- Alo, mẹ à, nhà con chiều 28 Tết sẽ về mẹ nha.
...
- Vâng, bà nội cứ thịt gà chuẩn bị thết nhà Bống đi nha.
...
- Chúng con thuê xe riêng mẹ ạ, dạo này cháu đang ốm, sốt sợ quấy khóc. Với tình hình dịch dã thế này mà đi xe khác lại không yên tâm.
...
- Vâng, bố mẹ ăn cơm đi nhé, con chào mẹ.
Nguyên văn cuộc nói chuyện của chồng và mẹ chồng khiến tôi bực bội vô cùng. Thế nhưng không muốn gắt gỏng, đôi co khi anh đang nói. Song Đạt vừa cúp máy, tôi đã không nhịn được, lập tức dừng việc bón thuốc cho con gái lại, hỏi ngay:
- Sao anh chắc như đinh đóng cột là 28 Tết về thế? Con thì đang ốm sốt thế này. Em phải nghỉ làm 4 ngày nay rồi đấy.
- Ôi giời, ở trên này em có đưa con đi viện khéo còn ốm thêm. Đưa về quê không khí trong lành là tự khắc khỏi ngay - Đạt đáp.
(Ảnh minh họa) |
Đương nhiên, sau câu trả lời vô trách nhiệm của chồng thì 2 đứa cãi nhau to. Đạt cho rằng về quê môi trường thoáng đãng, bác sĩ cũng không thiếu, con ốm đưa về càng mau lành. Quan trọng hơn, giờ đã là giáp Tết rồi, nếu không về thì chẳng thể thuê được xe riêng. Hơn nữa, chả lẽ chỉ vì con ốm mà 2 vợ chồng chôn chân trong xó nhà ngoài Hà Nội? Ông bà, bố mẹ, họ hàng ở quê cũng mặc kệ?
Tôi thì cho rằng việc thăm hỏi diễn ra hàng tháng, không ngày Tết thì ngày thường, không vấn đề. Nhưng con đang ốm nặng, đi đường xe không đảm bảo sức khỏe. Đã thế, bệnh tình của Bống ngay từ đầu đã do các bác sĩ viện nhi khám, kê đơn, giờ lại người khác thì không yên tâm. Và nếu về quê bệnh tình con bé không thuyên giảm, thậm chí trở nặng thì phải làm sao?
Cãi nhau cả tối chẳng đi tới hồi kết, Đạt bỏ vào phòng. Còn mình tôi ngồi ôm cô con gái gần 2 tuổi mà ứa nước mắt. Con bé bị chân tay miệng, sốt cao, bỏ ăn, quấy khóc suốt mấy ngày nay. Đó không phải bệnh cảm cúm, hắt hơi thông thường để nói thích khám bác sĩ nào thì khám. Khám bác sĩ giỏi viện trung ương Bống còn chưa khỏi, về quê thì làm sao mà yên tâm?
Sáng hôm sau, chồng dậy chuẩn bị đi làm cũng không thèm chào tôi. Anh chỉ cúi xuống xoa đầu con gái, rồi cứ thế đi. Tối về, anh lạnh lùng bảo tôi:
- Em làm gì thì làm, liệu mà sắp xếp đồ đi. Mai 28, anh thuê xe lúc 1h chiều rồi đấy.
- Anh bị điên à, con còn đang nôn trớ kia kìa. Sao mà về được?
- Làm gì có cô con dâu nào như em, chỉ trốn tránh trách nhiệm là tài! Thôi ngay kiểu đem con ra làm cái cớ đi. Còn em sợ con ốm đau bệnh tật, em ở đây mà trông, anh đi làm sáng, chiều anh về dọn đồ rồi về quê.
Em có về quê mà nói con ốm thì cũng có ai dám bắt em nấu cơm, rửa bát. Thế mà em sợ về nhà anh như sợ vào chuồng cọp.
(Ảnh minh họa) |
Nghe xong câu này tôi giận thật sự. Thứ nhất, tôi làm dâu hơn 2 năm, nhà có công có việc tôi chưa từng né tránh. Thậm chí, các chị họ của Đạt còn lười rửa bát, nấu cơm, tôi chẳng nề hà gì xông xáo làm hết. Nhiều người họ hàng khó tính còn phải khen tôi đảm đang, chăm chỉ. Thế mà giờ anh bảo tôi là trốn tránh trách nhiệm?
Nhưng tôi bực hơn cả là anh nghĩ tôi quá xấu xa. Tôi là một người mẹ, tôi không bao giờ dám nói dối con đau ốm bệnh tật để đánh lừa ai, trừ khi bé bị như vậy thật. Tôi mong Bống khỏe hơn ai hết, thì tôi có vất vả, mệt mỏi tí vẫn cam lòng. Thế mà giờ lại bị coi là trốn tránh trách nhiệm nên lấy con làm cái cớ.
Vì không kiềm chế được, nước mắt tôi trào ra. Tôi gằn giọng, nói với Đạt:
- Tóm lại, anh muốn em về quê ăn Tết đúng không? Em đồng ý nhưng có điều kiện. Thứ nhất, anh hãy gọi cho bác sĩ đi để nghe bác có đồng ý cho bé đi xa không.
Thứ 2, nếu không thể đưa con về được thì em sẽ về, người ở lại trông con chính là anh.
Nếu con có thể về, em cũng sẽ theo. Thế nhưng Bống có chuyện gì bất trắc thì anh sẽ phải tìm cách xử lý, phải chịu trách nhiệm.
Nói xong, tôi giơ luôn điện thoại để Đạt gọi cho bác sĩ. Nhưng anh thấy tôi cứng rắn vậy lại cứng họng. Anh đành nhượng bộ, gọi về báo mẹ xem tình hình thế nào mới quyết về. Bà thất vọng ra mặt.
Tôi thì cũng chẳng còn tâm trạng đâu mà hả hê. Giờ phút này tôi chỉ lo cho con gái. Nhưng qua sự việc này tôi rất thất vọng về Đạt. Lại thêm con đau ốm, mẹ chồng không hài lòng, Tết này của tôi có vẻ cũng sẽ chẳng yên bình...
Tác giả: M52
Nguồn tin: Nhịp sống Việt