi yêu cầu các quan chức chính phủ tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà để phục vụ các công ty”.
Các nhà phân tích cũng cho rằng sự phục hồi kinh tế Trung Quốc giai đoạn hậu đại dịch sẽ giúp giảm bớt áp lực ổn định nền kinh tế đối với ông Lý, cho phép Nội các của ông dành nhiều nỗ lực hơn để giải quyết các vấn đề cấp bách như nâng cao niềm tin của nhà đầu tư, hạn chế tỉ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ, và đảo ngược xu hướng chi tiêu tư nhân yếu.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về việc làm thế nào tân Thủ tướng Trung Quốc có thể dung hòa các chính sách của mình với các mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh về sự tự lực và thịnh vượng chung, và việc liệu ông Lý có thể thúc đẩy đến mức nào về cải cách nền kinh tế đang gặp nhiều vấn đề để mang lại tăng trưởng bền vững cho Trung Quốc trong bối cảnh những cơn gió ngược bên ngoài.
Tác giả: Minh Đức (Theo Xinhua, Channel News Asia, AP)
Nguồn tin: nguoiduatin.vn