Ảnh: Trọng Hiếu. |
Quý I/2023 ghi nhận có 14 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị 28.335 tỷ đồng, tăng 59% so với quý IV/2022. Trong đó, có 11 đợt phát hành riêng lẻ tổng giá trị 24.435 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD), chiếm 86,2% tổng giá trị phát hành.
Có thể thấy, kể từ sau khi Nghị định 08 sửa đổi Nghị định 65 được ban hành (từ ngày 5/3/2023), hoạt động phát hành riêng lẻ hồi phục khi ghi nhận 9/12 đợt phát hành trong quý I. Đặc biệt, giai đoạn 9/3-16/3 ghi nhận có đến 24.380 tỷ đồng TPDN phát hành riêng lẻ (chiếm 99,7% tổng giá trị phát hành riêng lẻ cả quý I/2023).
Động thái huy động thành công hơn 1,1 tỷ USD trái phiếu riêng lẻ của các tổ chức phát hành (TCPH) được giới chuyên gia đánh giá là tín hiệu tích cực. |
Theo đó, Nghị định 08/2023/NĐ-CP dù mới có hiệu lực từ đầu tháng 3/2023 đã nới lỏng điều kiện với các TCPH và tạo cơ hội để họ có thể trì hoãn các vấn đề liên quan tới minh bạch thông tin khoản vay hay "sức khoẻ" của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại. Ảnh hưởng này rõ ràng rất tích cực với nhóm bất động sản khi có đến 5/5 TCPH huy động khối lượng "khủng" giai đoạn 9/3-16/3 qua đều thuộc nhóm bất động sản.
Dù vậy, nhiều ý kiến cảnh báo rằng không loại trừ khả năng các lô TPDN này chỉ mang tính chất đảo nợ.
Các chuyên gia từ VnDirect nhìn nhận trong bối cảnh niềm tin của các nhà đầu tư cá nhân chưa trở lại, tỷ lệ phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân của của các lô trái phiếu mới phát hành này là rất hạn chế, người mua chủ yếu là các tổ chức, do đó VnDirect cho rằng những đợt phát hành này chỉ mang tính cục bộ, có thể mục đích phát hành chỉ là để cơ cấu lại nợ nội bộ của một hay một vài tổ chức lớn.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng đánh giá các lô trái phiếu kể trên được phát hành nhằm mục đích đảo nợ, kéo dài thời hạn trả nợ.
"Hiện tại, thanh khoản thị trường và TPDN của riêng nhóm bất động sản đang bế tắc, áp lực nợ đáo hạn lớn. Chưa kể, tâm lý của nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng nặng nề sau các vụ khởi tố lãnh đạo cấp cao tại Tân Hoàng Minh Group, Vạn Thịnh Phát Group. Rõ ràng, đây là tín hiệu vui với các doanh nghiệp địa ốc nói riêng và thị trường nói chung. Việc có thể phát hành TPDN, dù với mục đích nào chăng nữa, cũng giúp nhóm bất động sản nói riêng và các TCPH nói chung duy trì dòng tiền, thanh khoản, kinh doanh ổn định năm 2023 và tránh được sự sụp đổ", ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận.
Ở góc nhìn khác, ông Trương Hiền Phương Giám đốc cấp cao CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam lại cho rằng chưa đủ cơ sở để hoàn toàn khẳng định các đợt phát hành TPDN vừa qua mang tính chất "đảo nợ".
"Để huy động trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp thường phải trình phương án phát hành, mục đích sử dụng nguồn tiền, thẩm định đầu tư dự án với các chỉ số NPV, IRR thế nào.... Sau những vụ khởi tố trong lĩnh vực TPDN ở Tân Hoàng Minh Group và Vạn Thịnh Phát Group, các tổ chức tham gia, đơn vị tư vấn sẽ ngày càng cẩn trọng hơn", ông Phương nói.
Khảo sát của Nhadautu.vn cho thấy đa phần các TCPH huy động với giá trị TPDN lớn đều là những doanh nghiệp ít tên tuổi, thông tin hạn chế, thậm chí có những đơn vị chưa đầy 1 năm tuổi. Theo tìm hiểu, đây đều là những pháp nhân thuộc hệ sinh thái các "Group" quen thuộc trên thị trường TPDN.
Điểm tên các Group đáng chú ý phát hành TPDN
Cái tên đầu tiên CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An vào ngày 10/3 đã hút thành công 4.700 tỷ đồng mã NANCB2324001, kỳ hạn 18 tháng.
Theo tìm hiểu, Nam An được thành lập vào tháng 8/2016, đóng trụ sở tại Tầng 2, khu Almaz market, Đường Hoa Lan, Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside (quận Long Biên, Hà Nội). Ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản.
Đáng chú ý, hồi tháng 3 vừa qua, Nam An đã ký với một công ty sản xuất ô tô (thành viên một tập đoàn lớn) hợp đồng hợp tác kinh doanh Dự án tổ hợp sản xuất ô tô.
Cùng ngày 10/3, Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Dream City Villas – thành viên của Masterise Group, đã hút thành công 2.300 tỷ đồng trái phiếu mã MRVCB2328001, lãi suất 6%/năm.
Trước đó 1 ngày, BĐS Dream City Villas đã thế chấp tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng dự án số 0403/2023/HĐNTCNDA/NEWCO-DCV ngày 4/3/2023 giữa BĐS Dream City Villas và CTCP Đầu tư và phát triển Newco.
Như Nhadautu.vn từng đề cập, BĐS Dream City Villas từ ngày 21/7-22/7/2021 đã huy động thành công tổng cộng hơn 7.200 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ thông qua 3 đợt phát hành với các mã trái phiếu là MRVCB2122003 (2.200 tỷ đồng), MRVCB2122001 (2.500 tỷ đồng) và MRVCB2122002 (2.500 tỷ đồng).
Cả 3 lô TPDN đều có lãi suất cố định 8%/năm. Kỳ hạn 1 năm, 1 ngày. Nguồn tiền huy động đều được dùng để hướng tới nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị sinh thái Dream City (tỉnh Hưng Yên). Dự án này được biết đến thuộc sở hữu của một tập đoàn địa ốc lớn nằm trong nhóm VN30 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Pháp nhân khác cùng nhóm BĐS Dream City Villas là Công ty TNHH Kinh doanh Nội thất Luxury Living vào ngày 13/3 đã huy động thành công 4.800 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ mã TDECH2325001. Đây là lô trái phiếu riêng lẻ lớn nhất được huy động trong 10 tháng trở lại đây. Trái phiếu TDECH2325001 có lãi suất kết hợp giữa mức cố định 9%/năm và thả nổi. Kỳ hạn 5 năm.
Luxury Living tiền thân là Công ty TNHH Masterise Living thành lập vào tháng 3/2020. Chủ cũ Luxury Living là CTCP Tập đoàn Masterise. Đến tháng 1/2023, công ty có chủ mới là ông Phạm Thanh Quyết (SN 1981). Ngoài Luxury Living, vị doanh nhân sinh năm 1981 cũng đứng tên tại Công ty TNHH Masterise Living.
Trước thời điểm phát hành 3 ngày, Luxury Living thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng dự án thành phần (ký kết vào ngày 7/3/2023) với Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thương mại Việt An (trước đây là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Ecocons Hà Nội) tại Techcombank.
Như Nhadautu.vn từng đề cập, Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thương mại Việt An hồi tháng 12/2019 đã công bố 2 đợt mua lại trái phiếu trước hạn liên tiếp. Cụ thể, Việt An mua lại 1.000 tỷ đồng ngày 5/12 với giá 1.016,8 tỷ đồng và mua lại 4.000 tỷ đồng ngày 11/12 với giá 4.072 tỷ đồng.
Pháp nhân thứ 3 cùng nhóm BĐS Dream City Villas và Luxury Living là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Hưng Yên. Doanh nghiệp này trong cùng ngày 16/3 đã hút thành công 7.200 tỷ đồng trái phiếu. Các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 1 năm và không rõ thông tin lãi suất, tài sản đảm bảo….
Theo tìm hiểu, Đô thị Hưng Yên mới thành lập trong chưa đầy 1 năm (ra đời vào tháng 4/2022), tiền thân là Công ty TNHH Masterise Hưng Yên. Doanh nghiệp này từng là công ty con của CTCP Tập đoàn Masterise. Tuy nhiên, tại tháng 1/2023, Đô thị Hưng Yên thông báo có chủ mới là ông Ngô Văn Kiên (SN 1996).
Ngoài ra, CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Đô thị Ngôi Sao Phương Nam vào ngày 16/3 đã huy động thành công 4.695 tỷ đồng trái phiếu mã SPNCB2324001. Kỳ hạn 1,5 năm. Lãi suất 13%/năm. Theo tìm hiểu, Người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng giám đốc Ngôi Sao Phương Nam là bà Nguyễn Thị Huyền Trân (SN 1968). Theo tìm hiểu, bà từng có giai đoạn nắm các chức vụ Phó Tổng Giám đốc Hành chính, nhân viên công bố thông tin một thành viên cùng nhóm với Nam An (TCPH được đề cập đầu bài viết).
Tác giả: Huy Ngọc
Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư