|
Theo dự thảo, đối tượng áp dụng có tuổi đời trên 50 đối với nữ và trên 55 đối với nam.
Cụ thể: Đối tượng áp dụng có tuổi đời trên 55 với nam và trên 50 với nữ gồm cán bộ chủ chốt (cấp trưởng, cấp phó) của Thành ủy, HĐND, UBND; cấp trưởng, cấp phó các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp TP thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội cấp thành phố đang hưởng phụ cấp chức vụ hệ số 0,5 trở lên so với mức lương cơ sở; trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội cấp quận, huyện, đang hưởng phụ cấp chức vụ hệ số 0,3 trở lên so với mức lương cơ sở.
Cán bộ xin thôi việc sẽ được hưởng chế độ chung theo quy định tại nghị định số 46 của Chính phủ đồng thời còn được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ theo chức danh đang giữ.
Trong đó, cán bộ là ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy trở lên và các chức danh khác có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,05 trở lên được hỗ trợ thêm 200 triệu đồng. Cán bộ là thành ủy viên; người đứng đầu các hội đoàn thể chính trị - xã hội; các cơ quan tham mưu giúp việc Thành ủy và tương đương; các sở, ban, ngành và tương đương; bí thư quận, huyện ủy và các chức danh khác có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên được hỗ trợ thêm 180 triệu đồng. Các chức danh khác được hỗ trợ từ 100 đến 140 triệu đồng.
Kinh phí thực hiện nghị quyết do ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp công lập theo phân cấp. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên thực hiện chi hỗ trợ từ các nguồn thu hợp pháp của đơn vị.
Tác giả: Hà Nguyên
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại