Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam tối 13-1 đã thông tin liên quan đến vụ việc 160 nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương nhiều tháng qua.
Thông tin của Học viện cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại công văn ngày 12-1 để giải quyết vấn đề tiền lương kịp thời, đơn vị này đã triển khai một số nội dung, trong đó đã báo cáo Bộ Y tế để được phép cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh tạm ứng từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp kết dư của Học viện để Bệnh viện thực hiện chi trả 50% tiền lương, phụ cấp tháng 12-2021 và tháng 1-2022 cho cán bộ nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh.
Nhiều nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã căng băng rôn yêu cầu trả lương theo quy định |
Đồng thời, Học viện đề nghị Bộ Y tế xem xét bố trí gấp nguồn kinh phí của Bộ Y tế để tạm ứng trước cho bệnh viện với số tiền 10,2 tỉ đồng để bệnh viện có kinh phí kịp thời chi trả phần tiền lương, phụ cấp còn nợ từ tháng 5-2021 đến nay cho nhân viên y tế.
Theo thông báo này, Học viện đã tổ chức họp, thống nhất cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh ứng trước khoản kinh phí chi lương và thống nhất chi các khoản phúc lợi, Tết Nguyên đán Nhầm Dần 2022 theo mức chi chung toàn Học viện cho viên chức, người lao động thuộc bệnh viện Tuệ Tĩnh ngày 13-1.
Học viện kiến nghị với lãnh đạo Bộ Y tế tiếp tục đề xuất với Bộ Tài chính trình Chính phủ sớm có quyền quyết định bổ sung ngân sách hỗ trợ bệnh viện để chi trả tiền lương cho viên chức người lao động.
Về phía Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Ban giám đốc phải chỉ đạo, triển khai đồng bộ giải pháp nhằm phát triển chuyên môn, mở rộng và tăng nguồn thu cho đơn vị để sớm có thu nhập ổn định thực hiện chi thường xuyên.
Lý giải về tình trạng nợ lương nhân viên y tế nhiều tháng qua, thông báo của Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết từ tháng 1-2019, Bệnh viện Tuệ Tĩnh được tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với việc sử nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị theo quy định. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch và kết quả hoạt động của bệnh viện.
Cùng với việc tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh, thành, bệnh viện cũng phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phòng chống dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách, giảm số lượng bệnh nhân, hạn chế tiếp nhận người bệnh không phải trường hợp cấp cứu.
Bệnh viện gần như không có bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh trong quý 1-2021 đạt 15%, quý 2 năm 2021 đạt 51,19% và quý 3 năm 2021 đạt 12,1% so với số giường bệnh theo kế hoạch. Chính vì vậy, nguồn thu của Bệnh viện không đủ để trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, chỉ ưu tiên trả lương và các khoản trích nộp theo lương.
Từ tháng 5- 2021 đến nay, Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ tạm chi 50% tiền lương dẫn đến đời sống của viên chức, người lao động gặp rất nhiều khó khăn.
Ban lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện cùng các phòng chức năng đã có nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như động viên, giải đáp và làm rõ những thắc mắc của viên chức người lao động trong thời gian vừa qua đồng thời thông báo đến toàn thể, viên chức người lao động Bệnh viện về các giải pháp mà Bệnh viện, Học viện đã báo cáo, đề xuất, kiến nghị Bộ Y tế, Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét, giải quyết vấn đề tiền lương của viên chức, người lao động.
Nhân viên bệnh viện Tuệ Tĩnh căng băng rôn kêu cứu vì bị nợ lương
Thông báo của Học viện cũng cho biết trước đó, Bộ Y tế và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có nhiều buổi làm việc với học viện, bệnh viện về nội dung này. Bộ Y tế đã 2 lần có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc đề nghị hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo lãnh đạo Học viện, nhiều lần nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh yêu cầu Ban giám đốc Học viện trả lương theo đúng hợp đồng làm việc. Tất cả các buổi trên đều được Ban lãnh đạo Học viện, Bệnh viện trực tiếp đối thoại, giải thích, động viên và đề nghị cán bộ, Đảng viên, viên chức, người lao động các quy định của Đảng, pháp luật đồng thời thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ trong hoạt động nghề nghiệp.
Hiện đơn vị này đã yêu cầu Bệnh viện Tuệ Tĩnh báo cáo chi tiết thực trạng về tài chính và phương án thu chi để báo cáo Bộ Y tế đề xuất với Bộ Tài chính, Chính phủ bố trí các nguồn kinh phí hỗ trợ bệnh viện để chi trả kịp thời tiền lương cho viên chức, người lao động, khắc phục ngay các khó khăn trước mắt của bệnh viện.
Thực hiện đánh giá kết quả hoạt động sau 3 năm thực hiện loại hình đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, nhất là trong thời gian dịch bệnh hiện nay làm cơ sở đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền (Bộ Y tế, Bộ Tài chính…) điều chỉnh loại hình tự chủ về tài chính cho bệnh viện từ loại hình đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên sang loại hình đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên để phù hợp với tình hình thực tế, có kinh phí vượt qua khó khăn của giai đoạn dịch bệnh này.
Tác giả: N.Dung
Nguồn tin: Báo Người lao động