Nữ sinh Tuyết Ngân (phải) cùng bà ngoại làm thuê tại quán hủ tiếu mỗi buổi sáng - Ảnh: NGỌC HIỂN |
Với nữ sinh này, hè là lúc Ngân có cơ hội sớt chia cùng bà gánh nặng mưu sinh, bởi nhiều năm nay bà một thân một mình nuôi hai đứa cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ đeo đuổi con đường học.
Câu chuyện của Ngân là một trong số 100 tấm gương học sinh nghèo vượt khó sẽ được Tuổi Trẻ lần lượt giới thiệu và xét trao học bổng Đèn đom đóm năm 2018.
Bà, cháu và tình thương bao la
Bên nồi hủ tiếu buổi sớm bốc khói nghi ngút, hai bà cháu cặm cụi bưng bê, dọn dẹp rồi quét rửa liên tục để kịp phục vụ từng tốp công nhân ăn sắp đến giờ vào xưởng.
Suốt mười mấy năm nay, làm thuê ở quán hủ tiếu vỉa hè này là công việc duy nhất của bà Hồ Thị Mào (64 tuổi) để lo toan cho cuộc sống. Năm năm trước, con gái của bà Mào mắc bệnh hiểm nghèo rồi ra đi, bỏ lại cho bà hai đứa cháu gái.
Như cánh cò mồ côi trước dông bão, hai đứa trẻ đã mồ côi cha nay lại đối diện với chặng đường phía trước thiếu vắng hơi ấm của mẹ. Cả một đời tảo tần vì các con, nay đã bước qua con dốc của đời người tưởng chừng được thảnh thơi nhưng cuộc sống dồn tới bước đường cùng, bà Mào buộc phải gồng lên nuôi hai đứa cháu ngoại.
Bà chỉ mong duy nhất một điều là cả hai đứa cháu được học hành đến nơi đến chốn dầu cho bà có cực đến nhường nào.
Thương bà, những ngày hè đứa cháu gái 16 tuổi Phan Kiều Tuyết Ngân (16 tuổi, Trường THPT Trần Hưng Đạo, Q.Gò Vấp, TP.HCM) lại dậy sớm cùng bà phụ bán cho chủ. Chỉ cần có Ngân, bà sẽ bớt chạy tới chạy lui hơn, lưng bà bớt mồ hôi hơn và Ngân cũng thấy mình đã đỡ đần cho bà đôi chút.
Với đồng "lương" 140.000 đồng từ việc phục vụ quán hủ tiếu, bà Mào để dành 40.000 đồng, số tiền còn lại ba bà cháu chắt bóp lo cho miếng cơm, manh áo trong một ngày. Đứa cháu gái lớn bây giờ đã hoàn thành năm nhất đại học, đứa thứ hai cũng chuẩn bị lên lớp 11.
Nữ sinh Phụng Đình nhiều năm qua đến trường từ đồng tiền lời bán vé số của cha - Ảnh: NGỌC HIỂN |
Đến trường từ những tờ vé số
Nhiều năm qua, cứ đến ngày hè là hai chị em nữ sinh Nguyễn Thị Phụng Đình (lớp 10 Trường THPT Ernst Thälmann, Q.1, TP.HCM) xách những tập vé số lang thang khu Trung Sơn (huyện Bình Chánh) từ sáng đến chiều. Những đồng tiền lời từ các tập vé số này nếu bán trọn một mùa hè cũng đủ để cả hai đóng học phí vào đầu mỗi năm học.
Ông Nguyễn Văn Lâm (57 tuổi), cha của Đình, là người bán vé số dạo có "thâm niên" ở khu Trung Sơn. Những tờ vé số này giúp ông Lâm gồng gánh để nuôi được ba đứa con ăn học.
Đứa con trai đầu của ông năm nay bước vào năm 4 Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đứa con gái thứ hai lên năm 2 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và đứa con gái út chuẩn bị bước vào lớp 12.
"Đứa nào cũng ham học cả, sức còn bao nhiêu thì phải lo cho con tới đó" - ông Lâm bật khóc. Trước đây ban ngày đi bán vé số, ban đêm ông Lâm đi làm lò mổ, nhưng từ ngày bị tai biến, người cha này chỉ đủ sức cầm xấp vé số đạp xe đi bán. Nhưng ông cũng chẳng dám bán nhiều, sợ đuối sức nằm ra đó, không ai chu cấp cho ba đứa con ăn học.
Trong căn nhà mướn ở cuối một con hẻm trên đường Dương Bá Trạc (Q.8), bà Đào Cẩm Vinh (59 tuổi, mẹ Đình) cho biết bà thường xuyên đau ốm nên gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai chồng.
Để có tiền cho các con ăn học, gia đình bà phải chạy vạy mượn thêm chỗ này, vay thêm chỗ khác các con mới không đứt gánh chuyện học. "Làm cha làm mẹ ai mà đành lòng nhìn con không được học hành" - bà Vinh nói.
Tác giả: NGỌC HIỂN
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ Online