Tin trong tỉnh

Tập trung phát triển đối tượng BHXH tự nguyện ở Nghệ An

Ðược sự chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, cùng sự phối hợp của các cấp, ngành, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Nghệ An đã nỗ lực tập trung phát triển các đối tượng BHXH tự nguyện trên địa bàn vượt kế hoạch đề ra.

Bà Võ Thị Châu (63 tuổi) ở xóm 6B là một trong bốn người đầu tiên ở xã Nam Thanh, huyện Nam Ðàn được nhận sổ hưu tự nguyện. Bà Châu khoe: "Tuy là nông dân nhưng bác vẫn được hưởng lương hưu Nhà nước!". Bà kể lại quá trình từ đóng bảo hiểm nông dân, rồi chuyển tiếp sang đóng BHXH tự nguyện cho đến gần đây nhất, với việc nộp 3,3 triệu đồng/năm, khoảng 275 nghìn đồng/tháng… thì hiện mức lương hưu của bà là 1,35 triệu đồng/tháng. Với mức hưởng này, người nông dân như bà Châu sống ở nông thôn là khá ổn. Cũng theo tự tính toán, chỉ cần sáu năm nhận lương hưu là bà Châu sẽ thu hồi được vốn đóng bảo hiểm;

chưa kể, được nhận thêm thẻ bảo hiểm y tế khám bệnh, chăm sóc sức khỏe tuổi già. Thấy bà Châu được nhận lương hưu, những người dân ở chung quanh cũng tò mò đến tìm hiểu BHXH tự nguyện, làm cách nào để được đóng, thời gian đóng bao lâu thì được hưởng chế độ…? Chị Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nam Thanh kiêm đại lý thu BHXH đã tranh thủ tuyên truyền về lợi ích đóng BHXH tự nguyện và hướng dẫn các thủ tục cần thiết…

Chị Bùi Thị Hải (36 tuổi), một mình nuôi hai con nhỏ, thuộc hộ cận nghèo ở thôn 10B, xã Nam Thanh cũng đã đóng BHXH tự nguyện được gần một năm nay nhờ nhận thức được tầm quan trọng của BHXH tự nguyện cũng như việc tiết kiệm chi tiêu hằng ngày để đóng bảo hiểm, lo tương lai cuộc sống. Chị Hải kể: "Mỗi sáng ngủ dậy là phải nghĩ ngay đến việc, hôm nay làm gì để tiết kiệm chi tiêu 10 nghìn đồng đóng BHXH. Nhiều hôm đi làm thuê, bóc vỏ cây keo được hơn 200 nghìn đồng, tôi dành hẳn 50 nghìn đồng "bỏ ống" đóng bảo hiểm. Nếu tháng nào mà không tiết kiệm được, thì sẽ bán con gà, con vịt để có đủ 308 nghìn đồng tiền đóng bảo hiểm".

Theo Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nam Thanh Nguyễn Thị Thu, ở địa phương có ba đơn vị làm đại lý BHXH tự nguyện cho người dân, đó là Hội Phụ nữ, Bưu điện và Quỹ tín dụng nhân dân. Tuy thời gian chưa dài, nhưng với cách tuyên truyền, vận động bài bản, theo phương châm: "Ði từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", người dân dần hiểu ra giá trị của bảo hiểm đối với cuộc sống. Ðến nay, toàn xã đã có gần 100 người tham gia BHXH tự nguyện, hầu hết là nông dân, tiểu thương, người đi xuất khẩu lao động…

Phó Giám đốc BHXH huyện Nam Ðàn Nguyễn Ðức Hưng cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết 28), Nam Ðàn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động các Hội phụ nữ, bưu điện, quỹ tín dụng nhân dân… ở các địa phương làm "cánh tay nối dài" xuống tận người dân để tuyên truyền về giá trị của BHXH tự nguyện đối với cuộc sống, từ đó người dân hiểu và tích cực tham gia. Nhiều người già yếu, sau khi đủ thời gian đóng bảo hiểm, được nhận lương hưu hằng tháng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Tính đến năm 2019, toàn huyện đã có 2.379 người mua BHXH tự nguyện, đạt 105,3% kế hoạch giao bổ sung năm và tăng hơn 900 người so năm 2018. Nhiều xã như Nam Thanh, Kim Liên, Nam Cát, Nam Giang… đều vượt kế hoạch đề ra.

Theo con số báo cáo của BHXH Nghệ An, tính đến hết năm 2019, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn toàn tỉnh là 49.447 người, không chỉ vượt xa kế hoạch BHXH Việt Nam giao, mà còn đạt 104,1% chỉ tiêu phấn đấu được BHXH Việt Nam giao bổ sung; tăng 17.562 người so cùng kỳ năm 2018. Cũng như Nam Ðàn, nhiều địa phương khác như Yên Thành, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Ðô Lương, Nghi Lộc… đều đạt kế hoạch giao bổ sung từ 103,8 đến 112%...

Giám đốc BHXH Nghệ An Lê Trường Giang cho biết: Thời gian qua, việc có nhiều đối tượng tích cực tham gia BHXH tự nguyện ở Nghệ An là nhờ Nghị quyết 28. Bởi họ là những nông dân, lao động ở các miền quê, giờ đây cũng có cơ hội được hưởng chế độ lương hưu mà trước đây chỉ có người làm việc ở cơ quan nhà nước, mới được thụ hưởng. Cùng với đó, để cụ thể hóa Nghị quyết 28, ngày 24-1-2018, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng đối với công tác BHXH, BHYT trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, được triển khai quyết liệt xuống tận cơ sở.

Bên cạnh việc tham mưu, BHXH Nghệ An đã tích cực trong công tác phối hợp các sở, ban, ngành và các địa phương, đơn vị ký kết chương trình phối hợp với các sở: Kế hoạch và đầu tư; Lao động - Thương binh và Xã hội; Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Hội Nông dân; Hội phụ nữ,...

Trên cơ sở đó, BHXH các huyện cũng có chương trình làm việc với các đơn vị cùng cấp để mở rộng mạng lưới đại lý thu. Ðến hết năm 2019, toàn tỉnh có 934 đại lý thu với 1.808 điểm thu ở 480 xã, phường, thị trấn và 2.244 nhân viên đại lý thu. BHXH Nghệ An phối hợp chặt chẽ với Bưu điện Nghệ An tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp về chính sách BHXH tự nguyện đến tận từng khối, xóm. Trong năm 2019, hai đơn vị này phối hợp tổ chức 628 hội nghị tuyên truyền trực tiếp, có 39.698 người tham dự và hơn 14.500 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có 8.764 người nộp tiền tại hội nghị, hơn 11 nghìn người tham gia mới…

BHXH Nghệ An cũng phát động phong trào thi đua với chủ đề "Toàn thể công chức, viên chức, người lao động tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu thu BHXH tự nguyện". Theo đó, mỗi người thuộc hệ thống BHXH Nghệ An là một tuyên truyền viên về BHXH, BHYT; Ðoàn thanh niên BHXH tỉnh cũng tuyên truyền và phát tờ rơi tuyên truyền tại các khu vực đông người vào thứ 7, chủ nhật hằng tuần… để giúp người dân hiểu được chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện, từ đó giúp họ tự giác, tích cực tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển BHXH tự nguyện ở Nghệ An vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Ðó là ở một số địa bàn như TP Vinh, thị xã Cửa Lò, các huyện Tân Kỳ, Tương Dương, Kỳ Sơn... người dân chưa thật sự quan tâm đến chính sách BHXH tự nguyện, số lượng người tham gia chưa đạt yêu cầu đề ra. Hơn nữa, do mới triển khai BHXH tự nguyện cho nên người tuyên truyền bảo hiểm còn thiếu kinh nghiệm, chế độ cho người làm đại lý còn thấp…

Về giải pháp trong thời gian tới, Phó Giám đốc BHXH Nghệ An Lê Viết Thức cho biết: Ðơn vị tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể trên địa bàn để đưa chính sách BHXH tự nguyện đến gần với người dân hơn; không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, trong đó tăng cường công tác tổ chức hội nghị tuyên truyền ở các địa phương, nhất là với các huyện chưa đạt chỉ tiêu đã giao. Về lâu dài, BHXH Nghệ An nói riêng và BHXH Việt Nam cần có chính sách phát triển đại lý, tư vấn BHXH tự nguyện cũng như tổ chức các hội nghị BHXH tự nguyện một cách chuyên nghiệp hơn; có chính sách, cơ chế linh hoạt, để khuyến khích những người làm đại lý BHXH tự nguyện. Ðể góp phần bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí nhằm "kích cầu" người nghèo, cận nghèo mua BHXH tự nguyện...

Cùng với đó, rất cần có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng là giao chỉ tiêu và lấy kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đối với chính quyền cấp xã, cấp huyện là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng ở cơ sở.

Tác giả: THÀNH CHÂU

Nguồn tin: nhandan.com.vn

  Từ khóa: bhxh nghệ an , Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP