Trong ngày Tết, người Việt thường có thói quen hỏi han công việc, sức khỏe, cuộc sống của nhau. Với những người lớn tuổi ở quê, khi gặp con cháu thường tới tấp hỏi: "Bao giờ lấy chồng/vợ?", "Đã có người yêu hay chưa?", "Thưởng Tết có nhiều không?", "Bây giờ đang làm gi"? "Lương được bao nhiêu?"...
Những câu hỏi này thường khiến người được hỏi, đặc biệt là các bạn trẻ cảm thấy khó chịu, thậm chí tức giận. Theo quan niệm của họ, những câu hỏi này là sự tò mò, tọc mạch một cách vô duyên, thậm chí là ẩn chứa sự mỉa mai hoặc hỏi để cố tình xoáy vào nỗi đau của người khác.
Thế nên hiện tại mới có cả một phong trào kêu mọi người tẩy chay những câu hỏi thăm vô duyên trên. Thậm chí, chúng còn bị gom vào hashtag #ngungvoduyen (ngưng vô duyên) của cộng đồng Facebook. Nhiều người còn “làm quá” tới mức mua hẳn những chiếc áo in hình khẩu hiệu “chưa lấy chồng/vợ làm ơn không hỏi”, “đã cưới, bao giờ đẻ sẽ báo”, “không hỏi lương” để phản ứng đề phòng trước những lời quan tâm của họ hàng.
Nhiều người công khai thể hiện sự khó chịu với những câu hỏi quan tâm liên quan tới những vấn đề riêng tư của người khác trong dịp Tết. (Ảnh: VTV). |
Tuy nhiên, với tôi, đây là sự thiếu hiểu biết văn hoá Việt, nếu không muốn nói là vô tình, ích kỷ. Trong văn hoá Việt, đặc biệt đối với những người lớn tuổi ở quê, đó là sự quan tâm, lo lắng, yêu thương.
Với nhiều người, đặc biệt những người lớn tuổi, công việc, lương thưởng, con cái là những việc hệ trọng bậc nhất trong cuộc đời mỗi con người. Đó là những mối lo họ phải đối diện hàng ngày.
Chỉ có Tết là dịp họ có thể thư thả ngồi lại bên nhau, hỏi thăm tình hình của nhau. Người Việt thường có thói quen nhìn lại năm vừa qua của chính mình cũng như của người thân, bạn bè. Vì thế, họ sẽ luôn đặt ra những câu hỏi về những vấn đề mà họ cho là quan trọng nhất. Và những việc đó, đương nhiên sẽ xoay quanh chủ đề công việc, lương thưởng, con cái và người yêu.
Dù không được tinh tế, nhưng với sự chất phác, chân thành, tình cảm, người lớn tuổi sẽ hỏi bằng thái độ ân cần, quan tâm chứ không phải sự tò mò. Thấy em, cháu mình đến tuổi cập kê, nhưng chưa có vợ/chồng thì họ sẽ hỏi. Ở quê, người ta thường lập gia đình sớm nên 25, 26 tuổi nếu "chưa có gì" đã bị coi là "ế".
Trong khi bạn và những người từ nông thôn ra thành phố trong độ tuổi ấy còn đang mải mê với sự nghiệp của mình. Vì thế, câu hỏi về chuyện lập gia đình dành cho bạn chính là sự quan tâm, lo lắng.
Và dù họ có hỏi lương bạn bao nhiêu thì hãy tin họ cũng chỉ tỏ ý quan tâm chứ không xin tiền của bạn.
Vì thế, với những câu hỏi đó, người được hỏi nếu coi đó là sự tọc mạch vô duyên thì chắc chắn sẽ cảm thấy khó chịu, thậm chí muốn nổi khùng.Nhưng cũng với chính những câu hỏi đó, người được hỏi hiểu rằng, đó là sự quan tâm, họ sẽ thấy nhẹ nhàng, thoải mái và dễ chịu.
Thế nên, có lẽ, việc những câu hỏi trên là sự vô duyên hay sự quan tâm, tình cảm có lẽ phần nhiều thuộc vào sự đón nhận của người được hỏi có phông văn hoá Việt ra sao, có độ lượng vị tha hay không. Hãy nên nhớ, bạn đang ở Việt Nam, ứng xử bằng văn hoá Việt chứ không phải nước ngoài để mang việc này so sánh với văn hoá "Tây".
Những câu hỏi thăm, sự quan tâm lẫn nhau là điều không thể thiếu được trong những ngày Tết. |
Chẳng ai bắt người được hỏi phải trả lời cặn kẽ, tỉ mỉ và chính xác những câu hỏi thăm ngày Tết. Chẳng ai bắt bạn phải công khai chính xác con số thu nhập, thay vào đó bạn có thể trả lời chung chung bằng việc đủ chi tiêu.
Chẳng ai bắt bạn phải nói rõ việc đang làm gì, thay vào đó bạn có thể trả lời rằng đang được làm điều mà bạn yêu thích.Chẳng ai bắt bạn phải nói rõ tên tuổi địa chỉ của người yêu. Chẳng ai bắt bạn phải nói rõ kế hoạch sinh con.
Có rất nhiều cách để đáp lại những câu hỏi trên. Đó có thể là một nụ cười thân thiện, một lời nói đùa duyên dáng, hoặc thậm chí một lời từ chối nhẹ nhàng. Trả lời câu hỏi bằng cách nào đó tuỳ bạn, miễn làm cho người hỏi vui và cảm thấy không phải lo lắng cho bạn. Như vậy bạn mới thực sự là người có "tầm", có phông văn hoá tốt, đáp lại sự quan tâm của người hỏi.
Việc gì bạn phải thể hiện sự tức giận, việc gì phải cảm thấy khó chịu, việc gì phải gay gắt lên án người được hỏi là vô duyên, thiếu lịch sự, hay thậm chí phản ứng một cách tiêu cực hơn là ghét Tết, tẩy chay Tết hay cảm thấy bị tổn thương?
Chia sẻ là cách để con người hiểu nhau hơn, gần nhau hơn và yêu thương nhau hơn. Nhận được sự hỏi thăm của người khác dù là tế nhị hay có chút thiếu tinh tế, nghĩa là bạn vẫn còn được họ quan tâm.
Còn khi bạn xuất hiện trước mặt họ, đặc biệt là trong dịp Tết nhưng họ chẳng buồn hỏi bạn bất cứ câu hỏi gì, điều đó có nghĩa là bạn không còn trong trái tim họ, hoặc có thể, với họ, sự tồn tại của bạn chẳng có ý nghĩa gì.
Tác giả: MỘC LAN
Nguồn tin: Báo VTC