Kinh tế

Đại gia thuốc lá lớn nhất Việt Nam kinh doanh thế nào?

Tính riêng năm 2023, tổng doanh thu Vinataba ước đạt 30,2 nghìn tỷ đồng, vượt 10% so kế hoạch đề ra và tăng 36,3% so cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận khoảng 1,8 nghìn tỷ đồng, vượt 30% so với chỉ tiêu cả năm và giảm nhẹ gần 3,07%.

Hiệu quả kinh doanh của Vinataba liên tục suy giảm trong thời gian qua. Ảnh: Vinataba

Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) được coi là “ông lớn” trên thị trường thuốc lá Việt Nam với thị phần nội địa đạt gần 64% (số liệu Vinataba công bố ngày 15/12/2023).

Tiền thân Vinataba là Xí nghiệp liên hiệp có 4 nhà máy sản xuất thuốc lá điếu và một số xí nghiệp sản xuất nguyên liệu thuốc lá. Đến nay, Vinataba đã phát triển hoàn chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh khép kín từ sản xuất nguyên phụ liệu đến thuốc lá điếu, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ thuốc lá.

Vinataba hiện có 11 đơn vị khối sản xuất thuốc lá điếu, 3 đơn vị khối nguyên liệu, 2 đơn vị khối phụ liệu, 1 đơn vị khối nghiên cứu khoa học và 2 liên doanh sản xuất thuốc lá điếu với đối tác nước ngoài.

Theo thông báo từ Vinataba, tổng doanh thu công ty trong năm 2023 ước đạt 30,2 nghìn tỷ đồng, vượt 10% so kế hoạch đề ra và tăng 36,3% so cùng kỳ năm trước (căn cứ so sánh theo số liệu BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2022). Lợi nhuận ước đạt 1,8 nghìn tỷ đồng, vượt 30% so với chỉ tiêu cả năm và giảm nhẹ gần 3,07%.

Vinataba đánh giá 2023 là năm khó khăn nhất kể từ khi thành lập. Hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn tổ hợp tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những khó khăn của nền kinh tế trong nước và thế giới thời kỳ hậu COVID-19, lạm phát và khủng hoảng tài chính…; chi phí, giá xăng dầu, điện nước tăng mạnh. Các sản phẩm thuốc lá nhập lậu, thuốc lá thế hệ bày bán tràn lan trên thị trường và chưa có chính sách quản lý gây thất thoát ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

*Lấy theo số liệu Vinataba ước tính.

Mở rộng trong cả giai đoạn 2017-2023, Vinataba ghi nhận tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu đạt 8,89%/năm, song lợi nhuận lại giảm nhẹ bình quân 1,12%/năm.

Cùng với đó, xét theo chỉ tiêu hiệu quả kinh doanh, các chỉ số ROE và ROA của Vinataba trong giai đoạn này cũng liên tục giảm. Theo đó, tính trong giai đoạn 2017 – 2022 (Vinataba chưa công bố BCTC năm 2023), ROE và ROA đạt mức cao nhất trong năm 2017 lần lượt là 17,12% và 9,15%. Ở những năm sau, 2 chỉ số tài chính này dần suy giảm và thấp nhất là tại báo cáo gần nhất mà Vinataba công bố là BCTC 6 tháng năm 2023, với ROE đạt 5,95%; ROA là 3,46%.

BCTC hợp nhất giữa năm 2023 cho biết, theo Văn bản số 1871 ngày 20/10/2022 của Thanh tra Chính phủ về việc Thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, thoái vốn và tái cơ cấu tại Vinataba thời kỳ 2013-2017, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Vinataba phối hợp với cơ quan có liên quan để thu hồi cơ sở nhà đất 30.927,7 m2 tại địa chỉ số 152 Trần Phú, TP.HCM và xử lý các phát sinh trong quá trình thu hồi cơ sở nhà đất này.

Bên cạnh đó, Vinataba vẫn chưa hoàn thành một số nội dung theo Đề án cơ cấu Vinataba giai đoạn 2012-2015. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Vinataba đã xây dựng lại đề án và trình Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Văn bản số 85 ngày 15/2/2023. Theo đó, một số nội dung đã thay đổi so với Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015. Đến thời điểm lập báo cáo (30/6/2023), Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa phê duyệt Đề án tái cơ cấu cho giai đoạn 2021-2025 của Tổng Công ty.

Tác giả: KHÁNH AN - TẢ PHÙ

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP