Kinh tế

'Cười như mếu' vì săn khuyến mại 'khủng' cuối năm

Cuối năm là thời điểm các cửa hàng, trung tâm thương mại đua nhau giảm giá sâu để kích cầu đồng thời giải quyết lượng hàng tồn đọng trong năm. Tuy nhiên khách hàng thực sự mua được giá "hời" khi "săn hàng sale" vào dịp này?.

Trọng tâm mùa giảm giá có thể kể tới ngày Black Friday, Khuyến mãi dịp Noel, Tết Dương lịch... Người người, nhà nhà xếp hàng để mua được món đồ yêu thích với giá "hời".

Nhiều "chiêu" được tung ra nhằm thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Những banner "Sale 50-70% tất cả mặt hàng", "Mua 1 tặng 1, mua 2 trả tiền 1"," Khuyến mại khủng cuối năm giảm 30-50% giá trị mặt hàng" xuất hiện ở khắp các cửa hàng điện tử, đồ gia dụng cho đến thực phẩm, thời trang... cũng như trên các website quảng cáo.

Chưa cần biết hàng hóa đó xuất xứ từ đâu, giá cả thị trường như thế nào, chỉ cần được dán mác “Sale off”, “giảm giá” là các shop truyền thống đến shop online đã thu hút được rất nhiều khách hàng.

Lợi dụng tâm lý thích mua hàng rẻ, các doanh nghiệp có những thủ thuật khác nhau để qua mắt khách hàng qua các chươn trình khuyến mại. Rất nhiều người tiêu dùng đã không đủ tỉnh táo mua phải hàng kém chất lượng và còn bị nâng giá.

Hàng hóa được xé mác, thổi giá là trò phổ biến nhất trong ngày sale. Đơn cử, có chiếc áo ngày thường giá 400.000 đồng được nâng lên với giá 700.000 đồng vào ngày giảm giá rồi lại giảm 40% thì khách hàng sẽ vẫn phải mua chiếc áo đó với giá ban đầu , không ít trường hợp còn phải mua đắt hơn so với giá cũ.

Chị Nguyễn Hải Minh (32 tuổi, quận Đống Đa) cho biết: "Tôi thích chiếc áo đó lâu rồi chờ đến ngày sale để mua với giá tốt hơn thì chỉ 3 ngày sạu tôi bắt gặp một chiếc y hệt mà giá chỉ bằng một nửa so với chiếc chị đã mua với giá sale".

Tiếp theo, nhiều cửa hàng vì lợi ích cá nhân còn nhập hàng kém chất lượng, loại 2-3 về trộn vào với hàng chính hãng, hàng loại 1 để nhằm qua mắt người tiêu dùng. Hàng tồn kho, mẫu cũ, mẫu lỗi cũng là những mặt hàng được "bán tống bán tháo" một cách dễ dàng vào dịp cuối năm chỉ vì một lý do rẻ hơn ngày thường. Nhưng so với chất lượng mặt hàng mà chúng ta bỏ tiền ra để nhận về thì có thực sự là rẻ không? Anh Linh (27 tuổi, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ rằng mình rất thất vọng vì ham cái mác "Sale 50" mà bỏ ra số tiền không hề nhỏ để mua một chiếc áo mẫu mã đã từ 2 năm trước và còn bị bụi bẩn, sờn rách...

Những con số 50-70-80% hay đến 90% được in to nhất, rõ nhất ở trước các cửa hàng hay những trang web mua sắm trực tuyến luôn hấp dẫn đối với người mua sắm. Nhưng bước vào các cửa hàng thì nhân viên lại nói chỉ sale 50-80% một số mặt hàng, và hầu hết là hàng tồn, hàng mẫu cũ còn mẫu mới chỉ được sale 10-20% hoặc thậm chí không hề giảm giá.

Thủ thuật ở đây là hai chữ "lên đến" được in rất nhỏ bên cạnh những con số giảm giá mạnh "gây choáng" mắt người nhìn vào. Các doanh nghiệp, cửa hàng đánh vào lòng ham rẻ, giảm giá có chọn lọc một cách tinh vi.

Tâm lý ai cũng thích nhận quà tặng, các cửa hàng cũng nắm được điều đó mà tung ra các gói ưu đãi hay quà tặng kèm theo như "mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1". Nhưng thực chất có phải tặng?.

Lại Trà My (25 tuổi, Khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc: "Tôi cùng mẹ đi siêu thị điện máy để mua một chiếc bếp từ mới nhân dịp giảm giá cuối năm. Chương trình ghi mua một bếp sẽ được tặng một ấm đun siêu tốc nên hai mẹ con quyết định mua. Nhưng đến khi thanh toán, nhân viên lại hỏi có lấy ấm đun tặng kèm không, nếu không nhận quà sẽ mua bếp với giá rẻ hơn. Vậy là tôi phải trả tiền để được nhận món quà ấy. Đây đâu gọi là quà tặng nữa?".

Theo chia sẻ của nhiều người có kinh nghiệm, khi mua hàng khuyến mại phải so sánh giá của sản phẩm đang giảm giá của cửa hàng này với giá của cửa hàng khác hoặc giá thị trường để xác định đó là khuyến mãi thật hay khuyến mãi ảo.

Ngoài yếu tố giá, người tiêu dùng nên lưu ý đến chất lượng và thời hạn bảo hành sản phẩm định mua. Bởi nhiều siêu thị, cửa hàng không thực hiện chính sách “hậu mãi” như bảo hành, đổi trả đối với các mặt hàng khuyến mãi. Đồng thời, khách hàng cần lựa chọn địa chỉ uy tín để mua hàng, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng dưới danh nghĩa giảm giá, khuyến mãi.

Nên mua sắm chọn lọc, xác định và tìm hiểu kĩ món đồ cần mua đồng thời chỉ mua theo đúng nhu cầu chứ không nên mua quá nhiều vào những ngày này. Lập hội cùng nhau mua sắm để tiết kiệm tổng chi phí cũng như nhận ưu đãi cũng là một chiến lược mua sắm thông minh. Khách hàng hãy là những nhà tiêu dùng thông thái để tận hưởng những ngày mua sắm cuối năm vui vẻ và ý nghĩa nhất.

Tác giả: Đoàn Hà - Hà My

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

  Từ khóa: khuyến mại của năm , sale

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP