Thể thao

Cú sốc cho SLNA hay chuyện gì đến phải đến?

Một cái nôi đào tạo tiếng tăm như SLNA khi đang có nguồn cầu thủ “phủ sóng” khắp V.League giờ lại phải đứng ở áp chót BXH khiến cho giới mộ điệu giật mình. Nhưng nhìn cách chuyển động ở đội bóng xứ Nghệ thì dường như đó là chuyện tất yếu phải đến.

Được mệnh danh là “Khổng Minh xứ Nghệ” trong việc kiến thiết CLB SLNA, ông Nguyễn Hồng Thanh từng tự tin rằng “nói SLNA phải thi đấu trụ hạng là người ta cười”. Câu nói ấy không phải là sự tự cao mà sự thật, năng lực của đội bóng xứ Nghệ từng mạnh đến độ không muốn vô địch chứ không thể lao đao ở nhóm đáy bảng.

Nhưng kể từ khi ông Thanh vắng bóng trong khu kỹ thuật của SLNA để chuyển giao cho một thế hệ lãnh đạo mới, những nhà tài trợ mới, đội bóng xứ Nghệ đã không còn là chính mình. Bây giờ, nói SLNA trụ hạng không còn là trò cười bởi sự thật đang hiện hữu. Thất bại trước CAHN vừa qua đã đẩy SLNA xuống vị trí thứ 13/14 đội. Đây là vị trí thấp nhất của họ kể từ đầu mùa và có lẽ cũng là trong lịch sử tồn tại của đội bóng này ở V.League.

Nguyên nhân nào đẩy SLNA đi xuống thê thảm, không còn là một đội bóng “muốn thắng là thắng” như trước đây. Phải chăng do chất lượng đào tạo? Không hẳn bởi ở V.League, rất nhiều cầu thủ trưởng thành từ “lò” SLNA. Từ Nam Định đến CAHN, Hà Tĩnh hay Hà Nội FC hoặc Bình Dương… đều có mặt các ngôi sao xứ Nghệ. Cái cốt lõi là SLNA không giữ các cầu thủ có giá trị chuyên môn cao ấy. Có lẽ, đội bóng xứ Nghệ tự tin lớp cầu thủ trẻ đủ sức để chiến đấu ở môi trường đỉnh cao nên luôn “bật đèn xanh” cho mọi cầu thủ muốn ra đi tìm bến đỗ mới.

Ngay thời điểm chuyển nhượng giữa V.League 2023/24, vốn cần củng cố nhân sự bằng các cầu thủ giỏi, SLNA vẫn để cho một Trọng Hoàng giàu kinh nghiệm và “vẫn chạy tốt” đến với Hà Tĩnh. Một số cầu thủ có bản lĩnh cao khác cũng được cho phép tìm bến đỗ mới nhưng vì một số lý do khác nhau nên cuộc chia tay không thành.

SLNA đối diện với nguy cơ rớt hạng khi rơi xuống vị trí thứ 13/14 đội - Ảnh: Phan Tùng

Có thể thấy, HLV Phan Như Thuật đang sở hữu nhiều cầu thủ tiềm năng như Đình Tiến, Bá Quyền, Mạnh Quỳnh, Nguyên Hoàng… nhưng họ chưa đủ độ từng trải, lại thiếu một thủ lĩnh để làm chỗ dựa, để có thể đứng vững ở môi trường khốc liệt như V.League.

Chất lượng nội binh chưa cao, đã vậy ngoại binh đang thực sự là cơn đau đầu lớn. Có chút gây ấn tượng nhưng kể từ khi xuất hiện ở SLNA vào mùa giải 2017, Olaha chưa bao giờ được gọi là “sao số” như Almeida, Merlo trước đây hay những Rimario, Rafaelson, Hendrio… ở thời điểm hiện tại.

Thất vọng nhất là Raphael Success. Là tiền đạo nhưng sau 15 vòng, cầu thủ này chưa có nổi 1 bàn thắng. Con số thống kê không thể thất vọng hơn nhưng SLNA vẫn tiếp tục trọng dụng thay vì thay đổi người gấp như hành động của nhiều đội bóng khác. Nội không giỏi, ngoại lại kém nên SLNA thi đấu nhợt nhạt để rồi lặn dần xuống áp chót BXH là điều khó tránh khỏi.

Người phải chịu trách nhiệm đầu tiên cho thành tích đi xuống nên là HLV trưởng. Nếu như ông Phan Như Thuật bị “trảm” trong thời gian tới giống như người tiền nhiệm Nguyễn Huy Hoàng sau 10 vòng của mùa giải trước thì cũng không phải là bất ngờ. Nhưng đó chỉ là cách để xoa dịu tình thế bởi nếu trảm tướng mà không giải quyết căn nguyên vấn đề thì SLNA hoàn toàn lại rơi vào cảnh “kiến leo cành đa”. Không có bột chất lượng thì tướng có giỏi đến mấy cũng khó gột nên hồ tốt!

Tác giả: PHAN HỒNG

Nguồn tin: bongdaplus.vn

  Từ khóa: CAHN , Hà Nội FC , SLNA , Hà Tĩnh , Bình Dương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP