Du lịch

Chiêm ngưỡng 4 Bảo vật Quốc gia lần đầu tụ hợp tại Bảo tàng quân sự 2.500 tỷ đồng lớn nhất Việt Nam

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trưng bày 4 hiện vật nằm trong danh sách 256 bảo vật quốc gia.

Từ ngày 1/11/2024, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa đón, phục vụ khách tham quan và miễn phí tham quan đến hết tháng 12/2024 tại địa chỉ: Km 6+500 Đại Lộ Thăng Long, Phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng mới trên diện tích 386.600m2 , tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng. Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia gồm: 2 máy bay MIG-21 số hiệu 4324 và 5121, xe tăng T54B số hiệu 843 và bản đồ quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Máy bay MIG-21 số hiệu 4324

Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp khánh thành, ngay sau khi bước qua sảnh chính của tòa nhà trung tâm, khách tham quan sẽ gặp chiếc máy bay "Én bạc" MiG-21 mang số hiệu 4324 được trưng bày.

Điều đặc biệt ấn tượng là chiếc MiG-21 khổng lồ này được treo lơ lửng với các sợi cáp kéo từ mái nhà, tạo cảm giác như nó đang xuất kích bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Đây là máy bay tiêm kích phản lực một người lái, được Liên Xô sản xuất năm 1965 và viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Chiếc máy bay này đã được đưa vào biên chế của Trung đoàn 921 (Đoàn Không quân Sao Đỏ), thuộc Sư đoàn 371, và sử dụng từ tháng 1/1967 đến tháng 5/1969.

Máy bay MIG-21 số hiệu 4324. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Trong lịch sử chiến đấu, MiG-21 số hiệu 4324 đã tham gia nhiều trận chiến ngăn chặn các đợt tấn công của không quân Mỹ tại miền Bắc Việt Nam. Nó đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ, mỗi chiến công được đánh dấu bằng một ngôi sao đỏ trên thân máy bay nên "Én bạc" MiG-21 4324 có 14 sao đỏ trên thân.

Với giá trị lịch sử đặc biệt, MiG-21 số hiệu 4324 là biểu tượng chiến thắng của Không quân Việt Nam anh hùng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Việt Nam trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ giai đoạn 1965-1968.

Ngày 10 tháng 3 năm 2015, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Quyết định số 53/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công nhận MiG-21 số hiệu 4324 là Bảo vật quốc gia.

Máy bay MIG-21 số hiệu 5121

Chiếc máy bay chiến đấu MiG-21 số hiệu 5121 của Không quân Nhân dân Việt Nam, hiện đang được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, từng lập nên một chiến tích lẫy lừng trong lịch sử quân sự thế giới.

Được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chiếc tiêm kích phản lực này thuộc biên chế của Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 – đơn vị tiêm kích đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, vào đêm 27/12/1972, phi công anh hùng Phạm Tuân điều khiển chiếc MiG-21 số hiệu 5121 từ sân bay Yên Bái, tiến đến vùng trời Sơn La và phát hiện máy bay B-52 của địch.

Máy bay MIG-21 số hiệu 5121. Ảnh: Phong Sơn

Lợi dụng việc đối phương chưa phát hiện sự hiện diện của MiG-21, anh hùng Phạm Tuân nhanh chóng vượt qua hàng rào tiêm kích bảo vệ B-52, căn chỉnh đường ngắm và bắn liên tiếp hai quả tên lửa, hạ gục siêu pháo đài bay. Chiếc B-52 – biểu tượng của sức mạnh quân sự Mỹ – bốc cháy dữ dội và rơi xuống đất.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, phi công Phạm Tuân đã đưa chiếc MiG-21 trở về sân bay Yên Bái an toàn. Trong đêm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã gửi điện khen ngợi lực lượng không quân vì thành tích xuất sắc.

Ngoài chiến công hạ gục B-52, chiếc MiG-21 số hiệu 5121 còn bắn rơi thêm 4 máy bay khác của Mỹ do các phi công Vũ Đình Rạng và Đinh Tôn điều khiển.

