ChatGPT tự giải thích về sự khác biệt giữa mình và Google Search Engine rằng AI được tạo ra để giao tiếp, trong khi Google là công cụ tìm kiếm thông tin. Ảnh: HN. |
Chatbot của OpenAI thu hút người dùng vì nó có thể tương tác qua đối thoại. Nhận được bất kỳ yêu cầu nào, AI sẽ đưa ra câu trả lời tự nhiên giống con người. Thậm chí nó có thể viết thơ, kịch bản, câu chuyện và các bài tiểu luận khoa học thuyết phục đến mức chuyên gia trong ngành cũng bị lừa.
Nhưng ChatGPT không phải công cụ đáng tin cậy nếu muốn tìm kiếm thông tin, với nhu cầu này, người dùng vẫn nên tìm đến các công cụ tìm kiếm truyền thống.
ChatGPT tự so sánh mình với Google Search Engine, tự nhận mình là công cụ đối thoại thay vì cung cấp thông tin. Ảnh: HN. |
"ChatGPT được thiết kế để phản hồi như trò chuyện khi được hỏi, còn Google Search Engine được thiết kế để tìm kiếm thông tin trên Internet", AI tự trả lời khi được hỏi về sự khác biệt giữa mình và Google.
Khả năng tương tác ấn tượng
Lợi thế lớn nhất của ChatGPT là đáp ứng chính xác tác vụ theo yêu cầu, gần như một trợ lý cá nhân. Khi được yêu cầu viết kịch bản đánh giá thiết bị di động, AI đưa ra đầy đủ các nội dung về thiết kế, màn hình, hiệu năng và dung lượng pin, thậm chí cả các ghi chú cụ thể về góc quay và chuyển cảnh.
Khi đưa ra câu hỏi về một lỗi lập trình trong ngôn ngữ lập trình python, ChatGPT chỉ ra lỗi, giải thích nguyên nhân và hướng dẫn cách sửa.
ChatGPT viết kịch bản đánh giá thiết bị di động, bao gồm cả ghi chú về chuyển cảnh. Ảnh: H.N. |
Khi được yêu cầu viết tóm tắt nghiên cứu trong lĩnh vực y tế, một số văn bản do ChatGPT tạo ra đánh lừa được cả các nhà nghiên cứu trong ngành, theo một bản thảo đăng trên bioRxiv vào tháng 12/2022.
Với các truy vấn đơn giản hơn, chẳng hạn như công thức món ăn, giải thích nghĩa của một thuật ngữ thường gặp, người dùng sẽ nhận được câu trả lời đúng trọng tâm và tương đối đáng tin.
“Tôi đã hỏi nó những câu như ‘các phương pháp hay nhất để tuyển dụng là gì’ hoặc ‘làm thế nào để bạn xây dựng một chương trình đào tạo của công ty’ và AI trả lời khá tốt, cho dù nội dung chỉ ở mức cơ bản”, Josh Bersin, nhà sáng lập công ty tư vấn công nghệ nhân lực Bersin & Associates, cho biết.
Thông tin của AI đôi khi không đáng tin cậy
Tuy giao tiếp lưu loát, nhưng AI thường xuyên đưa ra thông tin sai, đặc biệt là ở các chủ đề hoặc ngôn ngữ mà nó có ít dữ liệu đào tạo. Chẳng hạn, với kịch bản đánh giá điện thoại, ChatGPT dù bị giới hạn dữ liệu đến năm 2021 vẫn tự tin đưa ra nhiều thông số kỹ thuật bịa đặt về một thiết bị ra mắt năm 2022.
OpenAI cảnh báo về thông tin sai, gây hại và hạn chế dữ liệu của ChatGPT. Ảnh: OpenAI. |
OpenAI cũng cảnh báo người dùng về điểm yếu này, nói rằng ChatGPT có thể đưa ra thông tin sai hoặc hướng dẫn có hại. Thực tế, AI này từng đưa ra các hướng dẫn vô lý và có thể gây chấn thương khi được yêu cầu lập lịch trình tập luyện.
Có nghĩa là người dùng có thể giao tiếp với ChatGPT vì mục đích giải trí, nhưng không thể coi đây là nguồn thông tin đáng tin cậy để tra cứu.
Trong khi đó, tìm kiếm Google trong hầu hết trường hợp sẽ không đưa ra một câu trả lời cụ thể. Thay vào đó, công cụ tìm kiếm sẽ dựa vào các từ khóa để đưa ra các trang web liên quan nhất đến cụm từ tìm kiếm. Từ đó, người dùng có nhiều địa chỉ để tham khảo, so sánh và xác minh. Qua một công cụ tìm kiếm như Google hay Bing, người dùng cũng được biết nguồn gốc thông tin, điều này không có trên ChatGPT. Thậm chí trong nhiều trường hợp AI sẽ "bịa" nguồn tin khi được hỏi.
Không phải kết quả tìm kiếm nào cũng đáng tin, và các công cụ thường bị chi phối bởi quảng cáo và spam, nhưng với nhiều lựa chọn người dùng có thể chọn lọc các nguồn đáng tin cậy hoặc kiểm tra chéo. Đổi lại, sẽ phải tự rà soát, đọc và chọn lọc “thủ công”, thay vì có một kết quả trả lời sẵn và ngắn gọn như khi giao tiếp với ChatGPT.
Tác giả: Hoàng Nam
Nguồn tin: zingnews.vn