Tin trong tỉnh

Cổ tích tình yêu kể nhân ngày 27/7/2023: Vợ liệt sĩ gần nửa thế kỷ thờ chồng nuôi con

Trước khi lên đường vào miền Nam chiến đấu, liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền ở Nghệ An đã dặn vợ rằng:“Anh đi được 10 năm, nếu không về nữa thì em hãy đi lấy chồng...”.

Thời gian bà Nguyễn Thị Lương sống bên chồng chỉ tính bằng ngày, bằng giờ, nhưng nỗi nhớ nhung, khắc khoải, chờ đợi thì kéo dài hàng chục năm. Câu chuyện tình yêu của họ thật giản dị, chân thật và vô cùng xúc động. Họ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng mình, chiến đấu vì lý tưởng cách mạng, đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc.

Bà Lương và tấm ảnh ngày cưới của hai vợ chồng

Hạnh phúc ngắn ngủi

Bà Nguyễn Thị Lương (SN 1947) quê ở Cửa Hội, huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) thời trẻ được tiếng là cô gái xinh xắn, chăm chỉ, tháo vát nên có nhiều chàng trai trong vùng theo đuổi. Ấy vậy mà bà lại nhận lời làm vợ của chàng trai Nguyễn Văn Kiền ở xã Nam Cát, huyện Nam Đàn dù thời gian gặp gỡ ngắn ngủi.

Ông Nguyễn Văn Kiền (SN 1946) quê xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thời điểm đó, ông làm Bí thư Đoàn thanh niên Công ty lương thực Nghệ Tĩnh.

Thời gian bà sống bên chồng chỉ tính bằng ngày, bằng giờ, nhưng nỗi nhớ nhung, khắc khoải, chờ đợi thì kéo dài hàng chục năm. Trong ảnh: Bà Lương ngồi dựa vào lòng chồng, khuôn mặt hai người rạng ngời hạnh phúc.

Ông ấy là người rất thông minh, có lý tưởng, lại sống tình cảm, trách nhiệm nên tôi cảm mến ngay từ lần gặp đầu tiên. Sau vài lần gặp gỡ, anh Kiền chủ động ngỏ lời yêu. Yêu nhau được 7 tháng ông ấy xin phép gia đình làm đám cưới. chúng tôi mới nên duyên chồng vợ bằng một đám cưới giản dị, ấm cúng do đôi bên gia đình tổ chức vào tháng 7/1970...", bà Lương nhớ lại.

Hạnh phúc càng thêm trọn vẹn khi tháng 7/1971, con gái đầu lòng của ông bà là Phạm Thị Thu Hiền chào đời. Mãi 3 tháng sau, trước khi đơn vị vào chiến trường, ông được phép về thăm nhà. Đó là lần đầu tiên ông được gặp con, được bế con gái bé bỏng trên tay cho thỏa niềm vui được làm cha.

Những ngày hạnh phúc ngắn ngủi ấy vụt qua rất nhanh, khi chiến trường miền Nam vẫy gọi. Kỳ nghỉ phép 10 ngày kết thúc.

Bà Lương nhiều lần bật khóc khi kể về người chồng liệt sĩ của mình.

Đến tháng 12/1971, từ Hà Bắc, đơn vị ông Kiền được lệnh vào chiến trường. Đến huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An), họ tạm dừng chân nghỉ ngơi. Ông Kiền xin chỉ huy đơn vị về thăm vợ con, cách nơi đơn vị tạm nghỉ hơn 20 cây số. Nằm chưa kịp ấm chỗ, ông vội vã lên đường. Trước khi lên đường vào Nam anh có dặn tôi "Nếu anh đi 10 năm chưa về, em lấy ai thì lấy. Tôi giận lắm. Tôi nói lại với anh đời em chỉ lấy một lần chồng, anh cứ yên tâm chiến đấu và sớm trở về” - bà Lương nghẹn ngào nói.

“Đó là khoảng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi. Thấy cô giáo giữ con bị một vết lác ở tay, anh cũng đi tìm thuốc chữa bằng được để khỏi lây con. Anh thương con lắm. Anh thường hay dặn đùa con là ở nhà giữ mẹ cho bố nhé,… Đó có lẽ lời thời khắc hạnh phúc nhất của gia đình tôi”, bà Lương nhìn về xa xăm nói.

Năm nay dù đã 76 tuổi – vợ của Liệt sỹ Nguyễn Văn Kiền, vẫn giữ được những nét đẹp thời xuân sắc. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, vết thương lòng cũng đã nguôi ngoai phần nào nhưng ký ức về tình yêu đối với chồng vẫn nồng ấm như xưa. Lật lại những dòng ký ức đó, bà Lương nhiều lần bật khóc. Đôi bàn tay nhăn nheo miết mãi trên tấm ảnh đen trắng đã nhòe mờ theo năm tháng.

"Chúng tôi yêu nhanh, cưới nhanh, sống với nhau đúng nghĩa vợ chồng chỉ tính theo ngày nhưng tôi dành cả đời để nhớ anh ấy". Bà Lương chia sẻ.

