Câu chuyện đầu tiên là Liên đoàn bóng đá Việt Nam, sau khi bầu Đức nghỉ vì lùm xùm việc bằng cử nhân, chỉ còn có bầu Tú và ông Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Động Lực Group là doanh nhân. Nhưng ông Tú đang nắm hai ghế to ở VPF gây ra nhiều tranh cãi và chuyên mảng futsal - sân chơi mà nhiều người ví ông như "người quyền lực nhất", do có liên quan đến nhiều đội.
Nhìn về phía sân chơi chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam đã chia tay ít nhất 10 ông bầu trong 1 thập kỷ qua. Từ bầu Long, bầu Thụy đến bầu Trường, bầu Quyết... đều "dứt tình" với việc nuôi bóng đá chuyên nghiệp.
Hiện tại, sân chơi chuyên nghiệp đang có 3 ông bầu là ông Đoàn Nguyên Đức, ông Võ Quốc Thắng và ông Đỗ Quang Hiển. Nhưng bầu Thắng cũng không còn mặn mà với V.League khi không bỏ tiền đầu tư mạnh như thời gian đầu, nguyên nhân là cuộc chơi hiện tại khiến ông cảm thấy có nhiều vấn đề.
Bầu Đức vẫn đầu tư mạnh cho CLB HAGL nhưng phần lớn tập trung cho Học viện bóng đá HAGL. Đội I HAGL chưa cho thấy tham vọng cạnh tranh vô địch. Nguyên nhân giống như chuyện bầu Thắng chơi cầm chừng để chờ ngày trở lại, bởi bầu Đức nêu rất rõ ràng quan điểm "5 đánh 1".
Một người khác cũng đang đầu tư mạnh cho bóng đá chuyên nghiệp là bầu Hiển. Riêng khâu đầu tạo trẻ, Hà Nội FC có lợi thế là được cho quân bởi "lò" Gia Lâm và PVF. Nhưng nỗi buồn là không ít ý kiến phản ứng với chuyện "một ông chủ tài trợ cho nhiều đội bóng".
Có một điểm chung khá rõ là không ít các ông bầu ngán ngẩm với chuyện sân chơi V.League bị điều tiếng "một ông chủ tài trợ cho nhiều đội bóng". Ví dụ bầu Thụy dứt bỏ bóng đá cũng vì lý do kể trên sau khi SGXT bị Hà Nội FC cầm chân trong bối cảnh hai đội đá vì chức vô địch, CLB Đà Nẵng hưởng lợi từ kết quả hòa này nên đăng quang một cách bất ngờ.
Bóng đá Việt Nam giờ vắng bóng các ông bầu, đó là một nỗi buồn lớn |
Hậu quả của câu chuyện sân chơi chuyên nghiệp vắng bóng các ông bầu bây giờ giống như nỗi buồn cho bóng đá Việt Nam. Một số đội bóng phải chơi trong cảnh "chạy chợ kiếm cơm từng bữa". Điển hình là CLB Khánh Hòa vừa bán 3 trụ cột để có tiền trả nợ lương cho các cầu thủ.
Rất nhiều đội bóng sống dựa thêm vào nguồn tiền từ ngân sách của Tỉnh thì thường có một kịch bản chung, nếu rớt hạng thì đồng nghĩa "chết chìm". CLB Khánh Hòa chỉ là ví dụ trong nhiều cái tên, có thể kể thêm gồm CLB Cần Thơ, Đồng Tháp...
Từ VFF đến sân chơi chuyên nghiệp, vấn đề chung có thể thấy là đang thiếu đi các ông chủ doanh nghiệp tham gia. Câu chuyện này có rất nhiều nguyên nhân đáng để suy ngẫm...
Cần nhắc lại quan điểm của bầu Đức: "5 đánh 1". Ngạc nhiên là đến lúc này vẫn chưa có một đáp án nào cho câu chuyện của bầu Đức phát biểu trên báo chí. Thậm chí, khán giả còn đồng tình nêu "chế" ảnh để mang đến sân. Câu chuyện này là rào cản lớn để doanh nhân đến với bóng đá, vì họ vào làm gì khi ngay đến bầu Đức cũng trong sự bất lực với cuộc chơi.
Bên cạnh đó, các đội bóng ở V.League vẫn chưa giải được bài toán "chí nhiều hơn thu". Tức mỗi năm thì các ông chủ làm bóng đá phần lớn chỉ rót tiền vào nuôi các cầu thủ, vế ngược lại là nguồn thu gần như nhỏ giọt. Tất nhiên, chỉ có "đốt tiền" thì không thể nào làm mãi được, đến một thời điểm thì họ rút lui và đội bóng rơi vào cảnh "chết chìm".
Ví dụ thiết thực là không ít đội bóng từng mở cửa cho khán giả vào sân miễn phí nhưng khán đài vắng tanh. Thậm chí, họ phải chọn giải pháp là... trả thù lao để CĐV đi xem bóng đá. Đó là một nghịch lý bởi đội bóng bán vé để có nguồn thu, nhưng thê thảm đến mức phải thuê CĐV để tránh điều tiếng là đá chẳng ai xem.
Còn nhiều lý do về chuyện bóng đá Việt Nam đang vắng bóng nhiều doanh nhân. Đó là thước đo về tình yêu, cách làm, là sự chán nản với những điểm xấu xí của sân chơi chuyên nghiệp... Nhưng mẫu số chung là bóng đá Việt Nam chưa tạo được sức bật lớn ở sân chơi V.League, cũng như thu hút các ông chủ đầu tư mạnh như thời điểm 10 năm trước.
Bóng đá chuyên nghiệp cần tiền, cần những ông bầu có tiền, có tâm và có tầm. Nhưng trước khi muốn thu hút các ông chủ thì sân chơi V.League phải cho thấy được sự hấp dẫn, thu hút khán giả, cuộc chơi không còn điều tiếng này nọ... Bởi chẳng ai ném tiền qua cửa sổ, hay bỏ tiền vào làm bóng đá nhưng chơi trong cảnh biết không thể vô địch, trừ khi người đó là bầu Đức - vì ông đã gắn bó hơn 20 năm và có con đường riêng là chơi vì đóng góp cho các ĐTQG.
Và khi nào chưa giải quyết được những vấn đề nêu trên thì bóng đá Việt Nam còn chứng kiến nhiều đội bóng V.League rớt hạng thì "chết chìm", hoặc rơi vào cảnh "chạy chợ kiếm cơm từng bữa". Thiếu tiền thì không thể làm bóng đá chuyên nghiệp, đó là điều tất yếu!