Lạm quyền, lộng quyền, thao túng công tác cán bộ
Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính phân tích, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền là nội dung khó, hiện chưa được làm một cách bài bản, chuyên nghiệp và có quy định rõ ràng. Đây cũng là vấn đề mới, gây bức xúc.
“Vừa qua, qua công tác giám sát, kiểm tra các vấn đề liên quan tới công tác cán bộ cho thấy, việc sử dụng quyền lực chưa bài bản, chưa đúng quy định. Có những cán bộ được giao quyền lực đã lạm quyền, lộng quyền mà chưa có cơ chế kiểm soát” – theo ông Chính vì thế cần phải xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền.
Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị |
Ngoài ra, Trưởng Ban Tổ chức TƯ nhận định, hiện tượng tha hoá quyền lực, sử dụng quyền lực không đúng, lạm quyền…. cũng dễ dấn đến việc chạy chức, chạy quyền. Hai vấn đề này có quan hệ nhân quả. Từ tình hình thực tiễn cần cấp thiết xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.
“Sau một thời gian chuẩn bị, Ban Tổ chức T.Ư đưa ra xin ý kiến để trình các cấp có thẩm quyền sớm ban hành trong năm 2018, góp góp phần kiểm soát quyền lực, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền, vấn đề nhức nhối trong xã hội và ngay trong nội bộ Đảng”, ông Chính nói.
Báo cáo đề dẫn của Phó Trưởng Ban Tổ chức TƯ Trần Văn Tuý nêu nhận định khái quát, trong 35 năm đổi mới, 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ và nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác cán bộ đã đạt được nhiều thành tự quan trọng nhưng vẫn còn không ít yếu kém, nhất là tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ; sử dụng quyền lực được giao để thực hiện mục đích cá nhân, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ chậm được ngăn chặn, đẩy lùi.
“Nạn chạy chức, chạy quyền và tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền còn diễn biến phức tạp, xảy ra tinh vi ở nhiều nơi, nhiều cấp” - ông Túy nhấn mạnh.
Ông Túy cho biết, trong thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị giao, Ban Tổ chức TƯ đã thành lập tổ soạn thảo dự thảo Quy định kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền. Dự thảo gồm 4 chương, 16 điều, trong đó có quy định 8 cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, nhận diện 19 hành vi chạy chức, chạy quyền (5 hành vi của người chạy và 14 hành vi của người được chạy), cả hành vi tập thể và cá nhân. Ngoài ra, dự thảo còn quy định 6 cách thức phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền về việc kiểm tra, kết luận, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền…
Lãnh đạo năm nào cũng xếp hạng tốt, đùng một cái bị kỷ luật
Góp ý cho dự thảo quy định, đại diện Đảng uỷ khối các cơ quan TƯ đề nghị có quy định cụ thể hơn trong kiểm soát cấp trên với cấp dưới để phát huy dân chủ. Đại diện khối cơ quan TƯ phân tích, thực tế, nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật là do việc kiểm soát quyền lực chưa tốt. Công tác quản lý cán bộ để mức nguyên Bí thư tỉnh uỷ bị khai trừ khỏi Đảng thì rõ ràng cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan theo dõi, kiểm soát đối với các tỉnh, với địa bàn, với ngành mình. Vậy nên đề xuất về việc theo dõi địa bàn để tránh chuyện “cán bộ A, B lần nào cũng được đánh giá, xếp hạng tốt mà đùng một cái bị kỷ luật”, theo đại diện khối cơ quan TƯ, là vấn đề quan trọng.
Về vấn đề chạy chức, chạy quyền, người tham gia ý kiến cũng nêu cảm nhận, hiện tại, bộ nào mạnh, ngành nào mạnh thì quyền to. “Quyền to”, không thể hiện ở vai trò làm chính sách quan trọng mà thể hiện ở quan hệ, phe cánh. Theo đó, cần xem lại việc tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành trong bộ máy cơ quan nhà nước.
Lãnh đạo Tổng Cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam bày tỏ nhất trí cao với dự thảo quy định việc kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ. Đại diện Tổng Cục đề xuất quy định cụ thể hơn về nguyên tắc kiểm tra, một số cơ chế, biện pháp để tăng cường kiểm soát việc thực hiện các kết luận kiểm tra, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.
Lãnh đạo Tổng Cục phân tích, điều 5 của dự thảo quy định việc xử lý cán bộ 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì xem xét điều chuyển nhưng khoảng thời gian 2 năm liên tục là quá dài bởi với những người giữ trọng trách mà để 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng đã ảnh hưởng lớn đến công việc chung. Theo lãnh đạo Tổng Cục Chính trị, cần quy định, cán bộ lãnh đạo có tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ là cần điều chuyển, cho thôi chức vụ ngay.
Ông dẫn chứng từ thực tế quy trình quản lý tại một đơn vị quân đội là tập đoàn Viettel. Chế tài điều chỉnh với Ban giám đốc tập đoàn rất chặt chẽ, người nào không hoàn thành nhiệm vụ trong năm là điều chuyển ngay. Theo đó, 6 tháng đầu năm các cơ quan đã có báo cáo dự báo, xem xét toàn bộ kết quả sản xuất kinh doanh của nửa năm ở các khâu để thấy lãnh đạo nào thuộc diện “báo động”, đến cuối năm tình hình vẫn không cải thiện là tập đoàn có quyền điều chuyển ngay. Như vậy, hiệu quả sản xuất kinh doanh luôn được theo dõi sát sao, chặt chẽ, việc kiểm soát cán bộ cũng thiết thực.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí