Dần bước vào những tháng cuối năm, đất trời cũng chuyển sang tiết trời dịu nhẹ, se lạnh và Đà Lạt cũng vậy. Lại một mùa Đà Lạt đầy quyến rũ với vườn hồng, hoa dã quỳ và không khí lành lạnh như mời gọi những đôi chân “cuồng” du lịch.
Và một khi nhắc đến Đà Lạt, sẽ thật thiếu sót nếu như chuyến hành trình ấy không có trạm dừng chân là một hàng bánh căn bình dị dọc các ngả đường bình yên của thành phố ngàn hoa.
Ẩm thực Đà Lạt có sự pha trộn độc đáo giữa các vùng khác trong nước, bánh căn là một trong số đó. (Ảnh: phuoctran97) |
Bánh căn không biết từ lúc nào đã trở thành một trong những món ăn gắn liền với địa danh Đà Lạt, du khách phương xa đến đều phải tìm thử cho bằng được.
Nguồn gốc của bánh căn xuất phát từ các tỉnh miền Duyên hải Nam Trung Bộ. Khi những người dân miền Trung vào Đà Lạt sinh sống, lập nghiệp, cũng là lúc món bánh căn được du nhập vào mảnh đất cao nguyên này.
Tuy là món bánh “nhập cư” từ vùng khác nhưng bánh căn nhanh chóng trở thành đặc sản của Đà Lạt. (Ảnh: khanhnguyen_64) |
Ban đầu, món ăn phục vụ người địa phương, sau đã chinh phục cả du khách và dần trở thành “đặc sản” của Đà Lạt. Bánh căn Đà Lạt nổi tiếng bởi hương vị độc đáo, không lẫn vào đâu được. Điểm dễ nhận ra nhất giữa bánh căn Đà Lạt và những vùng khác chính là phần nhân.
Bánh căn Đà Lạt với nguyên liệu đơn giản nhưng đã chinh phục được cả người địa phương lẫn du khách. (Ảnh: katienhung) |
Nếu như ở vùng biển miền Trung, các hàng quán chủ yếu phục vụ nhân thịt, hải sản, thì ở thành phố mộng mơ, bánh căn thanh đạm hơn với phần nhân trứng cút, trứng gà, ngoài ra còn có chén nước chấm ấm nóng đầy hành thơm phức để xua đi cái lạnh đặc trưng vùng núi.
Bánh căn Đà Lạt với nhân truyền thống là trứng cút hoặc trứng gà. (Ảnh: jinnytasty) |
Những miếng bánh hình tròn nhỏ nhắn bán theo cặp được làm từ bột gạo, đổ trong khuôn đất nung, điểm tô thêm trứng cút hoặc trứng gà ở trung tâm. Chỉ sau vài phút hấp, một mẻ bánh căn ngon lành, nóng hổi đã sẵn sàng để phục vụ thực khách.
Bánh căn ở Đà Lạt thường ăn cùng nước mắm ngọt với thật nhiều hành hoặc mắm nêm.(Ảnh: jinnytasty) |
Phần nước chấm ở bánh căn Đà Lạt cũng được pha chế theo phong cách riêng của người dân nơi đây, bao gồm nước mắm pha với chút mỡ hành, ớt hoặc sa tế, hoặc nước mắm nêm pha cùng nước mỡ hành và xíu mại.
Ở một số quán, nước chấm còn có thêm viên xíu mại và ít xoài chua ngọt. (Ảnh: hanithejourney) |
Dù là ăn với loại nước chấm nào, hương vị tuyệt vời của sự kết hợp giữa những miếng bánh thanh đạm với lớp vỏ giòn, bên trong mềm ẩm, quyện với phần nước chấm nóng thơm mùi hành và mắm là không thể khước từ.
Bánh căn có thể được thưởng thức vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. (Ảnh: g.vynm) |
Vị ngon của món ăn còn tăng lên vài phần khi bạn thưởng thức giữa những làn gió se lạnh tại một quán ăn bình dân, ngắm nhìn nhịp sống nhẹ trôi của thành phố yên bình này và hít thở bầu không khí trong lành vào tận cuống phổi.
Thưởng thức những chiếc bánh căn nóng giòn bên tiết trời se lạnh là một trải nghiệm vô cùng thú vị ở Đà Lạt. (Ảnh: hanithejourney) |
Đà Lạt lại đang vào thời điểm đẹp nhất của mùa hồng và sắp chào đón mùa dã quỳ. Còn chần chờ gì mà không lên lịch cho một chuyến đi ngắn ngày đến thành phố mộng mơ, để tận hưởng không gian yên bình xinh đẹp và thưởng thức một phần bánh căn ngon tuyệt ngay khi vừa ra lò!
Tác giả: CERSEI(Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo VTC News