Biết sống xa nhau khi tổ quốc cần

Thời điểm đó, cứ thời gian rảnh rỗi hoặc lên đường hành quân đi nơi khác là anh Lương tranh thủ viết thư động viên vợ con cố gắng chờ ngày gia đình đoàn tụ. Trong thư của người lính trẻ cũng bày tỏ sự nhớ nhung vợ con đến phát khóc.

Những bức thư của chồng gửi về được bà Lương cất giữ cẩn thận.

Em à, đến nay anh tính con sinh được một tháng ba ngày. Anh cứ mong sao cho mẹ con khoẻ, đến khoảng 3,4 tháng em chụp ảnh gửi cho anh. Anh nhớ con quá đi, có khi đang làm việc sực nhớ con ở nhà đã được hơn 1 tháng rồi lại phải sang nhà bên bồng con người ta cho đỡ nhớ. Có khi ban đêm nhớ con mà phát khóc,..”, trích thư liệt sỹ Kiền gửi vợ khi con mới hơn 1 tháng tuổi.

Giữa lúc mưa bom, bão đạn, người lính trẻ mang trên mình trọng trách lớn lao luôn khao khát được sống cuộc sống yên bình bên vợ con, được chăm sóc, được ôm ấp con.

“Con ơi! Con ạ! Ba rất muốn sống gần con, để nuôi con, để chăm con, để con mau lớn, cho con ngoan nhưng không thể được. Ba phải đi đánh Mỹ con nhé, con ngoan.

Lương em yêu! Anh thương em nhiều, nhớ em nhiều nhưng chẳng biết làm sao. Anh biết cuộc sống ngày nay em khác hẳn ngày xưa, hồi đương là con gái tung tăng bay nhảy,…Bây giờ thì không được, con nó khóc, nó giữ lấy chân không cho mẹ rời một bước. Thực tế mà nói em rất vất vả. Cái cảnh nuôi con mọn thì anh không lạ gì nữa. Anh biết em rất khổ. Em à! Cái nguồn động viên lớn nhất của chúng ta lúc này là ai? Là đứa con gái đầu lòng của chúng ta đó. Anh vui vẻ, anh phấn khởi, yên tâm công tác, lên đường vào đánh Mỹ. Chính là đứa con đầu lòng đã thôi thúc anh vượt qua chông gai, mọi trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ. Mai sau trở về sẽ hôn con, gần em được thoải mái.

Nửa thế kỷ trôi qua, hình ảnh của chồng vẫn nguyên vẹn trong tâm trí bà Lương.

Chẳng ai muốn xa vợ, xa con làm gì. Anh cũng muốn thực hiện ước mơ của cái hạnh phúc vợ chồng,…Anh vào tiền tuyến, em ở lại hậu phương, cố gắng công tác đảm nhiệm nuôi con thay anh. Nuôi con khoẻ, dạy con ngoan đợi ngày hết giặc anh về sum họp” - trích thư liệt sĩ Kiền gửi vợ con.

Thế nhưng chiến tranh đã khiến giấc mơ bình dị ấy không thể trở thành hiện thực.

Lời hẹn của anh Nguyễn Văn Kiền đang còn dang dở, ước mơ về ngày đoạn tụ gia đình đã không còn nữa. Ngày 29 tháng 4 năm 1975, đồng chí Nguyễn Văn Kiền đã anh dũng hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu tại tỉnh Tây Ninh.

Ông đã mãi mãi không trở về...

Người vợ trẻ như hóa đá khi cầm trên tay tờ giấy báo tử của chồng. Bà gục ngã, chông chênh nhưng rồi tự vực mình dậy, bởi còn phải gánh trên đôi vai trách nhiệm với bố mẹ chồng, với đứa con duy nhất của anh.

Trọn vẹn một lời thề

"Yêu nhanh, lấy nhanh nhưng tôi lại mất cả đời để nhớ về anh. Mình còn được sống với con, anh thì hy sinh xương máu cho Tổ quốc. Tôi quyết định không đi thêm bước nữa, nguyện thuỷ chung với tình yêu của anh, nuôi con gái khôn lớn...

Hoà bình rồi mà anh lại hy sinh. Thời điểm tôi nhận được giấy báo tử của anh là vào năm 1976. Tuy nhiên, vẫn không tin chồng mình đã hy sinh..." - bà Lương nghẹn ngào nói.

Trên tờ giấy báo tử mỏng manh ấy, ghi rõ: Hy sinh ngày 17/10/1972. Không! Không phải là anh!. Bà vội vã chạy vào buồng, lục tung xấp thư dày cộp vẫn kê dưới gối. Đây rồi, bức thư cuối cùng của ông gửi về ghi rõ ông viết vào ngày 4/10/1973, bà nhận vào tháng 4/1974, nghĩa là sau ngày hi sinh trong giấy báo tử.

Gia đình bà Lương trong ngày đưa liệt sỹ Nguyễn Văn Kiền về quê hương.

Nhiều năm sau đó, bà Lương đi khắp nơi cầm lá thư và giấy báo tử lên ủy ban xã “khiếu nại” về sự nhầm lẫn ấy với niềm hi vọng rằng người ta đã báo tử sai. Kể cả khi giả thiết có thể ông thực hiện một nhiệm vụ bí mật nào đấy buộc đơn vị phải ghi “chệch” thông tin hi sinh, hoặc có thể do nhầm lẫn, sơ suất trong quá trình ghi giấy báo tử, bà vẫn không chịu tin, hay nói cách khác, bà cố bấu víu vào cái thông tin sai lệch ấy để lừa chính bản thân mình. Tôi nuôi hy vọng một ngày nào đó anh sẽ quay về. Nhìn thấy ai giống anh là trong lòng tôi cứ thổn thức mãi. Tôi cứ hy vọng vì có nhiều người nhận giấy báo tử nhưng sau đó họ lại trở về…

Những vất vả, nhọc nhằn không thể xóa mờ nét đẹp của người vợ liệt sĩ này. Chiến tranh kết thúc, có nhiều người đến mong gánh vác cuộc sống cùng bà. Bà lắc đầu từ chối. Bà dành cả cuộc đời để chờ đợi dù biết ông không thể trở về. Bốn chữ "chín đợi, mười chờ" trở thành lời hứa khắc sâu trong tâm khảm, trở thành điểm tựa giúp bà chống đỡ với những phút chông chênh trong cuộc sống.

Sau nhiều lần đi tìm chồng, cuối cùng, thông tin trong giấy báo tử đã được sửa lại, thời gian hi sinh là 17/10/1973. Bà vẫn không chịu tin vào sự thật nghiệt ngã ấy. Sống phải thấy người, chết phải thấy xác. Thế nhưng biết tìm anh ấy ở đâu giữa mênh mông đất trời, khi tờ giấy báo tử chỉ vẻn vẹn mấy chữ “hi sinh ở mặt trận phía Nam”.

Mãi đến tháng 6/2009, bà Lương nhận được lá thư của ông Nguyễn Viết Quản trú quận 6 (TP Hồ Chí Minh). Trong thư ông Quản thông tin về ngôi mộ liệt sĩ mang tên Nguyễn Lương Kiền, hiện đang an táng tại nghĩa trang Hòa Thành (tỉnh Tây Ninh), hi sinh ngày 29/4/1975, quê quán xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, Nghệ An.

Theo cựu chiến binh Nguyễn Viết Quản, ông là lính tiểu đoàn 18, Đoàn đặc công 429 Miền Đông Nam Bộ tăng cường cho tỉnh đội Tây Ninh, về chiến đấu với ông Kiền, Tiểu đoàn 16 Tỉnh đội Tây Ninh. “Trước mỗi trận đánh, anh em chúng tôi nói với nhau: Sau này hòa bình thống nhất, ai là người còn sống nhớ đi tìm người đã chết đưa về quê cha đất tổ. Là người may mắn sống sót sau cuộc chiến tôi xem đó là lời thề thiêng liêng giữa những người lính nên có thời gian là tôi đi tìm đồng đội…”. Vì vậy, sau khi nghỉ hưu tôi đã lên kế hoạch tìm mộ đồng đội. "Khi tìm được mộ của liệt sỹ Kiền nhưng thông tin trong hồ sơ ở Quân khu 7 và thông tin ở trên mộ không khớp. Bởi vì thương nhớ vợ nên anh Kiền đã đổi tên mình từ Nguyễn Văn Kiền thành Nguyễn Lương Kiền nên công tác xác minh gặp khó khăn. Năm 2009, mộ của liệt sỹ Kiền được đưa về quê nhà”, ông Quản chia sẻ.

Sau nhiều tháng trời chạy đi chạy lại từ Tỉnh đội Tây Ninh, Quân khu 7, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tây Ninh cũng như sự giúp đỡ của nhiều cá nhân khác, cuối cùng ông Quản cũng có thể giúp gia đình bà Lương hoàn thành tâm nguyện. Cuối năm 2009, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền đã được cất bốc, đưa về an táng tại quê nhà, gần với vợ con sau 38 năm xa cách. Người lính ra đi vì nghĩa lớn đã có thể an lòng nơi chín suối, khi vợ ông vẫn trọn vẹn một lời thề thủy chung son sắc và con gái có cuộc sống bình yên như chính ông mơ ước...

Đến nay, gần nửa thế kỷ đã trôi qua, ngần ấy thời gian, bà Lương mạnh mẽ nuôi dạy người con duy nhất trưởng thành, hiện có công việc ổn định, có thể lo được cho mẹ. Bà Lương đang sống cùng vợ chồng người con gái ở TP.Vinh, vừa chăm lo cho con cháu vừa chăm lo việc thờ cúng chồng. Tình yêu thủy chung, đức hy sinh cao cả của một người vợ, một người mẹ khiến bà trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc, là tấm gương sáng để con cháu noi theo.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP