Số hóa

Chuyển mạng giữ số từ ngày 16/11: Những điều thuê bao cần biết

Chỉ còn 2 tuần nữa (ngày 16/11), ba nhà mạng lớn VinaPhone, Viettel và MobiFone sẽ triển khai cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số cho khách hàng. Nhiều thông tin được khách hàng quan tâm như: Thủ tục chuyển thế nào? Vì sao phải chuyển? Chi phí ra sao…

Vì sao chuyển mạng giữ nguyên số?

Chuyển mạng giữ số di động (Mobile Number Portibility - MNP) là dịch vụ giúp người dùng di động có thể lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ di động mà không phải thay đổi số thuê bao.

Theo đó, một số thuê bao di động của mạng này khi chuyển sang sử dụng mạng khác thì được giữ nguyên dãy số, không có bất cứ sự thay đổi nào kể cả là đầu số thuê bao.

Dịch vụ này đem lại nhiều lợi ích cho cả người dùng (được thêm lựa chọn, được nhà mạng phục vụ tốt hơn), doanh nghiệp (phải nâng cao chất lượng dịch vụ, được mở rộng kho số) và cơ quan quản lý (đẩy lùi nạn sim rác).

Chuyển mạng giữ nguyên số giúp khách hàng có thêm lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ và được cải thiện chất lượng phục vụ.

Mỗi nhà mạng cung cấp dịch vụ sẽ xây dựng một cổng chuyển mạng tại hạ tầng mạng của mình để thực hiện việc chuyển mạng. Tại đây cũng có một cơ sở dữ liệu nội bộ của doanh nghiệp được liên tục đồng bộ với dữ liệu tại cơ sở dữ liệu quốc gia.

Áp dụng cho những đối tượng nào?

Trước mắt, VinaPhone, Viettel và MobiFone sẽ cung cấp dịch vụ này cho các thuê bao trả sau từ ngày 16/11/2018. Sau 3 tháng sẽ tiếp tục mở rộng cho các thuê bao trả trước. Vietnamobile sẽ chính thức cung cấp dịch vụ từ ngày 01/01/2019. Riêng Gmobile sẽ không cung cấp dịch vụ này.

Khách hàng phải trả bao nhiêu tiền để được chuyển mạng giữ số?

Cho đến thời điểm này, bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT ) vẫn chưa ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về lệ phí kho số, cước hoà mạng, quy trình cung cấp dịch vụ…

Do đó, hiện nay vẫn chưa rõ mức phí sử dụng dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số mà các nhà mạng sẽ áp dụng. Mức phí được các nhà mạng đề xuất với cơ quan quản lý đang là 60.000 đồng/lượt chuyển mạng giữ số.

Theo dự thảo thông tư quy định về chuyển mạng giữ nguyên số của bộ TT&TT, thuê bao đăng ký dịch vụ chuyển mạng phải thanh toán cho nhà mạng chuyển đến cước dịch vụ chuyển mạng. Cước dịch vụ chuyển mạng sẽ không được hoàn trả trong mọi trường hợp.

Như vậy nếu mức phí trên được chính thức áp dụng thì nếu muốn chuyển sang nhà mạng khác, thuê bao sẽ phải trả cho nhà mạng 60.000đồng/lượt chuyển.

Ngoài mức phí chuyển này, hiện nhiều người cũng thắc mắc liệu có bị mất phí hòa mạng 25.000 đồng với thuê bao trả trước và 35.000 đồng với thuê bao trả sau khi chuyển sang sử dụng dịch vụ của nhà mạng khác hay không? Tài khoản có được bảo lưu khi chuyển sang nhà mạng khác không? Các dịch vụ ứng dụng viễn thông đang sử dụng (ví dụ báo cuộc gọi nhỡ) có bị cắt và sau chuyển mạng phải đăng ký lại hay không?...

Thị trường đóng băng, dân buôn số chưng hửng…

Trước giờ G của việc chuyển mạng giữ số, thị trường SIM số ít biến động vì thông tin từ nhà quản lý còn chưa rõ ràng

Tại thời điểm gần sát giờ G của dịch vụ chuyển mạng giữ số, thị trường SIM số không có nhiều biến động.

Trước đó, nhiều người cho rằng trước khi dịch vụ này được cung cấp, các dãy số đẹp từ các nhà mạng nhỏ như Vietnamobile, Gmobile sẽ đắt hàng vì nhiều khách hàng sẽ chọn mua số đẹp của mạng nhỏ rồi đợi chuyển sang nhà mạng có dịch vụ tốt hơn.

Nhiều dân buôn còn có ý định gom hàng để chờ đợi bung ra ngay thời điểm chuyển mạng giữ số nhưng hầu như đã từ bỏ dự tính này vì các thông tin từ nhà quản lý chưa rõ ràng.

Cụ thể là các văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình chuyển đổi như thế nào, giá cước hòa mạng, phí chuyển mạng… của bộ TT&TT. Nếu quy trình đơn giản, thuận tiện và giá phù hợp thì mới tạo động lực cho người dân chuyển đổi, tạo ra sự hấp dẫn đối với cả giới kinhh doanh và người dân, từ đó mới thúc đẩy cho thị trường SIM số, cạnh tranh giữa các nhà mạng. Còn ngược lại, quy trình và giá cước chuyển đổi cao sẽ không đủ sức hấp dẫn người dùng dịch vụ.

Đặc biệt, khi có thông tin Gmobile không tham gia chuyển mạng giữ nguyên số thì kho SIM số đẹp nhà mạng này bị “đóng băng” khiến dân buôn SIM khóc ròng vì trót “gom hàng” chờ dịch vụ.

Tác giả: H.Y

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP