Kinh tế

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý: Sẽ quan tâm hơn đến 27 xã đặc biệt khó khăn

Sáng 14/11, phiên họp thường kỳ tháng 11 bước sang ngày làm việc thứ 2 bàn về mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019, chính sách tiêu thụ nông sản và đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

Xây dựng NTM thôn bản là bước đột phá của Nghệ An

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh, năm 2018, toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp được 751 km đường giao thông nông thôn các loại với tổng kinh phí 550 tỷ đồng. Lũy kế từ lúc thực hiện chương trình đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp được 9.974 km đường giao thông nông thôn các loại với tổng kinh phí 9.636,4 tỷ đồng.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả xây dựng NTM của Nghệ An trong năm 2018. Ảnh: Quang An

Cũng trong năm 2018, Nghệ An đã xây dựng thêm được 85 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia với kinh phí 894,3 tỷ đồng. Lũy kế từ khi thực hiện chương trình đến nay, xây dựng được 1.043/1.519 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia.

Đến nay, đã có 324/431 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập, chiếm 75,2%; 372/431 xã đạt tiêu chí số 12 (lao động có việc làm), chiếm 86,3%. Tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 81%. Tổng nguồn vốn huy động từ đầu năm đến nay được 3.069,8 tỷ đồng.

Dự kiến năm 2018 sẽ có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới/kế hoạch 27 xã (đạt 111,1%), nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến cuối năm 2018 lên 211/431 xã, chiếm 48,96%. Đây là kết quả vượt bậc của Nghệ An.

Xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn sản xuất thành công dưa lưới. Ảnh tư liệu

Từ đầu năm 2018 đến nay, đã có thêm 4 thôn, bản được UBND các huyện quyết định công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới theo bộ tiêu chí của tỉnh và dự kiến từ nay đến hết năm 2018 có thêm khoảng 36 thôn, bản được công nhận; đưa tổng số thôn, bản đạt chuẩn NTM đến cuối năm 2018 lên 86 thôn, bản.

Đánh giá chung, mặc dù năm 2018 là năm gặp nhiều khó khăn về thiên tai, nguồn vốn đầu tư và huy động hạn chế nhưng các địa phương đã nỗ lực phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra (toàn tỉnh có 30/27 xã kế hoạch và 40/25 thôn, bản kế hoạch đạt chuẩn). Trong đó, điển hình như Yên Thành dự kiến đạt 9 xã/kế hoạch 6 xã.

Năm 2019, Nghệ An phấn đấu có thêm ít nhất 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới; nâng tổng số xã đạt chuẩn đến cuối năm 2019 là 238/431 xã (đạt tỷ lệ 55,22%); có thêm một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới (huyện Yên Thành); có thêm 25 thôn, bản thuộc các huyện miền núi đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí của tỉnh.

Theo đồng chí Lương Thanh Hải - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cần tiếp tục tăng cường NTM vùng miền núi, dân tộc, vùng sâu vùng xa, vừa xây dựng NTM vừa giảm nghèo bền vững.

Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết: Việc ban hành bộ tiêu chí và chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản là bước đột phá của Nghệ An trong chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới vùng miền núi khó khăn được Trung ương đánh giá rất cao.

Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Trung ương đánh giá cao kết quả xây dựng nông thôn mới thôn bản của tỉnh. Ảnh: Quang An

Tổng hợp các mô hình hiệu quả, các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế của các địa phương để hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm và nhân rộng các địa phương góp phần thực hiện tốt đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Sẽ quan tâm hơn đến 27 xã đặc biệt khó khăn

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương những kết quả cao mà cả tỉnh đã đạt được. Ngoài xây dựng hạ tầng, NTM Nghệ An nay đã có những dấu ấn mới như điện sáng về đêm; xóm làng sạch đẹp, bình yên; tổ tự quản thôn xóm hoạt động tốt; hệ thống chính trị cơ sở được kiện toàn, bền vững. Tỷ lệ các xã đạt NTM so với toàn tỉnh cao, cao hơn mặt bằng chung cả nước, tỷ lệ thôn bản đạt NTM cao. Một số huyện vùng cao có cố gắng trong xây dựng NTM như Tương Dương.

Theo đồng chí Thái Thanh Quý, phong trào xây dựng NTM tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân là hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm hơn đến 27 xã đặc biệt khó khăn, xây dựng NTM miền núi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, sản xuất hiệu quả. Tập trung hoàn chỉnh hồ sơ, thẩm định các xã đã đạt chuẩn NTM một cách chính xác, thuyết phục.

Sản xuất lúa hè thu được mùa ở Tương Dương. Ảnh tư liệu

UBND tỉnh cũng nhất trí đề xuất Trung ương một số nội dung như: Tăng mức hỗ trợ các nguồn vốn trực tiếp trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới cho các tỉnh chưa cân đối được ngân sách như Nghệ An; cho Nghệ An được ứng trước 10% nguồn kinh phí dự phòng chương trình Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh để triển khai các nội dung xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là thực hiện 2 đề án Trung ương phê duyệt, gồm: Đề án “Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh giai đoạn 2017 - 2020” và Đề án xây dựng huyện Nam Đàn thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Quang An

Cũng trong sáng nay, UBND tỉnh thông qua dự thảo phê chuẩn Quyết toán thu ngân sách nhà nước; Quyết toán chi ngân sách địa phương năm 2017; Kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2018; Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách tỉnh.

Tác giả: Trân Châu

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP