P.V: Năm 2018 là năm tỉnh nhà tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Truông Bồn - một trong những địa danh lịch sử trở thành biểu tượng về tinh thần yêu nước của lực lượng TNXP. Xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa và quy mô của Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Truông Bồn?
Đồng chí Lê Minh Thông: Phải khẳng định rằng ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Truông Bồn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là sự cống hiến, hy sinh của các lực lượng và nhân dân, nhất là tấm gương của 13 chiến sỹ TNXP của tiểu đội thép, tiểu đội cảm tử thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317 - Đội 65 - Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An anh dũng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ đã đi vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất diệt.
Toàn cảnh Khu Di tích lịch sử Truông Bồn. Ảnh: Thành Cường |
Để lan tỏa hơn ý nghĩa to lớn đó, Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Truông Bồn được UBND tỉnh xác định: Công tác tổ chức lễ kỷ niệm phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm, chu đáo, đồng thời phải hết sức trang trọng, để lại dấu ấn tốt đẹp đối với đại biểu và nhân dân trong và ngoài tỉnh cũng như bạn bè quốc tế. Vì thế dịp này sẽ có rất nhiều hoạt động phong phú như: Triển khai cuộc vận động sáng tác ca khúc về Truông Bồn. Ban Tổ chức đã bắt đầu nhận tác phẩm tham dự từ ngày 9/10/2018 đến 30/7/2019 và sẽ tổ chức tổng kết, trao giải gắn với Kỷ niệm 51 năm Chiến thắng Truông Bồn.
Các hoạt động: Lễ giỗ lần thứ 50 của 13 liệt sỹ thanh niên xung phong; thăm hỏi, tặng quà cho các nhân chứng, gia đình thân nhân các liệt sỹ TNXP; hội trại thanh niên và trưng bày các sản phẩm của TNXP, đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển kinh tế, xã hội; triển khai công trình “Vườn cây thanh niên”; Hội thảo “Truông Bồn - Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy”… nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tri ân các anh hùng, liệt sỹ và những người có công với cách mạng; góp phần tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng và trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ đối với quê hương, đất nước.
Đặc biệt, vào tối 1/11/2018, tại Khu Di tích lịch sử Truông Bồn sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Truông Bồn với chủ đề “Truông Bồn - Miền đất huyền thoại”. Đây là năm thứ 3 tỉnh Nghệ An phối hợp Báo Nhân Dân tổ chức. Chương trình diễn ra trong vòng 90 phút, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Nhân Dân, Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An, tiếp sóng trên một số đài truyền hình địa phương cả nước.
Ngày nay, sau 50 năm, Truông Bồn đã trở lại cuộc sống thanh bình. Rừng đã phủ xanh ngút các ngọn đồi. Tượng đài chiến thắng và bia tưởng niệm các liệt sĩ đã được xây dựng khang trang. Ảnh: Thành Cường |
Chương trình do Báo Nhân Dân, tỉnh Nghệ An chỉ đạo nội dung, đạo diễn NSND Trần Bình; Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam; Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An cùng nhiều nam, nữ nghệ sỹ tên tuổi cả nước tham gia thực hiện. Nội dung bao gồm: Lễ kỷ niệm 30 phút và chương trình nghệ thuật, thời lượng 60 phút, gồm 4 chương: Chương I: Miền quê yêu thương; Chương II: Truông Bồn - Cung đường hoa lửa; Chương III: Khúc tưởng niệm và Chương IV: Nghệ An ngày mới.
P.V: 50 năm đã trôi qua, Truông Bồn nay đã trở thành khu di tích lịch sử có quy mô hoành tráng. Đây là dự án được UBND tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã đầu tư, quyên góp, ủng hộ xây dựng, tôn tạo với mong muốn Khu di tích sẽ trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đồng chí cho biết kết quả cụ thể đến thời điểm này?
Đồng chí Lê Minh Thông: Đúng như vậy. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhằm xây dựng Truông Bồn trở thành “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, ngày 19/4/2010, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 1591/QĐ.UBND-CNXD phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn.
Truông Bồn trở thành “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Ảnh: Đức Anh |
Truông Bồn nay đã trở thành khu di tích lịch sử có quy mô trên diện tích 217.327m2 với 21 hạng mục chính như khu mộ và nhà che mộ 13 anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong; nhà tưởng niệm 1.240 anh hùng liệt sỹ; nhà hữu vu; nhà tả vu; khu đài tưởng niệm; sân lễ hội; nhà trưng bày truyền thống; hồ cảnh quan; nhà điều hành và đón tiếp khách; nhà bán hàng lưu niệm; bãi đậu xe; đường nội bộ; hệ thống đường dạo bộ; hệ thống điện chiếu sáng; hệ thống cây xanh, cây cảnh các loại...
Đến thời điểm này, các hạng mục của dự án đã hoàn chỉnh, đến nay Khu di tích lịch sử Truông Bồn đã đón tiếp hàng ngàn lượt khách mỗi năm. Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã chọn Truông Bồn để tổ chức lễ kết nạp đoàn viên mới cho học sinh. Nhiều bạn trẻ cũng đã đến Truông Bồn dâng hương, dâng hoa trước khi làm lễ cưới...
P.V: Để lan tỏa hơn nữa đến bạn bè trong nước và quốc tế về ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Truông Bồn và Khu di tích lịch sử Truông Bồn, tỉnh Nghệ An sẽ có những hoạt động gì tiếp theo trong thời gian tới, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Minh Thông: Thời gian tới, Nghệ An tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Truông Bồn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sự cống hiến, hy sinh của các lực lượng thanh niên xung phong của Tiểu đội thép, Tiểu đội cảm tử thuộc Đại đội 317 - Đội 65 - Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An đã anh dũng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị văn hóa, lịch sử của Khu di tích lịch sử Truông Bồn và truyền thống văn hóa, con người Nghệ An đến với cả nước và bạn bè quốc tế.
Mỗi ngày, có hàng trăm lượt khách về dâng hương, dâng hoa tại Khu Di tích lịch sử Truông Bồn. Ảnh: Huy Thư |
Để tạo điều kiện cho du khách, từ nhiều năm nay, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn đã vận hành website truongbon.vn, cập nhật và đăng tải mọi thông tin, hình ảnh về Truông Bồn xưa và nay; đồng thời công bố các số điện thoại “nóng” để thuận tiện cho các đoàn khách ở xa liên lạc. Chế độ trực 24/24h được duy trì thường xuyên, đảm bảo bất kỳ giờ nào khách đến đều có cán bộ, nhân viên tiếp đón.
Cùng đó, là đẩy mạnh kết nối Khu di tích lịch sử Truông Bồn với các điểm du lịch văn hóa, tâm linh trong tỉnh, ngoại tỉnh theo tour nội tỉnh và tour hành hương miền Trung như Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn, Khu di tích Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên), Nghĩa trang liệt sỹ Việt Lào; Ngã ba Đồng Lộc, Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Vũng Chùa - Đảo Yến)...
P.V: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
1. Cách đây 50 năm, rạng sáng ngày 31/10/1968, chỉ còn 8 giờ trước thời điểm Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom xuống miền Bắc, 13/14 TNXP đã ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom sau một trận bom ác liệt dội xuống Truông Bồn. Sự hy sinh của 13 chiến sỹ TNXP Truông Bồn là đại diện tiêu biểu cho hàng chục vạn TNXP trong cả nước đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, góp phần làm nên chiến thắng chung của dân tộc. 2. 40 năm sau chiến tranh, ngày 23 tháng 9 năm 2008, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có Quyết định số 1304/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tập thể 14 chiến sĩ Thanh niên xung phong Truông Bồn thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An – Trong đó, 11 chiến sĩ nữ và 02 chiến sĩ Nam đã anh dũng hy sinh. |
Tác giả: Thanh Thủy
Nguồn tin: Báo Nghệ An