Sau khi đăng tải, bài viết Nàng dâu có nên nhẫn nhịn, một lòng hi sinh vì gia đình chồng? đã thu hút rất nhiều sự quan tâm chia sẻ của bạn đọc. Đa số đều bày tỏ sự cảm thông với nhân vật chính trong câu chuyện, về sự hy sinh và nhẫn nhịn của nàng dâu.
Bên cạnh đó cũng có những chia sẻ cho rằng người chồng và người bố chồng trong câu chuyện này không làm tròn vai trò của mình, không biết dung hòa mối quan hệ giữa vợ với con dâu và mẹ với vợ.
Từng làm dâu và nay cũng đã có con dâu, bác Thu Nga (Dịch Vọng, Cầu Giấy) thẳng thắn nêu quan điểm: “Mình cũng từng làm dâu thì hơn ai hết mình phải thấm cái nỗi khổ ấy, từ đó mà thương lấy con dâu. Cái gì cũng thế, tình cảm phải từ hai phía, phải có sự tôn trọng lẫn nhau. Dù con dâu có ngoan, có chịu đựng, có hy sinh đến đâu mà bà mẹ chồng cứ quá quắt, cay nghiệt như vậy thì nó cũng chẳng chịu được. Tức nước vỡ bờ thôi”.
Trong khi đó, chị Hồng Hạnh (Hà Đông, Hà Nội) lại có cái nhìn thiên về người chồng: “Vai trò người chồng quan trọng lắm. Như chồng mình đây, không khéo tí nào nên nhiều khi mình bị mẹ chồng mắng thêm. Anh ấy bênh vợ ngay trước mặt mẹ, lại nói thẳng quá nên bà nghĩ mình nói gì để chồng nói vậy trong khi mình có nói gì đâu. Rồi bà còn bảo “mày đội nó lên đầu ý”… Chồng mà không khéo xử lý thì như đổ thêm dầu vào lửa, mệt mỏi kinh khủng, nhiều khi nghĩ thà anh ấy không nói gì còn hơn”.
Chồng không khéo xử lý thì chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa. (ảnh internet) |
“Mỳ chính cánh”- anh Thành Phong (Phú Xuyên, Hà Nội) cũng nhìn nhận sự việc theo cách tương tự. Theo anh Thành Phong, để sự việc ra nông nỗi này có một phần lỗi lớn của người bố chồng và người chồng.
Anh Phong bày tỏ: “Mẹ chồng nàng dâu mấy khi hợp nhau đâu nhưng người bố chồng và chồng phải biết cân bằng, dung hòa nó, chứ không thể mặc kệ muốn đến đâu thì đến. Ai sai phải nói chuyện riêng, nhẹ nhàng phân tích, nếu vẫn không thay đổi thì phải có cách khác chứ cứ để như vậy thì người vợ thiệt thòi quá”.
Chia sẻ về một câu chuyện của bản thân, anh Phong nói: “Ngày mới về làm dâu, vợ tôi cũng lạ lẫm, bỡ ngỡ, mẹ tôi nhiều khi góp ý nhưng nói khó nghe nên vợ tủi thân nhiều lắm. Thấy vậy tôi phải can thiệp ngay. Tôi nói chuyện riêng với vợ là mẹ không có ý gì, với chồng con mẹ cũng vậy chứ không riêng gì vợ. Còn với mẹ, tôi góp ý chân thành, bảo mẹ bảo ban nhẹ nhàng, muốn con trai sướng thì phải chăm con dâu. Sau lần đó, mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu cải thiện thấy rõ. Người đàn ông quan trọng lắm, công to việc lớn bên ngoài nhiều khi cũng không to bằng dung hòa mẹ và vợ đâu”.
“Tôi thấy người chồng trong câu chuyện này gần như chả có vai trò gì. Dù là mẹ mình cũng cần công bằng. Ông bố chồng cũng vậy, không bảo được vợ. Để chuyện xảy ra bao nhiêu năm như vậy mà không xử lý đến nơi đến chốn. Khi sự việc đã vượt tầm kiểm soát thì muốn can thiệp cũng muộn rồi”, anh Phong nhận định.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Người đưa tin