Sau đó, MiG-21 5121 được sử dụng cho nhiệm vụ huấn luyện, tuần tra và diễn tập. Đến năm 1985, máy bay được điều về Trung đoàn Không quân 920, thuộc trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật không quân (hiện là Trung đoàn 490 – Trường Sĩ quan Không quân), nơi nó tham gia đào tạo hàng chục phi công với gần 300 giờ bay, huấn luyện kỹ thuật viên và phục vụ tham quan ngoại khóa.

Năm 2012, chiếc MiG-21 số hiệu 5121 huyền thoại này đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam.

Xe tăng T54B

Bảo vật quốc gia thứ ba của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là chiếc xe tăng huyền thoại T-54B mang số hiệu 843. Đây là loại xe tăng hạng trung do Liên Xô sản xuất và viện trợ cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có màu xanh và được trang bị súng 12,7 ly trên tháp pháo. Hai bên tháp pháo được sơn ngôi sao vàng trên nền vòng tròn đỏ viền vàng.

Xe tăng T-54 số hiệu 843 thuộc biên chế Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 203, Quân đoàn 2. Chiếc xe này đã tham gia nhiều chiến dịch quan trọng, bao gồm giải phóng Huế và Đà Nẵng, sau đó tiếp tục tiến quân giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung, và tiến về Sài Gòn với tinh thần “thần tốc và quyết thắng”.

Xe tăng huyền thoại T-54B mang số hiệu 843. Ảnh: Phong Sơn

Trong những ngày cuối của tháng 4 năm 1975, từ ngày 26 đến 29, xe tăng 843 đã tham gia chiến đấu, phá vỡ tuyến phòng thủ của địch tại căn cứ Nước Trong. Ngày 30/4/1975, xe tăng này dẫn đầu đội hình tiến vào Sài Gòn, bắn cháy 3 xe tăng và xe bọc thép của đối phương trên đường tới Dinh Độc Lập. Đến 11 giờ cùng ngày, xe tăng 843 đã húc vào cổng phụ của Dinh Độc Lập.

Sự kiện này đánh dấu thời khắc thiêng liêng của dân tộc, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, xe tăng 843 luôn dẫn đầu đội hình, phá vỡ các tuyến ngăn chặn của địch, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử.

Hiện nay, xe tăng T-54 số hiệu 843 là hiện vật có giá trị tuyên truyền, giáo dục sâu sắc về truyền thống cách mạng, là minh chứng sống động cho những chiến công to lớn của quân và dân ta trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Bản đồ Quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Bản đồ Quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, hiện được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, là một hiện vật lịch sử đặc biệt gắn liền với công cuộc giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước mùa xuân năm 1975.

Tấm bản đồ có kích thước dài 185,5 cm và rộng 170 cm, do các cán bộ Phòng Tác chiến, Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng cán bộ tác chiến Bộ Tổng Tham mưu thực hiện từ ngày 15 đến 21/4/1975 tại Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, đóng tại Tà Thiết, Lộc Ninh, Tây Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước).

Sau nhiều lần chỉnh lý và bổ sung, cùng với việc xin ý kiến của Bộ chỉ huy Chiến dịch, Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị về kế hoạch tác chiến, bản đồ đã được hoàn thiện. Ngày 22/4/1975, Bộ chỉ huy Chiến dịch phê duyệt lần cuối cùng cho kế hoạch chính thức.

Bản đồ Quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Trí thức & Cuộc sống

Cùng ngày, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch, và đồng chí Phạm Hùng, Chính ủy Chiến dịch, đã cùng ký tên trên tấm bản đồ. Phía trên bản đồ có dòng chữ "Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh".

Từ năm 1975 đến năm 1990, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã lưu giữ tấm bản đồ này, sau đó trao tặng lại cho Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước.

Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh thể hiện trí tuệ và nỗ lực của Bộ chỉ huy Chiến dịch, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và giành chiến thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Vào năm 2015, bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam.

Tác giả: Thái Hà

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP