Giáo dục

Có nên tồn tại mô hình đại học "hai cấp"?

Mô hình "hai cấp" của các đại học quốc gia và đại học vùng đã vô hiệu hóa các ưu thế của mô hình đại học đa lĩnh vực, và làm nảy sinh nhiều vấn đề về quản trị và quản lý các đại học.

Bài viết dưới đây, chúng tôi xin lược trích bài viết "Đại học đa lĩnh vực thiết kế, thực thi, vấn đề và giải pháp" của GS. Lâm Quang Thiệp, Trường Đại học Thăng Long vừa đưa ra tại Hội thảo "Mô hình tổ chức, hoạt động của các đại học ở Việt Nam" do Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp cùng Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 4/6/2022.

GS Lâm Quang Thiệp (ngồi giữa) tham gia hội thảo.

Đại học "hai cấp" vô hiệu hóa các ưu thế của mô hình đại học đa lĩnh vực

Xây dựng các Đại học quốc gia và Đại học vùng là chủ trương quan trọng trong thời gian đầu thời kỳ đổi mới giáo dục đại học (GDĐH) ở nước ta (1987-1997).

Vào đầu thập niên 1990, khi Chính phủ chủ trương xây dựng một số trường đại học mạnh cho nước ta, Thủ tướng Võ Văn Kiệt yêu cầu Bộ GD&ĐT thiết kế các đại học này và Bộ đã đề nghị xây dựng hai đại học quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ba đại học vùng Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng theo mô hình đại học đa lĩnh vực.

Tuy nhiên, vào đầu thập niên 1990 phần lớn các trường đại học nước ta có quy mô rất nhỏ, cỡ trên dưới 1000 sinh viên, nên việc xây dựng các đại học đa lĩnh vực phần lớn được triển khai theo hướng sáp nhập một số trường đại học đơn lĩnh vực.

Khó khăn nảy sinh chủ yếu do việc phản đối chủ trương sáp nhập của các trường thành viên, mà thực chất là vì mất nhiều "ghế" quản lý.

Khó khăn này chẳng những nảy sinh đối với các trường đại học được sáp nhập mới từ các trường đơn ngành, đơn lĩnh vực, mà còn cả đối với các trường đại học thuộc đại học đa lĩnh vực trước đây, chẳng hạn các trường thuộc "Viện đại học Huế" khá mạnh và ổn định trước đây, đã bị chia tách thành các trường đơn ngành đơn lĩnh vực sau năm 1975 theo mô hình GDĐH miền Bắc.

Để thỏa hiệp với khó khăn đó, các nhà tổ chức phải hứa hẹn giữ nguyên vị trí các trường thành viên, không thay đổi các chức vụ quản lý trước đây, do đó các quy chế tổ chức đại học quốc gia và đại học vùng được xây dựng theo mô hình đại học hai cấp.

Theo mô hình này, hoạt động trong các trường thành viên hầu như vẫn giữ như cũ, sự kết nối giữa các trường thành viên với nhau rất lỏng lẻo, hình thức, và cấp quản lý trên cùng của "đại học" thực hiện một cơ chế quản lý trung gian gián tiếp, giống như các "bộ Đại học" nhỏ.

Mô hình thực tế của các đại học quốc gia và đại học vùng đã vô hiệu hóa hoàn toàn các ưu thế của mô hình đại học đa lĩnh vực. Thế nhưng cơ chế "hai cấp" của các đại học đa lĩnh vực thậm chí đã được khẳng định và gắn với khái niệm "đại học" ở Luật GDĐH năm 2012, chỉ được xóa bỏ trong Luật GDĐH năm 2018.

Theo Luật GDĐH 2012 "Đại học" là cơ sở giáo dục đại học bao gồm tổ hợp các trường cao đẳng, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp, để đào tạo các trình độ của GDĐH còn theo Luật GDĐH 2018: "là cơ sở GDĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung".

Vì sao lại vô hiệu hóa?

Mô hình "hai cấp" của các đại học quốc gia và đại học vùng, như nói trên, đã vô hiệu hóa các ưu thế của mô hình đại học đa lĩnh vực, và làm nảy sinh nhiều vấn đề về quản trị và quản lý các đại học.

Trước hết, các trường thành viên đều là các trường đơn ngành, đơn lĩnh vực, lại liên kết với nhau rất lỏng lẻo, hầu như hoàn toàn độc lập về đào tạo, nên ưu thế về việc nâng cao chất lượng đào tạo theo chương trình giáo dục khai phóng không thể hiện được. Cũng vậy, trong lĩnh vực nghiên cứu, phục vụ xã hội và đáp ứng thị trường lao động, quan hệ lỏng lẻo giữa các trường thành viên rất khó tạo nên sự phối hợp để tăng hiệu quả.

GS Lâm Quang Thiệp chia sẻ, khi nhận xét về dự thảo Luật GDĐH nước ta, văn bản của các chuyên gia WB đặc biệt phê phán mô hình các đại học quốc gia (cũng là mô hình các đại học vùng). Trước hết họ nói đó là mô hình duy nhất độc đáo tại Việt Nam ("is unique to Vietnam") và không thấy ở bất kỳ nước nào trên thế giới ("We have not come across this set up in any country in the world").

Họ có nêu 3 mô hình gần tương tự tại Cộng hòa Nam Tư cũ, tại Côte d'Ivoire và tại Pháp, nhưng đều nhận xét là tất cả 3 trường hợp ấy đều thua kém các cơ sở khác trong hoạt động lâu dài.

Theo họ, các nhược điểm đó là: "không tận dụng được hết ưu thế về tài năng, kiến thức, và tiềm lực hiện có bị phân tán trong một số lớn các cơ sở tách biệt.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng các cơ sở đại học phi tập trung hoạt động kiểu như các trường thành viên độc lập gắn kết yếu gặp thách thức lớn nhằm chuyển đổi và tăng cường hoạt động bởi vì mỗi trường thành viên đều có kế hoạch và ưu tiên của riêng mình, không nhất thiết gắn chặt với mục tiêu chung của đại học lớn.

Sự thiếu tích hợp làm cho chúng không thể tạo nên một sự đồng nhất cốt lõi và một tình cảm chung về mục đích. Khi không có một tầm nhìn chung, nhiệm vụ thiết kế và thực hiện một dự án phát triển đổi mới cho toàn bộ trường đại học trở thành bất lực.

Các cơ sở đại học phi tập trung có xu hướng trở thành không hiệu quả vì sự trùng lặp của việc cung cấp các khóa học và các cấu trúc hành chính. Các hoạt động trong giảng dạy và nghiên cứu vẫn được giữ trong nội bộ các trường và khoa riêng biệt.

Những nỗ lực đa ngành bị cản trở. Các nguồn lực tài chính và khoa học không được chia sẻ rộng rải". Chính các nhận xét đó thể hiện khá đầy đủ nhược điểm của mô hình đại học hai cấp.

Đối với hai đại học quốc gia được "nâng cấp" về quyền tự chủ, không còn "trực thuộc" Bộ GD&ĐT mà trực thuộc Chính phủ, nên vấn đề không quá nặng nề. Ở các đại học vùng tình trạng trầm trọng hơn vì chúng vẫn trực thuộc Bộ GD&ĐT, mức độ tự chủ của chúng thấp hơn, cho nên cho đến tận bây giờ nhiều trường thành viên vẫn bày tỏ mong muốn thoát khỏi mô hình này.

Luật Giáo dục đại học 2018 bỏ khái niệm "hai cấp"?

Định nghĩa ở Luật Giáo dục đại học (GDĐH) 2018 đã bỏ khái niệm "hai cấp", tức là không khuyến khích sự tồn tại cấp quản lý trung gian của "đại học", một cơ chế gây nhiều vấn đề và mâu thuẫn. Định nghĩa mới cũng nhấn mạnh tính "nhiều lĩnh vực" và "cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung" của đại học, tức là quy định đại học phải tạo nên một sự gắn kết chặt chẽ chứ không thể thả nổi cho một sự liên kết lỏng lẻo và hình thức như hiện nay.

GS. Lâm Quang Thiệp cho rằng, tốt hơn hết các đại học quốc gia và đại học vùng nước ta nên xây dựng theo mô hình university thực sự, chứ không nên sử dụng mô hình đại học hai cấp. Muốn vậy, tùy theo điều kiện cụ thể nên xử lý một đại học hai cấp nào đó theo một trong hai giải pháp:

Thứ nhất, cho phép các trường thành viên đơn ngành đơn lĩnh vực phát triển thành các "university", và đại học hai cấp biến thành một tập đoàn các "university" với sự liên kết không quá chặt chẽ theo kiểu "University of California" hoặc "California State University" của bang California, Hoa Kỳ.

Thứ hai, Đại học hai cấp chuyển thành một "university" đơn nhất thực sự, thay đổi bộ phận điều phối trung gian thành cấp điều hành trực tiếp, toàn bộ "university" có một chương trình đào tạo chung, cũng như các chương trình nghiên cứu và phục vụ xã hội phối hợp chặt chẽ với nhau, như kiểu Trường Đại học Cần Thơ và một số đại học đa lĩnh vực khác ở nước ta.

Trong văn bản góp ý của WB, các chuyên gia GDĐH của WB cũng đề xuất các giải pháp thay đổi mô hình các đại học quốc gia và đại học vùng như sau: "trong "university" nên có các trường (schools, institutes, faculties) chứ không phải các "university".

Luật GDĐH sửa đổi nên tạo một điểm gặp để tích hợp các đại học thành viên vào một "university" mạnh mẽ và thống nhất nhằm dẫn đến sự xuất sắc về học thuật và công nhận quốc tế.

Việc tái cấu trúc dần dần sẽ làm hài hòa các thiết chế quản trị, và nếu quản lý tốt, nó có thể mang lại các lợi ích quan trọng, như các phương tiện và nguồn lực được chia sẻ chung, và các nỗ lực được hợp tác cho phép university thống nhất phát huy ưu thế so sánh của nó và tạo nên nền học vấn theo các cách chưa từng có".

WB còn nêu một cách tiếp cận khác, ưu tiên thấp hơn, nhưng vẫn tốt hơn hiện trạng, là: "cho phép giám đốc đại học lớn được lựa chọn và bổ nhiệm hiệu trưởng các trường thành viên và có toàn quyền phân phối ngân sách cho các trường thành viên, cũng như có quyền lực trong việc bổ nhiệm các chức vụ học thuật và quản lý cao cấp trong các trường thành viên".

Theo GS Lâm Quang Thiệp, các chuyên gia GDĐH thuộc WB vẫn thể hiện mong muốn các đại học quốc gia của chúng ta được thay đổi theo mô hình các "university" thống nhất, gắn kết chặt chẽ để có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Với giải pháp đề xuất trên đây sẽ có hiệu quả càng cao nếu tinh thần tự chủ đại học theo tinh thần của Luật GDĐH năm 2018 càng được quán triệt.

Ở nước ta, khái niệm "tự chủ" của các cơ sở GDĐH lần đầu tiên đã được đưa vào Luật Giáo dục năm 1998. Và gần đây nhất, Luật GDĐH năm 2018 cũng dành trọn Điều 32 để quy định về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của "cơ sở GDĐH", tức là của các đại học cũng như các trường thành viên, tuy nhiên các quyền tự chủ đó đều được ràng buộc bởi một cái đuôi là "phù hợp với quy định của pháp luật".

Trong lịch sử, "tự chủ đại học" chỉ đạt được qua một quá trình đấu tranh lâu dài. Ngày nay khái niệm "tự chủ đại học" cũng phản ánh một quá trình dịch chuyển quyền lực, nên cũng sẽ là một quá trình đấu tranh tiếp tục.

Tác giả: Nhật Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP