Mất trắng chục triệu vì xe
Từ giữa tháng 5, hàng loạt mẫu xe giảm giá mạnh như Mazda CX5, Mitsubishi Outlander, Toyota Avanza, Chevrolet Trailblazer hay Ford Everest... Các mẫu xe này đều được giảm giá từ 30 đến 50 triệu đồng, cá biệt có mẫu giảm tới hơn 100 triệu đồng.
Cuộc giảm giá mạnh của các dòng xe mới đang khiến giới buôn xe cũ đau đầu |
Quá trình giảm giá là cuộc đua doanh số quý 3, chính vì vậy không chỉ có mẫu xe có doanh số thấp mới giảm mà ngay cả đến mẫu đứng đầu về doanh số như Innova hay Vios của Toyota cũng được giảm giá hàng chục triệu đồng/chiếc.
Theo đánh giá của giới buôn xe cũ, việc giảm giá xe mới tác động trực tiếp đến thị trường xe cũ, các mẫu xe mới cùng đời, cùng dòng xe đang được giảm giá đang khó bán hơn, mất giá thậm chí bị làm giá khiến đại lý âm vốn đến hàng chục triệu đồng, phải bán đổ, bán tháo xe.
Ông Nguyễn Việt, dân buôn bán xe hơi tại phố Nguyễn Khánh Toàn cho biết: "Hầu hết các mẫu xe Mazda CX5 loại cũ hiện nay đều bị mất giá từ 10 đến 30 triệu đồng so với tháng trước, thậm chí khách còn không muốn chọn mẫu xe này vì sợ xe có thể tiếp tục mất giá. Cửa hàng tôi có chiếc Mitsubishi Outlander đời 2017 mua về từ cuối tháng 3 nhưng đến nay ước chừng mất giá khoảng 50 triệu đồng, tính bình quân, mỗi ngày mất tiền triệu.".
Theo ông Việt, các dòng xe Ford như Escape, Everes, Toyota Fortuner, Hyundai SantaFe... hiện cũng bị mất giá nhanh hơn do các dòng xe mới cùng mẫu được giảm giá mạnh. Chính vì vậy, khá ít showroom mua các dòng xe ít khách mà chủ yếu bán hộ, lấy phí.
Ông này cho rằng, với các mẫu xe phổ biến từ đời 2006 đến 2015, mức giá cơ bản giao động từ 400 đến 600 triệu đồng, rất khó để cạnh tranh với các dòng xe giá rẻ, đời mới.
"Hiện mẫu Tucson bản thấp nhất của Hyundai có giá hơn 745 triệu đồng, Honda HRV có giá tháp nhất hơn 770 triệu đồng, Toyota Rush cũng có mức giá chỉ hơn 660 triệu đồng... Với mức giá thấp, lại được vay vốn 70% giá trị xe, không dễ để dân buôn xe cũ thắng thế, ông Việt nêu ví dụ.
Chuyển sang bán xe giá rẻ, xe nhập khẩu
Hiện với dân buôn xe cũ, rất khó để bỏ nghề bởi họ đã bỏ hàng tỷ đồng để mua xe, thuê chỗ bán hàng. Với người mới vào nghề, kinh doanh theo kiểu lướt sóng như mở "đại lý cót tre", "showroom quây tôn" khi thị trường hưng thịnh họ kinh doanh và gặt lãi, nhưng khi thị trường khó khăn, họ thoát bằng cách bán hết xe để chạy nợ.
Khi những mẫu xe mới được giảm giá mạnh, những mẫu cũ cùng dòng càng trở nên khó bán hơn |
Theo ông Võ Văn Thành, dân kinh doanh ô tô cũ mới vào nghề: "Vốn lập doanh nghiệp không nhiều nhưng vốn để chủ động hàng hóa, xe là rất lớn, xe giá rẻ mua vào cũng khoảng 200 triệu, xe trung bình từ 400 đến 600 triệu đồng, xe đắt dân mới kinh doanh không dám chơi và cũng không có khách để đẩy hàng".
Ông Thành cho biết, với số vốn bỏ ra hơn 3 tỷ của mình, cộng với một người góp vốn thêm, việc mở đại lý xe cũ mất gần 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây vẫn là số vốn rất nhỏ, chỉ đủ để tính kinh doanh năm một, với số xe bình quân khoảng 10 chiếc. Nếu chậm bán so với kế hoạch kinh doanh 2 - 3 tháng, chi phí trả lãi ngân hàng và rủi ro là rất lớn. Nếu không thoát hàng, có thể mất toàn bộ vốn liếng.
Thực tế, hai năm trở lại đây thị trường xe Việt phát triển rất đa dạng, khi xe nhỏ, giá rẻ được tiêu thụ nhanh, cũng là lúc các doanh nghiệp ồ ạt nhập xe từ các nước về, các doanh nghiệp trong nước cũng tăng cường tung nhiều mẫu xe, biến thể khác nhau để vét khách của xe cũ.
Ở phân khúc xe gia đình, đa dụng cỡ vừa, cỡ lớn thời gian gần đây cũng được tăng cường nhiều mẫu xe mới như Toyota Avanza, Rush, Honda HRV, Mitsubishi Xpander, Hyundai Kona...
Những dòng xe mới, mức giá từ 600 đến 800 triệu đồng/chiếc đã và đang vét hết khách của những Toyota Innova, Fortuner, Ford Everest, Hyundai SantaFe và Honda CRV đời cũ tại Việt Nam, đẩy các dòng xe này vào cảnh buộc phải giảm giá để sinh tồn và cũng gián tiếp làm "teo tóp" đi quyền lực và lợi nhuận lớn của dân buôn xe cũ tại Hà Nội thời gian qua.
Theo ông Việt, để hạn chế tác động mạnh của xu hướng giảm giá xe, đại lý xe hơi cũ trên thị trường chọn xe có doanh số cao mua vào, chủ yếu là xe nhỏ, giá rẻ. Đối với những "tay to", người làm xe cũ lâu năm, đều chuyển sang bán các dòng xe nhập đời cũ, chủ yếu là xe chạy lướt, xe biếu tặng xe nhập đã qua sử dụng chất lượng vẫn tốt...
Phân khúc khách hàng này tại các thành phố lớn luôn có song không phải đại lý ô tô cũ nào cũng có được hàng và đủ tiềm lực tài chính để kinh doanh lâu dài.
Tác giả: An Linh
Nguồn tin: Báo VietNamNet