Thuế môi trường xăng được đề xuất tăng lên 4.000 đồng/lít kể từ 1.7 tới. Ảnh Ngọc Thẳng |
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, cơ quan này vừa thừa lệnh Thủ tướng ký tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 4.000 đồng/lít.
Dự thảo nghị quyết cũng đề nghị điều chỉnh mức thuế đối với diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít...
Theo Bộ Tài chính, đề xuất tăng khung thuế trên do việc thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (hiện Việt Nam đã và đang tham gia 11 hiệp định thương mại tự do), chủ động ứng phó khi giá dầu thế giới có biến động khó lường và dầu là sản phẩm khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.
Bộ Tài chính cho rằng, vì mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang được cắt giảm mạnh nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhất là xăng dầu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Cụ thể, xăng dầu nhập khẩu từ thị trường ASEAN và Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn (trên 60%).
Bên cạnh đó, việc thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do nên số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm.
Ngoài ra, theo giải thích của cơ quan này, hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước, với mức 19.980 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng tại Việt Nam thấp hơn Lào, Campuchia, Trung Quốc và thấp hơn một số quốc gia khác trong khu vực ASEAN, châu Á như Singapore, Philippines...
Với phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường nêu trên và dự kiến có hiệu lực từ 1.7 tới, Bộ Tài chính cho biết việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 (so với tháng 6) khoảng 0,27 - 0,29% và sẽ tác động đến CPI bình quân năm 2018 khoảng 0,11 - 0,15%.
Bên cạnh đó, dự kiến thu ngân sách được 57.600 tỉ đồng, tăng thêm hơn 15.100 tỉ đồng/năm.
Tác giả: Anh Vũ - Chí Hiếu
Nguồn tin: Báo Thanh niên