Tin trong tỉnh

Diễn biến mới vụ hàng nghìn công nhân của doanh nghiệp FDI ở Nghệ An đình công

Sau 5 ngày dừng việc để đình công đòi quyền lợi, hàng nghìn công nhân của Công ty TNHH Viet Glory (Diễn Châu - Nghệ An) vẫn tiếp tục ngừng việc tập thể. Tuy nhiên, khoảng 1.000 công nhân đã trở lại làm việc.

Sáng ngày 7/10, hàng nghìn công nhân vẫn đến cổng Công ty TNHH Viet Glory nhưng không vào nhà máy làm việc. Ảnh: Văn Dũng.

Sáng 7/10, theo ghi nhận của Nhadautu.vn, hàng nghìn công nhân nhà máy giày da của Công ty TNHH Viet Glory tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu (Nghệ An) vẫn tiếp tục đến cổng nhà máy nhưng không vào làm việc.

Cơ quan chức năng địa phương liên tục vận động, tuyên truyền nhưng công nhân vẫn không chịu vào làm việc. Đến hơn 8h, hàng nghìn công nhân đã ra về.

Trao đổi với Nhadautu.vn, chị H., công nhân của Công ty TNHH Viet Glory cho biết, chị không muốn phải nghỉ việc để đình công, tuy nhiên do những lần trước đình công, công ty đã hứa sẽ thực hiện những yêu cầu của công nhân, thế nhưng được vài tháng lại quay lại như cũ.

"Lần này, chúng tôi không đòi tăng lương cơ bản, vì mức đó cũng đã đáp ứng rồi. Chúng tôi chỉ yêu cầu tăng phụ cấp, giảm sản lượng, và một số chế độ thai sản…", chị H. nói.

Cùng ý kiến với chị H., một công nhân khác cho rằng, họ bất đắc dĩ mới nghỉ việc đình công. "Chúng tôi vẫn biết, sau 5 ngày nghỉ tự do mà công nhân không đến làm việc thì phía công ty sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, nếu công ty không đáp ứng được một số yêu cầu của chúng tôi thì chúng tôi cũng chấp nhận nghỉ và sẽ trở lại như trước đây là về làm ruộng", công nhân này nói.

Mặc dù được chính quyền địa phương tuyền truyền vận động vào làm việc, nhưng hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Viet Glory vẫn tiếp tục ngừng việc tập thể. Ảnh: Văn Dũng.

Trước đó, ngày 6/10, trao đổi với Nhadautu.vn, lãnh đạo UBND huyện Diễn Châu cho biết, đến nay mới chỉ gần 1.000 công nhân quay lại làm việc, số công nhân còn lại vẫn đến cổng nhưng không vào làm việc.

Theo lãnh đạo huyện Diễn Châu, nếu công nhân vẫn tiếp tục không đi làm thì sẽ bất lợi cho họ và có nguy cơ mất việc làm. Bởi lẽ trong thông báo trả lời của Công ty TNHH Viet Glory nhấn mạnh: "Yêu cầu tất cả công nhân sáng 6/10 đến công ty làm việc bình thường. Trường hợp công nhân không vào làm việc thì sẽ tính nghỉ tự do kể từ chiều 2/10, sau 5 ngày nghỉ tự do công ty sẽ thực hiện theo quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động".

"Thời buổi kinh tế khó khăn có được công việc ổn định gần gia đình như vậy là rất quý. Hiện tại, nếu người mới vào làm việc, tổng các khoản mỗi tháng lương cũng được 5,2 triệu đồng, chưa kể tiền tăng ca. Số tiền này không phải là thấp. Mặt khác việc công nhân đình công kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư của huyện nhà cũng như tỉnh Nghệ An", lãnh đạo huyện Diễn Châu thông tin.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi việc công nhân đình công đúng hay sai, Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu cho rằng, theo Điều 200 Bộ luật Lao động năm 2019 thì trình tự đình công bao gồm 3 bước: Lấy ý kiến về đình công rồi ra quyết định đình công và thông báo đình công và tiến hành đình công. Như vậy, việc đình công tại Công ty TNHH Viet Golry là đình công tự phát, không đúng theo trình tự của pháp luật. Chính vì vậy, nếu kéo dài thì sẽ rất thiệt thòi cho người lao động.

Đến hơn 8h, công nhân vẫn không chịu vào làm việc và đã ra về. Ảnh: Văn Dũng

Ngày 2/10 và 4/10, phía Công ty TNHH Viet Golry đã có thông báo trả lời 11 đề xuất, kiến nghị của công nhân như: Đối với vấn đề tăng lương cơ bản, phía doanh nghiệp trên cho rằng: Căn cứ Nghị định 38/2022/NP-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ ngày 1/7/2022 thì mức lương tối thiểu Vùng III là 3,64 triệu đồng. Trong khi đó mức lương cơ bản hiện tại của công ty là hơn 4,1 triệu đồng đã cao hơn mức lương cơ bản của vùng, như vậy là phù hợp với quy định. Xem xét tình hình hiện tại của công ty đơn hàng ít nên không thể điều chỉnh mức tăng lương cơ bản, vậy mong cán bộ công nhân viên chia sẻ thông cảm.

Về vấn đề áp sản lượng, hiện tại công ty đã xây dựng định mức lao động thông qua phòng kỹ thuật và phòng IE. Đối với mỗi đơn hàng, bộ phận kỹ thuật sẽ cho một bộ phận công nhân lao động thử làm để tính toán định mức lao động phù hợp cho công nhân lao động (được thống nhất cách tính từ các công ty cùng tập đoàn trong cả nước và các nước khác). Hiện nay định mức sản lượng công ty áp dụng cho công nhân lao động thì mới đáp ứng 50-70% yêu cầu của công ty.

Vì vậy, công ty đã có quy trình tính toán định mức lao động trước khi cho sản xuất hàng loạt. Và khi đưa bất kỳ hình thể nào vào sản xuất ở xưởng thì đều có bảng tiến độ ghi rõ sản lượng mục tiêu của từng ngày, từng bộ phận và từng hình thể. Qua phân tích như trên thì quy trình tính toán định mức lao động của công ty là hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên trong thời gian tới, công ty sẽ tuyên truyền đến công nhân lao động về quy trình, cách tính định mức lao động để người lao động hiểu và thực hiện. Ngày 1/10/2023 nhằm động viên tinh thần làm việc của cán bộ công nhân viên đồng thời tăng thu nhập đảm bảo đời sống cho người lao động, công ty đã quyết định tăng mức thưởng sản lượng cho toàn bộ cán bộ công nhân viên nhà máy để phù hợp với tình hình hiện tại, thông báo đã được công bố cho cán bộ công nhân viên nhà máy được biết vào ngày 26/9/2023.

Đối với nội dung về thái độ làm việc, công ty sẽ điều chỉnh. Nếu cá nhân nào vi phạm sẽ bị kỷ luật theo quy định công ty…

Tác giả: Văn Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP