Sự lôi cuốn về khứu giác cũng rất quan trọng, hỗ trợ nhiều cho sự hấp dẫn về “thị giác”. Hãy hình dung, hai cô gái dung nhan không hơn kém nhau nhưng một cô thì tỏa hương nồng nặc, còn một cô thì thoang thoảng mùi hương dịu dàng, thanh thoát. Đương nhiên cô gái thứ hai sẽ dễ chiếm cảm tình, gây một sự quyến rũ. Rõ ràng nước hoa được chọn và sử đúng sẽ góp phần vào nét đẹp mà hình thể chưa thể hiện được hết, còn chọn sai và dùng quá đà thì hạn chế nhiều vẻ đẹp vốn có. Cũng không quá đáng khi cho rằng “hương sắc” được điểm tô thêm bằng loại nước hoa, phấn son thích hợp làm bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn.
Nước hoa là gì?
Nước hoa (còn gọi là dầu thơm) là mỹ phẩm đã có từ xa xưa. Thời thượng cổ, con người đã biết dùng hoa, lá của các loại thực vật để nấu nước tắm hoặc gội đầu cho thơm. Thời phong kiến, các vị tiểu thơ và cung tần mỹ nữ thường giấu “túi thơm” (túi vải chứa loại chất thơm bí mật) trong người để tỏa mùi thơm hấp dẫn người chung quanh. Ngày nay, yêu cầu đó càng bức xúc nên chế tạo nước hoa đã trở thành một ngành công nghiệp phát triển.
|
Công dụng của nước hoa là cung cấp mùi thơm từ các loại tinh dầu. Tinh dầucó thể lấy từ nguồn thiên nhiên bằng cách chưng cất hoa, lá hoặc cây các loài thực vật, hoặc hoàn toàn bằng con đường hóa học, người ta tổng hợp các loại tinh dầu có mùi giống như mùi tinh dầu thiên nhiên hay mùi không có trong thiên nhiên và làm dễ chịu đối với khứu giác. Tinh dầu trong nước hoa là hợp chất dễ bay hơi, không tan trong nước, chỉ tan trong cồn, cho nên tuy gọi là nước hoa nhưng thực chất nước hoa là dung dịch cồn, trong ấy lượng cồn chiếm đáng kể (thường là cồn 700) bôi một ít nước hoa trên da, ta thấy mát lạnh, là do cồn bốc hơi thu lấy nhiệt. Trong nước hoa còn có chất tạo màu để cho màu đặc trưng: màu vàng, màu xanh lá cây…, đặc biệt còn có chất có mùi thơm và giữ mùi được lâu gọi là chất định hương.
Chất định hương rất được hay dùng gọi là xạ hương, long duyên hương. Xạ hương đượclấy từ túi xạ là tuyến nằm cạnh cơ quan sinh dục đực của hươu xạ. Xạ hương có mùi rất bền và thuộc loại hương liệu cao cấp. Còn long duyên hương (còn gọi long diên hương) là sản phẩm tiêu hóa có trong ruột của một loài cá voi được bài tiết nổi trên mặt biển và được vớt lên để chế biến. Mỗi loại nước hoa có một mùi đặc trưng, nhưng không chỉ chứa một loại tinh dầu mà là một tập hợp nhiều loại tinh dầu (mà mỗi hãng sản xuất giữ bí mật) theo một tỷ lệ nhất định để cuối cùng cho một mùi trội nhất.
Những lưu ý khi sử dụng
- Nên thử nhiều loại nước hoa khác nhau và hỏi ý kiến người thân xung quanh để chọn loại nước hoa sử dụng lâu dài vừa thích hợp với mình, vừa làm vừa lòng những người xung quanh.
- Trước khi sử dụng nước hoa nên vệ sinh thân thể sạch sẽ, mặc quần áo cũng sạch sẽ vì dùng nước hoa là để tạo mùi thơm, chứ không phải để lấn áp mùi hôi; nhiều khi mùi hôi trên quần áo tổng hợp với mùi nước hoa tạo mùi khó chịu.
- Nhiêu hoá chât trong nươc hoa có thể gây dị ứng, nếu bôi hoặc xịt nước hoa trên da mà thấy đỏ, ngứa, thậm chí nổi mề đay thì ngưng ngay không dùng loại nước hoa đó.
- Hiện tượng nám da (hay sạm da) cũng thường xảy ra ở nhiều người sử dụng nước hoa. Nguyên nhân là do trong nước hoa có chứa loại tinh dầu dễ làm da cảm ứng với ánh sáng mặt trời gây sạm da (gọi là hiện tượng quang cảm ứng).
Chứng sạm da này có thể biến mất tự nhiên (không cần điều trị) sau vài tuần thậm chí sau vài tháng và đương nhiên là không tiếp tục sử dụng nước hoa đó bôi lên vùng da bị sạm.
Ta có thể tránh được tác dụng bất lợi này bằng cách chỉ bôi nước hoa trên tóc, quần áo hoặc không bôi trực tiếp lên da.
- Như đối với mọi mỹ phẩm, không nên lạm dụng nước hoa, mùi hương thoang thoảng bao giờ cũng quyến rũ hơn là một “rừng hương dày đặc”.
- Một số người thắc mắc liệu nước hoa có gây độc, chẳng hạn làm rơi nước hoa vào miệng, thấm vào vết thương, vào mũi, tai...? Như đã trình bày ở trên, nước hoa là chế phẩm gồm nhiều loại tinh đầu hòa tan trong cồn, không được “dùng trong” tức không dùng để uống hoặc không được tạo điều kiện làm cho nước hoa hấp thu vào trong máu. Đối với người lớn, vì lý do nào đó làm rơi nước hoa vào miệng, thấm vào vết thương, vào mũi, tai... với lượng nhỏ thì không hề gì (đối với vết thương có thể gây đau xót làm cho khó chịu). Riêng đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, không nên để nước hoa tiếp xúc với mũi của trẻ, cũng giống như không để “dầu gió nâu” (cũng là hỗn hợp tinh dầu có chứa tinh dầu bạc hà, tinh dầu camphor...) tiếp xúc với mũi của trẻ. Bởi vì đã xảy ra nhiều trường hợp bà mẹ dùng dầu gió nâu làm dính dầu vào mũi trẻ gây kích ứng làm trẻ bị suy hô hấp rất nặng, có thể bị tử vong.
Tác giả: PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Nguồn tin: Báo Sức khỏe & Đời sống