Đại diện doanh nghiệp quảng cáo cho biết phải luôn có ý thức triển khai dịch vụ an toàn cho nhãn hàng, nếu không sẽ gây ra xì căng đan - Ảnh: T.HÀ |
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm tại hội thảo về quảng cáo trên mạng tại Việt Nam, do Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử tổ chức chiều ngày 30-11.
Vi phạm đến từ doanh nghiệp quảng cáo và nhãn hàng
"Bên cạnh những ưu thế thì quảng cáo trên môi trường mạng, đặc biệt là quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi các doanh nghiệp và nhãn hàng chưa thể đảm bảo quản lý tốt vị trí hiển thị quảng cáo" - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đánh giá.
Ông cũng cho rằng đây thực sự là một nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu.
Theo kết quả rà soát, kiểm tra, làm việc với các doanh nghiệp, nhãn hàng của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy vẫn tồn tại nhiều vi phạm quảng cáo.
Ông Lê Quang Tự Do, cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết bộ đã thông báo đến 9 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới thì đều không đặt máy chủ ở Việt Nam.
Một số doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam nhưng chưa thông báo thông tin liên hệ như Meta (Facebook), Amazon, LinkedIn, Trade Desk, SilverPush, AdColony, Adskeeper, Taboola…
Với những vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo xuyên biên giới, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính 15 tổ chức, cá nhân với số tiền phạt 210 triệu đồng.
"Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài hiện chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, không thông báo thông tin liên hệ hoặc thông báo chưa đầy đủ. YouTube, Facebook… cho người sử dụng mạng xã hội đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật kiếm tiền cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó" - ông Tự Do thông tin.
Ông Tự Do cũng phàn nàn công cụ kỹ thuật để kiểm soát nội dung quảng cáo, vi phạm quảng cáo chưa đảm bảo hiệu quả. Cơ chế quản lý nội dung, bật kiếm tiền cho kênh, tài khoản mạng xã hội lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận, chưa coi trọng việc đảm bảo an toàn cho thương hiệu và tuân thủ quy định pháp luật.
Đối với nhãn hàng, đại lý quảng cáo, ông Tự Do đánh giá "có tình trạng chủ quan, chạy theo lợi nhuận, có xu hướng quảng cáo tràn lan trên các trang thông tin điện tử (website, tài khoản cá nhân, kênh) vi phạm, kém chất lượng. Không sử dụng hoặc không cập nhật thường xuyên danh sách loại trừ hiển thị quảng cáo khỏi vị trí vi phạm (blacklist)".
"Hậu quả là quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu Việt Nam bị gắn tràn lan vào nội dung chống phá Đảng và Nhà nước, sai sự thật, khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục, giật gân, câu view, vi phạm bản quyền" - ông Do cho hay.
Sẽ công khai những nhãn hàng liên quan đến vi phạm
Trao đổi tại cuộc hội thảo, các đại lý quảng cáo cho biết việc sử dụng bộ lọc vi phạm của Google, Facebook hiện nay chưa đủ đảm bảo an toàn do bộ lọc quảng cáo vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới còn sơ sài, lỏng lẻo, các nền tảng không chủ động cập nhật website, tài khoản, kênh nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật, thậm chí nhiều kênh/tài khoản đã bị báo vi phạm vẫn cho bật kiếm tiền gắn quảng cáo.
Đại diện nhiều đại lý quảng cáo khẳng định nếu không có sự hợp tác của các nền tảng trong việc thay đổi các thuật toán để lọc, kiểm duyệt thì sẽ không ngăn chặn được triệt để tình trạng vi phạm này.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ để bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, an toàn, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng và các nền tảng tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung.
Ông Lâm cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo trên mạng.
"Bộ sẽ đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt trong vấn đề xử lý các vi phạm. Các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới nếu không tuân thủ luật pháp Việt Nam sẽ không được tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam" - ông cam kết.
Về giải pháp cụ thể, ông Tự Do cho biết cục sẽ áp dụng đồng thời hàng loạt biện pháp mạnh, bao gồm xử lý người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài không thông báo thông tin liên hệ theo nghị định 70, có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn dịch vụ.
Đối với doanh nghiệp không đặt máy chủ ở Việt Nam, cục sẽ phối hợp với các nhà mạng viễn thông để xác minh và xử lý nếu có sai phạm. "Chúng tôi cho thời gian là một tháng để các doanh nghiệp quảng cáo thực hiện việc này" - ông Do nhấn mạnh.
"Sắp tới, cục sẽ tăng cường rà quét và xử lý vi phạm quảng cáo trên mạng, nhất là các nền tảng phát hành quảng cáo xuyên biên giới. Đặc biệt sẽ cương quyết công bố, công khai các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, nền tảng phát hành quảng cáo, trang thông tin điện tử vi phạm, bao gồm website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng và khuyến cáo không hợp tác quảng cáo với những đối tượng đó", ông nói thêm.
Trong đó, đây là lần đầu tiên bộ sẽ mạnh tay, công bố công khai đối với những nhãn hàng quảng cáo trên các nền tảng, trang thông tin, kênh, tài khoản có vi phạm.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng bộ danh sách nội dung "sạch" trên mạng của Việt Nam (White List) gồm: báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động và tiến tục mở rộng cho các website, tài khoản, kênh nội dung đăng ký thông tin để tham gia vào White List và sẽ được bộ xác nhận. Tại hội thảo, Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo, các đại lý quảng cáo, các nhãn hàng sử dụng White List để quảng cáo, vì lý do bộ danh sách này hiện nay đã phát triển đủ lớn, phong phú và đảm bảo đáp ứng được nhu cầu quảng cáo an toàn, hiệu quả cho doanh nghiệp. |
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