Giáo dục

Đề nghị quy trách nhiệm cho hiệu trưởng khi học sinh vi phạm Luật Giao thông

Trước tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông kéo dài, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh đề nghị, Sở GD&ĐT cần quy trách nhiệm cho Hiệu trưởng, Ban giám hiệu nhà trường.

Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 223 vụ TNGT thì có 8 vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện dưới 18 tuổi gây ra, làm 4 người chết, 6 người bị thương.

Lực lượng công an đã lập biên bản vi phạm đối với 691 người điều khiển xe máy điện, trong đó hầu hết là học sinh. Tỉnh Nghệ An đánh giá, tình trạng vi phạm ATGT của học sinh khi sử dụng xe đạp điện dàn hàng ngang, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng diễn ra nhiều.

Học sinh vô tư dàn hàng ngang, chiếm hết làn đường trên Quốc lộ 15, đoạn qua thị trấn Đô Lương. Ảnh tư liệu

Riêng Công an TP Vinh, trong năm 2018 đã bắt giữ, xử lý 195 trường hợp học sinh điều khiển xe máy điện, xe môtô vi phạm Luật Giao thông. Trong đó, chủ yếu là học sinh điều khiển xe môtô không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe...

Tại hội nghị tổng kết Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2018, ông Võ Văn Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, tình trạng học sinh vi phạm giao thông vẫn còn kéo dài, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm như TP Vinh, các thị trấn. Như tại TP Vinh, lực lượng CSGT 3 tháng 1 lần thông báo danh sách các học sinh vi phạm ATGT đến nhà trường, yêu cầu nhà trường xử lý.

“Có quý lên đến 60-70 em, có quý 30-40 em. Nhưng thường các nhà trường xử lý chưa thật nghiêm, chỉ có mới phê bình, nhắc nhở chứ chưa có mức xử lý nặng nên tính răn đe không cao”, ông Mai nói.

Ông Võ Văn Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, các nhà trường xử lý chưa thật nghiêm, chỉ có mới phê bình, nhắc nhở nên tính răn đe không cao. Ảnh: Phạm Bằng

Bên cạnh đó, đội xung kích mới chỉ hoạt động trong các nhà trường, nếu đi xa chưa theo kịp. Một số gia đình chưa phối hợp với nhà trường tuyên truyền cho các em, nhiều bậc cha mẹ vẫn cho con đưa xe máy đến trường. Một số hộ gần trường giữ xe đạp, xe máy, gây khó khăn cho công tác quản lý của nhà trường.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT còn cho biết, các em đi thường chở 3, hầu như không đội mũ bảo hiểm, khi thấy lực lượng CSGT bắt đầu bỏ chạy, có thể dẫn đến va quệt.

"Đây là vấn đề nan giải, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo, tăng cường quản lý và đặc biệt nhà trường phải phối hợp với chính quyền địa phương, công an thì mới làm được. Nếu chỉ nhà trường đơn phương thì không thể giải quyết tình trạng này", ông Mai nói.

Nhiều em học sinh ở Yên Thành còn chở 3, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy điện. Ảnh: Thái Hồng

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh, về tình trạng học sinh vi phạm giao thông, đề nghị Sở GD&ĐT quy trách nhiệm cho Hiệu trưởng, Ban giám hiệu nhà trường. Vấn đề nào phức tạp thì Sở GD&ĐT phối hợp với lực lượng công an để xử lý.

Để kéo giảm tình trạng này, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, trong năm 2019, tỉnh Nghệ An đề ra giải pháp đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, hoàn thiện chương trình đào tạo gắn liền giữa lý thuyết với thực hành về văn hóa giao thông. Đồng thời, đưa vào chương trình chính khóa trong hệ thống giáo dục phổ thông, từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, thí điểm giáo dục ATGT với trẻ 5 tuổi học mầm non.

Tác giả: Phạm Bằng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP