Sông Lam nhìn từ trên cao. Nguồn: baonghean.vn |
Bác Hồ chỉ có 10 năm đầu đời sống ở quê nhà, làng Hoàng Trù, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nhưng thấm đẫm chất Nghệ, từ ẩm thực, giọng nói, tập quán, thói quen...
Tuổi thơ được tắm trong tình thương yêu, lớn lên trong lời ru, tiếng hát của mẹ, của bà ngoại và hàng xóm, nhưng có lẽ chừng ấy là chưa đủ để hình thành một nhân cách lớn, một “Anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất” Hồ Chí Minh.
Tôi nghĩ phải có những yếu tố khác nữa. Và đó có thể chính là Bác Hồ được sinh ra nơi “địa linh, nhân kiệt”. Địa linh là những dãy núi cùng với sông Lam huyền thoại, những dấu tích lịch sử và văn hóa Lam - Hồng.
Sông Lam một dải bao quanh
Chúng tôi đã nhiều lần về thăm quê Bác, đến thắp hương cho gia tiên Người ở Kim Liên, nhiều lần lên thắp hương và viếng mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Bác trên rú Đại Huệ (núi Sài Sơn).
Danh nho Bùi Dương Lịch (1757 - 1828) trong Nghệ An ký đã viết về núi Sài Sơn - nơi yên nghỉ của thân mẫu Bác: “Trên đỉnh có động Thăng Thiên (lên trời), trong động có chùa Hồ Vương Đại Tuệ, chân núi có Hồ Nón (Nộn Hồ). Các ngọn Anh Duệ và Dương Chung đứng rải rác như quân cờ. Núi Hùng Lĩnh ở phía phải, núi Lam Thành ở bên trái. Sông Giang và sông Nón chảy quanh phía đông và phía tây. Phía trước nhìn ra sông Lam một dải bao quanh. Thuyền bè, xe ngựa ngược xuôi đi lại từ sáng sớm đến chiều tối. Phía Nam sông có núi Thiên Nhẫn phô xanh bày đẹp như vái chào. Thật là một đại danh thắng của Nghệ An”.
Như vậy là nơi thân mẫu của Bác yên nghỉ bao quát cả một vùng rộng lớn “địa linh” của xứ Nghệ. Từ sông Giang, sông Nón và phía trước là “sông Lam một dải bao quanh”.
Sông Lam chảy qua các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, chảy vào địa phận huyện Nam Đàn là từ đây (dài 16km). Dọc Nam Đàn xuôi huyện Hưng Nguyên chảy xuống Đức Thọ rồi đổ ra Cửa Hội dài khoảng 30km.
Sông Lam (từng có tên là Lam Giang, sông Cả, Thanh Long giang, sông Rum) nổi danh trong sử sách, nhất là dưới triều Nguyễn. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) sông Lam được chạm hình vào một trong Cửu đỉnh (Tuyên đỉnh) - những địa danh nổi tiếng và đẹp nhất của nước ta.
Sông bắt nguồn từ núi Puloi ở Thượng Lào. Từ khe suối đổ xuống với độ cao 2.060m, có chiều dài là 520km. Phần chảy trên đất Nghệ An dài 390km. Càng gần biển dòng sông Lam càng rộng ra, nhất là sau đoạn gặp sông La. Ở Đức Thọ dòng sông rộng 400m nhưng đến Nghi Xuân đã là 600m có chỗ phình ra đến 1.000m. Ra đến Cửa Hội mặt sông rộng đến 2.000m.
Cái nôi của khoa bảng xứ Nghệ
Hai bên bờ dọc sông Lam từ Kim Liên quê Bác đến Tiên Điền là cái nôi của khoa bảng xứ Nghệ. Bắt đầu từ đời Trần, khi khoa bảng của nước Đại Việt được tổ chức ở miền viễn biên này, năm 1256, đã có Trương Xán thi đỗ Trạng nguyên (Trạng Trại). Tiếp theo gần 8 thế kỷ khoa bảng, trong số 186 vị đậu đại khoa cả nước (từ Tiến sĩ trở lên) thì Nam Đàn chiếm 26 vị, 99 vị đỗ Trung khoa và 100 vị đỗ tiểu khoa (sinh đồ). “Trong số 183 khoa thi Tiến sĩ từ triều Lý đến triều Nguyễn (1075 - 1919), 75 khoa có người Nghệ An trúng bảng, nhiều nhất là khoa Canh Tuất (1910) có đến 7 đại khoa (2 Tiến sĩ và 5 Phó bảng) (Theo Đào Tam Tỉnh ( 2005), Khoa bảng Nghệ An (1075 - 1919), Nxb Nghệ An, tr.134).
Nam Đàn nép sát bờ sông Lam có những dòng họ khoa bảng nổi tiếng. Họ Nguyễn Trọng (Dương Liễu) bắt đầu từ Nguyễn Trọng Thường đỗ Tiến sĩ năm 1712, con trai là Nguyễn Trọng Đương, đỗ Tiến sĩ năm 1769, cháu đích tôn của Nguyễn Trọng Thường là Nguyễn Trọng Đường, đỗ Tiến sĩ năm 1779. Họ Nguyễn Đức (Hoành Sơn). Người khởi đầu là Nguyễn Đức Đạt (1824 - 1887) (Thám hoa). Nguyễn Đức Quý là em họ Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Đức Vận đỗ Phó bảng (1910). Họ Nguyễn (Trung Cần) cả hai chú cháu đều đỗ hàng cao nhất: Thám hoa. Đó là Nguyễn Văn Giao (1811 - 1863, ông chú) và Nguyễn Hữu Lập (1823 - 1874, cháu ruột).
Dọc hai bờ sông Lam là một vùng quê nghèo, “Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai” nhưng “Ông đỗ, cha đỗ, cháu đỗ” quả là kỳ lạ. Có những trường hợp đặc biệt như Phan Bội Châu đỗ Giải nguyên được đứng riêng một bảng: Lưỡng tuế tam nguyên thiên hạ hữu/ Độc danh nhất bảng thế gian vô. Đây là câu Tổng đốc An - Tĩnh Đào Tấn tặng cụ Phan Bội Châu, tạm dịch: trong hai năm ba lần đỗ đầu (giải nguyên, hội nguyên, đình nguyên) như ông thì thiên hạ cũng có, nhưng đứng tên một bảng thì thế gian không có ai.
Trường hợp nữa duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam là trong khoa thi năm 1851 có hai vị đỗ Thám hoa (Trạng nguyên) là Nguyễn Đức Đạt và Nguyễn Văn Giao đều là người Nam Đàn, nhà ở đây, ven bờ sông Lam.
Từ Kim Liên, quê Bác Hồ bên tả ngạn sông Lam đến Tiên Điền quê Nguyễn Du bên hữu ngạn khoảng 25km, nằm trọn trong một vùng quê nổi tiếng của Xứ Nghệ nổi tiếng và thấm đượm văn hóa Lam - Hồng. Dòng họ Nguyễn Tiên Điền, những Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Thiện, Nguyễn Điều… kề làng bên là Nguyễn Công Trứ và dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu với Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Hổ được xếp bên cạnh Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều...
Con sông của danh nhân và lịch sử
Sát bờ sông Lam là nơi sinh thành những nhân kiệt của nước ta, như Mai Hắc Đế, Quang Trung, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu... và Hồ Chí Minh. Cuối sông Lam, trên đất Nam Đàn là một truyền kỳ và bài ca giữ nước. Chỉ tính từ thời Trần, nhất là thời Hậu Trần, tại nơi này đã có biết bao trận chiến. Ở đây là hai vương triều nhà Hậu Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.
Triều đình nhà Hậu Trần với quan lại, vương phủ, thành quách, hành cung đã đóng tại đây với những danh nhân như Nguyễn Biểu, Đặng Dung, Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân… Ngày nay còn để lại vô số chùa chiền thờ phụng các hoàng hậu, công chúa nhà Trần có công dạy nghề nông, dệt vải, ươm tơ cho dân địa phương vẫn nghi ngút khói hương.
Bên bờ Nam sông Lam là dãy Thiên Nhẫn. Thiên Nhẫn có ba đỉnh cao nhất mà người dân địa phương gọi là "Tam Thai" gồm: động Bút, cao 240m; động Trọ Voi, cao 253m và động Thiên Nhẫn (còn gọi là ngọn Hoàng Tâm) cao 254m. Dưới chân ngọn Hoàng Tâm là Thành Lục Niên chống quân Minh trong suốt 6 năm (1418 - 1423) đối diện với thành Trương Phụ ở trên Rú Thành ở bờ Bắc sông Lam.
Dưới chân thành Lục Niên là mộ La Sơn Phu tử và trại Bùi Phong cũng là trường Bùi Phong của Nguyễn Thiếp dựng nên, dạy học, đào tạo nên hàng chục nhân tài cho vương triều Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Ngoài Thành Lục Niên nổi tiếng còn có “ngọn Hoàng Bảng, đời Hiển Tông Vĩnh hoàng đế, năm Cảnh Hưng thứ 30 (1769) có Dĩnh quận công Nguyễn Đình Đong đóng quân ở núi này để chống nhau với Lê Duy Mật nay vẫn còn”. (Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký. Sđd, tr.100)
Dòng Lam chảy qua vùng đất Nam Đàn rồi hợp lưu với sông La từ đây đổ ra biển. Bên hữu ngạn của sông là vùng đất Đức Thọ - Nghi Xuân, với dãy Hồng Lĩnh (rú Ngàn Hống) hùng vĩ. Bao giờ ngàn Hống hết cây/ Sông Rum (sông Lam) hết nước đó với đây mới hết tình.
Tác giả: Lê Đình Cúc
Nguồn tin: daibieunhandan.vn