Giáo dục

Công nghệ cao đang phá sản quy trình tổ chức thi quốc gia?

Thông thường chỉ sau khi công nghệ cao đã trở nên phổ biến, các cơ quan chức năng mới có biện pháp phòng ngừa. Ví dụ năm 2017 xuất hiện công nghệ camera nhỏ như hạt đậu, thí sinh đưa vào tai nghe để nghe lời giải… thì năm 2018 mới có giải pháp phòng ngừa camera hạt đậu…

Tai nghe siêu nhỏ được quảng cáo cho thí sinh thuê nhằm mục đích gian lận trong kỳ thi

Mấy ngày nay cả nước như đang lên cơn sốt cho chiến dịch thi Quốc gia, đúng như lời nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận từng ví “giáo dục là một trận đánh”.

Riêng cụm thi Hà Nội, ước tính phải dùng 4-5 tấn giấy và hàng trăm người phục vụ để in và bảo quản đề thi. Các đoàn kiểm tra, thanh tra của Bộ giáo dục liên tục căng mình xuống chỉ đạo các điểm thi, chỉ đạo các đợt tập huấn quy chế cho cán bộ coi thi….

Lực lượng an ninh đã có hẳn chuyên đề đấu tranh với các hành vi sử dụng thiết bị công nghệ để gian lận thi cử. Nội dung bài viết này sẽ đưa ra một lời cảnh báo nỗi lo phá sản kỳ thi Quốc gia khi “quả bom nổ chậm” công nghệ cao phát nổ.

Bị động chạy sau công nghệ cao, bí mật đề thi có thực sự an toàn.

Đột phá Công nghệ cao đang làm cho cả nhân loại bước vào một kỷ nguyên mới đến mức có thể so sánh với việc xuất hiện con người trên trái đất. Những thay đổi Công nghệ mà trước kia vẫn được coi là phải mất hàng trăm năm, thì nay có thể xuất hiện bất cứ lúc nào không thể dự báo.

Google Glass là sản phẩm kính mắt thông minh do Google chế tạo kết nối Internet để chia sẻ ảnh và video clip lên mạng xã hội Google.

Theo thời gian, các nhà chế tạo đang giảm kích thước của kính Google Glass sao cho tương đương như hình dáng một chiếc kính cận của học sinh. Đặc biệt khi sử dụng công nghệ nanobot (robot nano) trong chế tạo, kích thước kính thông minh sẽ chỉ như kích áp tròng có thể kết nối IoT (Internet vạn vật).

Khi đó người sử dụng kính này (dán vào mi mắt) có thể quay toàn bộ thông tin trước mặt và hòa vào mạng google, “người trần mặt thịt” không thể phát hiện được người đeo kính đang làm gì.

Thông thường chỉ sau khi công nghệ cao đã trở nên phổ biến, các cơ quan chức năng mới có biện pháp phòng ngừa. Ví dụ năm 2017 xuất hiện công nghệ camera nhỏ như hạt đậu, thí sinh đưa vào tai nghe để nghe lời giải… thì năm 2018 mới có giải pháp phòng ngừa camera hạt đậu…

Trong toàn bộ quy trình từ ra đề thi, đóng gói đề thi, mở đề thi, phát đề cho thí sinh…. rất nhiều người được nhìn thấy đề thi nhưng muốn gửi đề ra ngoài phải dùng điện thoại chụp rồi truyền… rất dễ bị phát hiện.

Trong khi đó, người sử dụng kính thông minh, trong nháy mắt toàn bộ đề thi sẽ được đưa lên mạng trước khi giờ thi bắt đầu. Lúc đó nếu thí sinh nào được sở hữu kính thông minh kết nối, toàn bộ lời giải sẽ được hiện lên trên kính, thí sính chỉ việc chép lời giải ra giấy để nộp …

Với những tiến bộ không thể dự đoán của Công nghệ cao, quy trình bảo vệ bí mật đề thi thực sự đang như ngồi trên “quả bom nổ chậm” công nghệ cao. Đề thi có thể bị lộ bất cứ khi nào nếu chúng ta không làm chủ công nghệ, không “đi tắt đón đầu” trong dự báo phát triển công nghệ cao để có giải pháp hóa giải tiêu cực của công nghệ cao.

Tiến đến một kỳ thi Quốc gia không sử dụng giấy

Chúng ta đang ở giai đoạn CMCN 4.0 dựa trên các cấp độ công nghệ cao : điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, điện thoại thông minh, mạng cảm biến vô tuyến, Google glass, IOT (kết nối vạn vật).

Thế nhưng mọi hoạt động của mô hình giáo dục từ triết lý giáo dục, phương pháp giảng dạy …. đến tầm vĩ mô là tổ chức kỳ thi Quốc gia chỉ tương đương CMCN 2.0 trên cấp độ công nghệ lạc hậu đã có cách đậy 100 năm. Cách đây hơn 20 năm, khi Việt Nam chính thức kết nối mạng toàn cầu, chỉ cần soạn đề thi trên máy tính và một cú kích chuột, tất cả các sở giáo dục trên cả nước có thể nhận được đề thi.

Tuy nhiên, do không làm chủ được được bảo mật đề thi trên đường truyền mạng, để yên tâm không bị lộ đề thi, việc vận chuyển đề thi chủ yếu được giao cho phương tiện cơ giới. Tại Kiên Giang, đề thi và cán bộ coi thi sẽ đi tàu cao tốc ra điểm thi trên đảo.

Còn đối với các tỉnh miền núi, đề thi sẽ được vận chuyển bằng xe ôtô lên các điểm thi. Với “quả bom nổ chậm” công nghệ cao có thể phát nổ bất cứ lúc nào, không một ai có thể tin cách vận chuyển bảo vệ đề thi theo cách cổ điển như trên lại an toàn hơn bảo mật trên đường truyền.

Đã đến lúc Việt Nam cần khai tử quy trình tổ chức kỳ thi Quốc gia trên giấy nhiêu khê tốn kém đã tồn tại hàng trăm năm, mạnh dạn chuyển sang tổ chức kỳ thi trên máy tính đánh giá năng lực như Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm từ 2015.

Chúng ta đều biết, khi phương tiện giao thông phát triển luôn đi kèm với tai nạn giao thông. Nhưng không vì tai nạn giao thông mà chúng ta không dám tham gia giao thông mà cần nghiên cứu giải pháp hạn chế tối đa các tai nạn giao thông để xã hội phát triển.

“Tương kế tựu kế”, nếu đầu tư phát triển công nghệ cao hợp lý, khi đã làm chủ công nghệ cao, hoàn toàn có thể xây dựng được các hệ mật mã lượng tử, hệ mật vân tay cá nhân … sẽ bảo mật an toàn tuyệt đối các đề thi truyền trên mạng trước sức tấn công phá mã hiện nay.

Nghĩa là dùng chính công nghệ cao để bảo mật đề thi trước sức công phá của Công nghệ cao, chúng ta hoàn toàn chủ động tổ chức kỳ thi Quốc gia trên mạng một cách tối ưu nhất.

Tác giả: PGS.TS Ngô Tứ Thành

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP