|
Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 (Luật BHXH 2014) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20/11/2014 (thay thế Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016 (riêng quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018).
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến hết tháng 12/2020 đã có hơn 16 triệu người tham gia BHXH (chiếm khoảng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi); 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (chiếm 27,8% lực lượng lao động trong độ tuổi); số thu BHXH (từ nguồn đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động) năm 2020 là gần 260 nghìn tỷ đồng, tăng gần 11 lần so với năm 2007 là năm đầu tiên thực hiện Luật BHXH.
Tuy nhiên, quá trình thực tiễn thực hiện Luật bảo hiểm xã hội cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, theo Bộ này, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn.
Theo quy định của Luật BHXH điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.
Nhiều nước quy định thời gian tham gia BHXH 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, mặc dù mức lương hưu có thể thấp nhưng vẫn tốt hơn là chuyển sang hưởng trợ cấp tuổi già hay lương hưu xã hội (tầng BHXH phổ quát) do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Tác giả: Thái Quỳnh
Nguồn tin: Nhịp sống kinh tế