Thuế bảo vệ môi trường xăng dầu và giá điện cũng nằm trong lộ trình phải điều chỉnh. Chỉ riêng hai yếu tố này nếu tác động lên mặt bằng giá sẽ gây ra những bất lợi nhất định. Do vậy, công tác điều hành với từng mặt hàng, dịch vụ được giới chuyên gia cũng như nhà quản lý khuyến cáo, phải hết sức thận trọng ngay từ những tháng đầu năm.
Mới đây Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có ý kiến chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, giám sát hoạt động của thương lái, kết nối các doanh nghiệp chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn với các đơn vị phân phối lớn thịt lợn để giảm chi phí trong lưu thông và khâu phân phối bán lẻ; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vấn đề nhập lậu, gian lận thương mại.
Đối với xăng dầu: Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, trích lập và sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, có kịch bản ứng phó phù hợp nếu giá xăng dầu tăng cao, nhất là trong các thời điểm cận lễ, Tết để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát. Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản xuất, chế biến xăng sinh học E5 để khuyến khích tiêu dùng. Nghiên cứu, rà soát sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để có chính sách, mức thuế bảo vệ môi trường phù hợp với xăng sinh học (E5, E10, B5, B10,...) nhằm khuyến khích tiêu dùng xăng sinh học.
Đối với giá cả: Bộ Tài chính và cơ quan liên quan xây dựng các kịch bản chi tiết điều hành giá điện bảo đảm đồng bộ với việc điều chỉnh giá khí trong bao tiêu tại thời điểm phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống; đồng thời, tăng cường công tác công khai, minh bạch chi phí đầu vào, thanh tra, kiểm tra và công khai kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định.
Đặc biệt Phó Thủ tướng yêu cầu phải giữ ổn định giá dịch vụ BOT; kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc; triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc phương án trạm thu phí không dừng; minh bạch, công khai trong thu giá dịch vụ.
Nhiều dự báo cũng được đưa ra có thể lạm phát năm 2019 còn thấp hơn trong năm 2018. Bởi cả 3 yếu tố khiến cho lạm phát những tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là giá dầu, giá thịt lợn và tỷ giá đều được dự báo sẽ giảm hoặc ổn định hơn trong năm 2019.
Tuy nhiên, cũng không vì thế mà chủ quan trong điều hành. Dữ liệu tháng đầu năm 2019 cho thấy, CPI tháng 1/2019 tăng 0,1% so với tháng cuối cùng của năm 2018, tăng 2,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, bao gồm: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,69%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,66%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,39%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,35%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,34%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; giáo dục tăng 0,15%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%. Chỉ có 2 nhóm giảm giá là giao thông giảm 3,04% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,09%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đã khẳng định, thực hiện quản lý theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, nhà nước còn định giá, bình ổn giá. Tuy nhiên theo nhìn nhận của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành, chỉ số lạm phát năm 2019 cũng có nhiều yếu tố tác động bất lợi đến mục tiêu mà Quốc hội đặt ra dưới 4%. Đó là việc giá thực phẩm tiếp tục phục hồi mạnh vào hồi cuối năm 2018. Cùng với đó là, lạm phát toàn cầu tăng nhanh, dầu thô tăng giá cũng như căng thẳng thương mại leo thang.
Tác giả: Thúy Hằng
Nguồn tin: Báo Tổ quốc