Kinh tế

Đầu tư 6 tuyến đường sắt tốc độ trên 100km/h, có 2 tuyến nối sang Trung Quốc

Bộ Xây dựng giao các ban quản lý dự án lập báo cáo nghiên cứu 6 dự án đường sắt cho giai đoạn 2025-2027, trong đó có 2 tuyến kết nối tới Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vừa ký quyết định giao các ban quản lý dự án lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 6 dự án đường sắt. Thời gian thực hiện 2025-2027.

Cụ thể, Bộ Xây dựng giao Ban quản lý dự án (QLDA) Thăng Long lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái.

Ban QLDA 2 lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng.

Ban QLDA 85 lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt Vũng Áng - Mụ Giạ.

Ban QLDA Mỹ Thuận lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ.

Ban QLDA 6 lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

Ban QLDA đường Hồ Chí Minh lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt Vành đai phía Đông - Hà Nội.

Tổng Giám đốc các ban QLDA có trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ chủ đầu tư theo quy định pháp luật; chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ và giá thành.


Đáng chú ý, dự án đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng được quy hoạch có điểm đầu tại Hà Nội, điểm cuối tại Đồng Đăng (Lạng Sơn), đi qua 4 tỉnh, thành phố với chiều dài khoảng 156km. Tuyến được thiết kế đường đơn, điện khí hóa, khổ 1.435mm, tốc độ tối đa 160km/h, khai thác hỗn hợp tàu khách và tàu hàng. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD.

Còn tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái có chiều dài 187km, đi qua địa bàn Hải Phòng và Quảng Ninh. Dự án sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, với tổng mức đầu tư dự kiến 7 tỷ USD.

Hai tuyến đường sắt này có vai trò then chốt trong kết nối giao thông giữa Việt Nam và Trung Quốc qua các cửa khẩu quốc tế.

Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng nằm trong mạng lưới đường sắt xuyên Á (nhánh Nam Ninh - Hà Nội - Hải Phòng), góp phần kết nối khu vực với châu Âu.

Trong khi đó, tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái không chỉ tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu mà còn mở rộng tiềm năng phát triển du lịch giữa hai nước, kết nối Vịnh Hạ Long với các địa phương phía Nam Trung Quốc.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bên cạnh 7 tuyến hiện có dài khoảng 2.440 km thì mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030 triển khai thêm 9 tuyến mới, tổng chiều dài 2.362 km.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Theo nghị quyết, dự án có tổng chiều dài hơn 1.540 km, tốc độ thiết kế 350 km/h. Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827ha, tổng vốn hơn 67 tỷ USD và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Dự kiến, dự án khởi công xây dựng trước ngày 31/12/2026 và hoàn thành vào năm 2035 với nguồn vốn ngân sách Nhà nước, được bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khoảng 12 năm.

Tác giả: Minh Anh

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP