![]() |
Đền Cuông gắn liền với sự tích An Dương Vương và nàng công chúa Mỵ Châu. Ảnh: Internet |
Đền Cuông - mạch nối giữa sử thi và tín ngưỡng
Tọa lạc trên sườn núi Mộ Dạ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, Đền Cuông là một trong những ngôi đền linh thiêng và cổ kính bậc nhất xứ Nghệ. Theo truyền thuyết và sử sách, nơi đây chính là chốn An Dương Vương dừng chân cuối cùng trong cuộc đào thoát đầy bi tráng, sau khi cơ đồ Âu Lạc sụp đổ. Đền không chỉ là nơi tưởng niệm một vị vua mà còn là không gian kết tinh của ký ức dân tộc, nơi những hồi âm của lịch sử vang vọng đến tận hôm nay.
Dưới mái đền cổ, bao thế hệ người dân xứ Nghệ vẫn thắp hương, khấn nguyện, tưởng nhớ đến người đã từng dựng nên thành Cổ Loa kỳ vĩ, người cha đau lòng chém con để bảo toàn danh dự vương triều, và người đã chọn biển sâu làm nơi trút hơi thở cuối cùng, như một cách gột rửa tội lỗi và giữ trọn khí tiết quân vương.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư và nhiều tư liệu dân gian khác, năm 257 TCN, sau khi đánh bại các thế lực địa phương, Thục Phán đã hợp nhất đất nước Văn Lang, lập nên quốc gia Âu Lạc, tự xưng là An Dương Vương, đóng đô tại Cổ Loa - tòa thành trứ danh nằm ở huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay.
Thành Cổ Loa không chỉ là biểu tượng kiến trúc kiên cố mà còn là căn cứ quân sự phòng thủ tuyệt hảo. Huyền thoại kể rằng, thần Kim Quy đã giúp vua xây thành, ban cho một chiếc móng thần làm lẫy nỏ, từ đó Cao Lỗ chế tạo ra nỏ thần Liên Châu, có thể “bắn một phát, diệt hàng trăm quân thù”. Nỏ thần không chỉ là vũ khí, mà còn là biểu tượng của niềm tin vào chính nghĩa, của sức mạnh nội tại của dân tộc trước họa xâm lăng.
Tuy nhiên, lịch sử luôn có những khúc ngoặt. Khi Triệu Đà, một viên quan nhà Tần nổi loạn, chiếm giữ vùng Nam Hải, đã nhiều lần đánh bại Tần rồi quay sang xâm lược Âu Lạc. Sau những lần thất bại, Triệu Đà dùng kế cầu hòa trá hình, cho con trai là Trọng Thủy sang cầu hôn Mỵ Châu, con gái An Dương Vương. Bi kịch bắt đầu từ đây.
An Dương Vương vì quá tin tưởng vào tình thân mà gả con gái cho Trọng Thủy, bỏ ngoài tai lời can gián của tướng Cao Lỗ. Sau khi được lòng vua cha vợ, Trọng Thủy đã đánh cắp bí mật nỏ thần, trở về nước, mở đường cho quân Triệu Đà tiến công. Quân Âu Lạc thất bại. Trong cảnh nước mất, An Dương Vương cùng con gái phi ngựa chạy về phương Nam, mang theo tàn dư hy vọng phục quốc.
Đường chạy trốn ấy kết thúc tại Diễn Châu - Nghệ An, nơi mà các truyền thuyết, địa danh, phong tục và cả những hiện vật văn hóa đều phủ bóng dáng của nhà vua và công chúa Mỵ Châu.
![]() |
|
![]() |
Thượng điện, nơi thờ cúng vua An Dương Vương |
Truyền thuyết kể rằng, khi đến chân dãy núi Mộ Dạ, bị quân Triệu Đà truy sát ráo riết, An Dương Vương bỗng gặp một cụ già nói rằng “Giặc đang ở sau lưng bệ hạ!”. Vua quay lại, đau đớn nhận ra sự phản bội của chính con gái ruột, người đã vô tình để lộ đường đi cho giặc bằng những chiếc lông ngỗng rơi dọc đường.
Trong cơn thịnh nộ và tuyệt vọng, nhà vua đã rút gươm chém chết Mỵ Châu, rồi thẳng tiến ra biển, gieo mình xuống dòng nước mênh mông, kết thúc một triều đại, một cơ đồ.
Câu chuyện bi tráng ấy không chỉ được lưu truyền trong sử sách mà còn hóa thân vào địa danh, vào ngôn ngữ và đời sống văn hóa dân gian của người dân Nghệ An.
Núi Đầu Cân, nằm giữa hai huyện Diễn Châu và Nghi Lộc, là nơi được cho là nhà vua gieo mình xuống biển, chiếc khăn bị gió hất lên trùm lấy đỉnh núi, từ đó núi có tên như vậy.
Tảng đá Gạo ở phía đông núi Mộ Dạ là một hiện vật kỳ lạ, có những hạt li ti đỏ, vàng, đen, trắng như những hạt gạo. Người dân tin rằng đây là dấu vết của kho gạo nuôi quân của An Dương Vương năm xưa.
Lễ tế Đền Cuông, được tổ chức vào rằm tháng Hai âm lịch hằng năm, không chỉ là một nghi lễ dân gian mà còn là một nghi thức tái hiện tinh thần yêu nước, tưởng nhớ một triều đại đã từng vì dân vì nước mà chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Một trong những minh chứng đặc biệt cho ảnh hưởng của truyền thuyết An Dương Vương là sự xuất hiện của nghề làm vàng vó - một loại vàng mã độc đáo, khác biệt với vàng giấy truyền thống.
![]() |
|
Tương truyền, sau khi vua mất, quân tướng hộ tống ông vào đất Nghệ đã không trở về quê cũ, mà ở lại lập nghiệp, dạy dân nghề làm vàng vó để mưu sinh và cúng tế. Mỗi “thớt” vàng vó gồm 50 thỏi nhỏ, hình khối vuông, ghép lại như hình tượng một “cỗ lương thảo” thu nhỏ dâng lên tổ tiên. Trên các bàn thờ, “vàng vó” vừa là lễ vật, vừa là biểu tượng của sự tưởng nhớ đến vị vua Thục và đạo quân trung thành.
Điều đặc biệt là nghề này không phổ biến ở miền Bắc, trừ vùng Cổ Loa (Hà Nội) - kinh đô xưa của An Dương Vương, như một sự trùng hợp văn hóa đầy huyền thoại, chứng tỏ mạch truyền thuyết này không ngẫu nhiên mà thành.
Không giống như các dữ kiện lịch sử có thể định lượng bằng ngày tháng, câu chuyện về An Dương Vương là một dạng ký ức tập thể, được lưu truyền bằng lời kể, bằng huyền thoại, bằng lễ nghi và dấu vết văn hóa. Đền Cuông, núi Đầu Cân, tảng đá Gạo, vàng vó… là những “ký tự văn hóa sống” mà cộng đồng dân cư xứ Nghệ đã gìn giữ như một phần không thể tách rời trong căn tính địa phương.
Đền Cuông hôm nay vẫn còn đó, trầm mặc giữa núi rừng Mộ Dạ. Dòng người vẫn đến đây cúng lễ, chiêm bái, thắp một nén nhang cho một vị vua đã đi vào huyền thoại. Họ không chỉ đến vì lòng tin tâm linh, mà còn là để tìm về cội nguồn lịch sử, nơi mà mỗi viên đá, mỗi gốc cây, mỗi nếp mái cong đều thấm đẫm những dư vang của một thời không thể nào quên. |
Tác giả: Nguyễn Thu Thảo
Nguồn tin: vanhoavaphattrien.vn