Ngọc Tố (bìa phải) đang giỏ lục bình cùng mẹ và em gái công việc mưu sinh giúp gia đình có bữa ăn qua ngày - Ảnh: NGỌC TÀI |
Đừng bắt con nghỉ học
Trong căn nhà xập xệ, vách phên đã rách tơi tả, Tạ Ngọc Tố cùng mẹ và em gái miệt mài đan giỏ lục bình. Tiền công 3 giỏ là 30.000 đồng, nếu trừ tiền mua lục bình chỉ còn vỏn vẹn 15.000 đồng. Ba mẹ con ngồi đan từ sáng đến chập tối kiếm được 60.000 - 70.000, đủ ăn qua bữa.
Các khoảng sinh hoạt phí khác phụ thuộc vào nghề giăng câu, giăng lưới của cha Tố. "Chủ yếu trông mùa lũ về mới có cá mắm chút đỉnh. Chứ mùa này có khi đủ ăn chứ không có nhiều để bán", bà Nguyễn Thị Thảo, mẹ Ngọc Tố chia sẻ.
Ngày nào hết lục bình đan giỏ bà Thảo cũng cùng chồng đi mò cua, bắt cá, dỡ chà. Mần quần quật quanh năm nên cả bốn người trong nhà đều gầy đét, đen nhẻm.
Nhà không đất sản xuất kể cả nền nhà cũng là ở đậu không biết bị đuổi khi nào. Bà Thảo cười như mếu kể mỗi khi mưa to ở trong nhà cũng như ở ngoài sân vì không chỗ nào là không dột. Cũng không lấy làm lạ khi căn nhà chẳng có vật dụng nào có giá trị, đều là hàng "nghĩa địa" do người này người kia thương tình cho.
Ngay như cái bàn học của hai chị em Tố cũng được người quen tặng. Nói là cái bàn nhưng thực chất không có chân, chỉ còn khung gỗ phía trên với mấy chiếc hộc để sách vở. Duy chỉ có tấm vách nhà nơi treo chi chít các tờ giấy khen của hai chị em là điều hãnh diện nhất của gia đình nhỏ này.
Ngọc Tố tranh thủ vừa làm vừa ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cận kề - Ảnh: NGỌC TÀI |
Hai vợ chồng bà Thảo công việc không ổn định chính vì thế mà đã có lúc họ định cho các con nghỉ học. Dự định Tố sẽ đi học nghề rồi đi làm kiếm thêm thu nhập. Con gái út Tạ Lệ Quyên mới học hết lớp 6 sẽ trông nhà và lo cơm nước. Tính thì tính vậy nhưng khi thấy các con rơm rớm nước mắt cùng nói "đừng bắt con nghỉ học" hai vợ chồng bà Thảo lại quặn thắt.
"Thôi thì tới đâu hay tới đó. Tui cũng ráng nhín nhút để tụi nhỏ được đi học, chứ 2 vợ chồng tui đốt đặc hà. Không đi học rồi cũng khổ như cha mẹ chúng", bà Thảo kể.
Biết phụ cha mẹ trong ngoài, Ngọc Tố học luôn duy trì học lực khá giỏi. Ước mơ của Tố cũng giản đơn là học đến hết 12 rồi đi xuất khẩu lao động để đỡ đần cho cha mẹ lúc về già. "Lên lớp 10 em định sẽ đi học bằng xe đạp. Có hơi xa chừng 15km nhưng em sẽ trì chí đi học tới cùng. Mẹ bảo rồi chập sáng sẽ nấu cơm sớm em ăn rồi đi học. Mang theo ít nước uống chắc sẽ không tốn kém gì nhiều", Tố chia sẻ dự định của bản thân.
Đạt "thợ đụng"
Đạt “thợ đụng” làm đủ thứ nghề để giúp gia đình và để đeo đuổi ước mơ đến trường - Ảnh: NGỌC TÀI |
Nguyễn Hữu Đạt lại mưu sinh bằng nhiều công việc: bán sơ ri, hái ớt, làm cỏ, dặm lúa. Hễ ai thuê gì khi đã sắp xếp xong việc học, Đạt đều không khước từ. Vì thế cậu còn được nhiều người đặt biệt danh là "thợ đụng" - ai thuê gì cũng làm.
Cậu học trò còn được chòm xóm khen không ngớt vừa ngoan hiền và rất hiếu thảo. Bao nhiêu tiền làm được đều đưa mẹ để lo cái ăn trong nhà. Bản thân ngày nào cũng lội bộ đi học, nhường xe cho mẹ và anh đi làm.
Trời trưa nắng, Đạt vẫn cần mẫn ngoài đồng nhổ cỏ. Vừa về nhà, Đạt lại quài quả lấy thùng tưới mấy gốc sơ ri rồi quay sang ôn bài. Đạt quyết định thi vào Trường THPT Tràm Chim vì biết trường có KTX lại có bếp ăn tình thương dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mọi dự định của cậu học trò nghèo là tiết kiệm nhiều nhất chi phí sinh hoạt khi học ở xa nhà.
Dù khó khăn thế nào Đạt cho biết đều sẽ tiếp tục học đến hết lớp 12 - Ảnh: NGỌC TÀI |
Đạt ham học đến độ năm trước em đã hoàn thành chương trình lớp 9 với kết quả loại khá nhưng do vướng hồ sơ chuyển lên cấp THPT em buộc phải học lại lớp 9 một năm nữa. Là đứa học trò to cao nhất lớp lại lớn tuổi hơn các bạn nhưng Đạt không hề có ý định nghỉ học vì tự ti, hay chán vì đã học toàn bộ chương trình rồi.
Ngược lại Đạt rất sợ phải nghỉ học. Không nhớ kể từ lúc nào em bắt đầu lo sợ về tương lai phải làm "thợ đụng" cả đời. Khi cái nghèo cứ đeo đẳng gia đình không dứt, nhất là từ khi cha Đạt lâm bệnh hiểm nghèo vừa bệnh tiểu đường vừa bệnh phổi.
Tiền làm thuê của mẹ và của anh hai gần như dành cả cho cha Đạt chữa bệnh. Nhưng bệnh cũng không giảm, kinh tế càng càng kiệt. "Hôm nào không ai thuê gì cả nhà chỉ biết nhìn nhau rồi khóc. Gạo phải mua ăn từng ký…", Đạt buông lửng câu nói.
Hỏi em đã có dự định gì cho tương lai, Đạt bẽn lẽn kêu sẽ học hết lớp 12 rồi mới tính tiếp. Đạt mong cha bệnh tình thuyên giảm, không phải đau đớn mỗi ngày. Em cũng mong sẽ tìm được công việc ổn định để mẹ không phải dãi dầu ngoài đồng. Và mọi ước mong ấy Đạt chỉ biết trông chờ vào con đường học vấn sau này.
Thầy Bùi Trọng Tín, hiệu trưởng Trường TH-THCS Phú Xuân, chia sẻ học sinh của trường rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Nhất là vùng này nhiều gia đình sống tạm bợ qua mùa lúa hoặc mũa lũ họ sẽ tìm nơi khác kiếm sống. Vì vậy, sỉ số học sinh của lớp rất hay trồi sụt, việc các em đeo đuổi theo con chữ cũng càng bấp bênh.
"Trong đó em Ngọc Tố và Hữu Đạt là hai em có hoàn cảnh éo le nhất mà rất chăm chỉ học hành. Cha Đạt thì bệnh nặng, mấy mẹ con Đạt phải vất vả kiếm cái ăn và lo thuốc thang cho ông. Còn chị em Ngọc Tố cũng phải mưu sinh. Có hôm thầy đến thăm nhà thấy trời đã tối mà chị em còn đan lục bình, thấy thương lắm", thầy Tín chia sẻ.
Tác giả: NGỌC TÀI
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ Online