Đại biểu Hoàng Văn Cường trả lời PV bên lề hành lang Quốc hội (Ảnh: Như Phúc). |
Thảo luận về phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương – CPTPP, Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có độ mở kinh tế rất cao, 200%, điều đó có nghĩa nền kinh tế đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường bên ngoài, nếu muốn ổn định sự phát triển này đương nhiên chúng ta phải giữ được cam kết với các thị trường bên ngoài.
"Như vậy, khi tham gia vào Hiệp định CPTPP đây chính là một cơ hội rất tốt để chúng ta giữ vững cam kết của thị trường 10 nước thành viên khác trong khối này", ông nói.
Vị đại biểu cho rằng nếu đánh giá CPTPP kể cả không làm tăng thêm GDP hoặc cơ hội việc làm thì vẫn cần thiết tham gia để giữ vững thị trường, để đảm bảo ổn định kinh tế, đó là chưa nói đến chuyện chúng ta đang đánh giá nó có tác động thêm về mặt GDP cũng như việc làm.
"Theo tôi có lẽ chúng ta không mất nhiều thời gian để bàn luận là nên hay không nên thông qua Hiệp định CPTPP mà quan trọng là chúng ta cần làm rõ xem chúng ta hành động như thế nào để có thể tận dụng được những lợi thế mà chúng ta đã chỉ ra đó là cơ hội có thể có có được khi tham gia CPTPP. Đồng thời, hạn chế đến mức thấp nhất là những tác động bất lợi có thể mang lại đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước", ông nhấn mạnh.
Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) cũng đồng quan điểm: "Tôi đồng tình với việc chúng ta cần thiết phải gia nhập CPTPP. Tờ trình của Chủ tịch nước và Chính phủ cũng đã nêu những thuận lợi và khó khăn nhất định. Tuy nhiên, tôi cho rằng kể cả những thách thức cũng chính là cơ hội".
Tương tự như nhiều đại biểu khác đồng tình với việc thông qua gia nhập Hiệp định CPTPP, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đánh giá, tham gia Hiệp định CPTPP sẽ có rất nhiều cơ hội bởi đây là một thị trường rất lớn, 11 quốc gia với GDP 11.000 tỷ USD, chiến 13,5% GDP toàn cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu là 10.000 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn cầu, dân số của thị trường là 500 triệu dân. Do đó xuất khẩu của Việt Nam như đánh giá của Chính phủ chắc chắn sẽ tăng.
Tuy nhiên, ông lo ngại, đây là một thị trường rất khó tính bởi vì thu nhập bình quân đầu người là trên 30.000 USD bình quân đầu người, như Singapore, thu nhập trên 50.000 USD hay Canada là trên 45.000 USD, Úc là trên 55.000 USD.
"Sản phẩm mà chúng ta đã quen là sản phẩm giá rẻ sẽ không thể đi vào khu vực này. Khu vực này sẽ yêu cầu chất lượng cao, an toàn thực phẩm và giá cả cạnh tranh, yêu cầu phải là công nghệ, yêu cầu phải năng suất lao động", ông nói.
Về đóng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, vị đại biểu cũng đặt câu hỏi: "Hiệp định này được có từ 4 quốc gia, năm 2002 là Singapore, Bruney, New Zealand và Chile. Đến năm 2008 Mỹ tham gia, sau đó là các nước khác và đến năm 2010 mời Việt Nam tham gia. Sau đó chúng ta đàm phán và tham gia. Vì sao họ lại thích mời Việt Nam như vậy, mặc dù thu nhập GDP bình quân đầu người chúng ta chỉ có 2.380 USD, mà bình quân của họ là 30.000 USD, mình thấp nhất trong nhóm này?".
Theo ông Ngân, điểm quan trọng các nước nhìn thấy cơ hội đầu tư vào Việt Nam, xuất khẩu hàng sang Việt Nam vì đó là thị trường tiêu thụ lớn. Do vậy, thách thức đối với hiệp định này không nhỏ.
"Tôi hoàn toàn đồng ý và nhất trí rất cao vì nó sẽ thúc đẩy chúng ta phải tăng năng suất lao động, thúc đẩy chúng ta phải ứng dụng khoa học, công nghệ, cải cách thể chế, tạo động lực nhưng chúng ta phải lưu ý đến nhập khẩu Việt Nam khi tham gia sẽ tăng rất cao và có khi cao hơn xuất khẩu. Chúng ta phải kiểm soát, phải phòng vệ thương mại để tránh việc nhập siêu giống như khi gia nhập WTO", ông thẳng thắn.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí