Du lịch

Ram bánh mướt gói tình quê Hà Tĩnh

Ở mảnh đất Hà Tĩnh “chảo lửa túi mưa” có một thứ quà quê dân dã, độc lạ khiến ai đi xa cũng nhớ về. Một món ăn phía trong nóng giòn, ngoài mềm ướt, tưởng như nghịch lý nhưng lại hòa quyện gói trọn vị quê - ram bánh mướt Hà Tĩnh.

Món ram bánh mướt Hà Tĩnh.


Nét độc lạ của món ram: Theo tiếng Nghệ, “ram” là một danh từ dùng để chỉ món nem rán theo tiếng phổ thông. “Bánh mướt” là cách gọi khác của “bánh ướt”, “bánh cuốn”. Tuy nhiên ram bánh mướt Hà Tĩnh lại có nét đặc trưng riêng của vùng “quê Nghệ Tĩnh”.

Nguyên liệu chính làm ram không có gì xa lạ ngoài thịt lợn nạc băm nhuyễn, trứng, miến, mộc nhĩ, hành, tiêu, rau thơm, gia vị. Tất cả trộn đều ướp một chút cho đậm vị tạo thành nhân bên trong của ram. Điều tạo nên sự khác biệt của món ram Hà Tĩnh chính là phần vỏ của nó được cuốn từ vỏ ram Hà Tĩnh phơi sương từ những nguyên liệu đơn giản qua quá trình sản xuất khéo léo và kinh nghiệm lâu năm. Gạo và mật mía được chọn lọc kĩ càng, trộn theo tỷ lệ, sau đó xay thành bột và tráng thành những lớp bánh mỏng, rồi được phơi sương và phơi nắng để tạo độ dẻo, dai và màu sắc đặc trưng. Vỏ ram này không có chất bảo quản, không có phụ gia, có độ mềm mịn, không bị rách khi cuốn và khi chiên lên có độ giòn rụm, màu vàng đẹp mắt. Lấy vỏ ram phơi sương cuộn phần nhân vào bên trong rồi đen rán trong chảo mỡ đã sôi cho đến khi ram chuyển sang màu vàng đều là ta đã có món ram đặc trưng của Hà Tĩnh.

Đặc trưng riêng của bánh mướt: Không giống như “bánh cuốn” của miền Bắc hay “bánh ướt” của miền Nam, bánh mướt Hà Tĩnh có vị thanh nhẹ, ít dầu mỡ. Bánh mướt được làm từ gạo tẻ, ngâm trong nước sạch nhiều giờ cho từng hạt gạo ngấm nước, nở đều và mềm rồi mới đem đi nghiền thành bột. Đến đó cũng chưa thể tráng ngay thành bánh được, phải để bột lắng trong nước từ 2 tiếng trở lên, người ta gọi là ủ bột. Để khi tráng, bánh mới nở phồng, ăn mới dẻo dai.

Bếp tráng bánh bao giờ cũng phải đủ nhiệt, để nước trong nồi luôn sôi. Một muỗng bột nước rưới lên khung vải, cán đều cho mỏng tang, đậy vung lại và chờ đợi trong chốc lát. Dùng đũa bếp mỏng nhắc bánh lên cái rá sạch úp ngược hay mành mành. Từng chiếc, từng chiếc một là ta đã có một đĩa bánh mướt hương vị rất riêng biệt của mảnh đất miền Trung nhiều nắng gió.

Cách ăn ram bánh mướt đặc trưng đúng kiểu Hà Tĩnh: Có ram, có bánh mướt nhưng nếu thiếu nước mắm chanh tỏi ớt và cốc nước chè xanh thì chưa đủ gói trọn vị quê. Sự kết hợp giữa ram chiên giòn nóng hổi và bánh mướt dẻo dai, mềm mượt làm cho món ăn trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết. Trước khi ngồi vào bàn ăn chờ Ram đang rán, bánh đang tráng, thực khách tự mình làm nước chấm mắm chanh tỏi ớt theo khẩu vị của riêng mình. Đây là điều thú vị trong khi thưởng thức món quà quê này. Chủ quán luôn dành sẵn một bàn có đầy đủ ớt cay xanh đỏ, tỏi tía, nước mắm muối thủ công mà người dân nơi đây hay gọi là “nước mắm vại”, đường, mì chính, cối, chày, dao kéo...

Người ăn tự lựa chọn thành phần, đâm trộn và pha chế theo khẩu vị của mình tạo nên thứ nước mắm chấm màu cánh dán sánh quyện cùng hương vị cay thơm của tỏi ớt. Chiếc ram nóng hổi giòn rụm được cuộn tròn trong lớp bánh mướt mềm dẻo chấm vào chén mắm tự làm khiến cho bao người ăn một lần là nhớ mãi về món ăn vừa giản dị, dân dã nhưng vẫn rất đặc trưng, tinh tế. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được độ giòn, dẻo béo nhưng không hề ngấy. Sau khi thưởng thức món ram bánh mướt, một cốc nước chè xanh mát lạnh được nấu từ những lá chè xanh tươi. Lá chè sẽ được người bán chuẩn bị từ ngày trước, chọn loại lá chè thật tươi ngon và om trong khoảng thời gian nhất định để ra được loại nước chè chuẩn nhất. Bánh mướt mềm và ram giòn tan kết hợp nước mắm đậm đà, sau đó được cân bằng với vị chát nhẹ của nước chè xanh tạo nên một trải nghiệm ẩm thực độc đáo và khó quên.

Ram bánh mướt với những đặc trưng và hương vị độc đáo là món thức quê dân giã và là cả một phần hồn quê luôn nằm trong tâm khảm của bao người con Hà Tĩnh.

Tác giả: Anh Quang

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP