Thể thao

Điền kinh Hà Tĩnh: Những chuyện khó tin của "lò" luyện Vàng từ cây tre, khúc gỗ, viên gạch

Kinh phí hạn hẹp, điều kiện thiếu thốn, hạn chế cả thầy lẫn trò, nhiều VĐV tiềm năng nghỉ ngang vì không tin vào tương lai. Muôn trùng khó khăn xảy đến với điền kinh Hà Tĩnh. Thế nhưng, từ “vùng trắng”, mảnh đất đầy nắng và gió liên tục sản sinh ra những tài năng thuộc diện “của hiếm” cho điền kinh Việt Nam.

Ở SEA Games 30, điền kinh Hà Tĩnh đóng góp 2 HCV, 2 HCB vào thành tích chung của điền kinh Việt Nam. Đó là tấm HCV ở nội dung 4x400m tiếp sức nam và 4x400m tiếp sức nam nữ của Trần Đình Sơn; hai HCB ở các nội dung 400m của Trần Đình Sơn và 3.000m vượt chướng ngại vật của Nguyễn Trung Cường.

Chiến tích này nức lòng vùng đất được xem địa linh nhân kiệt. Đằng sau những tấm huy chương quý giá là cả một quá trình dài cả thầy và trò điền kinh Hà Tĩnh với đầu tàu là HLV Nguyễn Thuận đạp con sóng dữ, tưởng chừng có lúc bị nuốt chửng để tiếp tục hành trình cam go song đầy ngọt ngào.


Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII (ngày 16/8/1991) đã quyết định chia tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Thuở ban đầu đó, điền kinh Hà Tĩnh được xem là “vùng trắng” trên bản đồ điền kinh Việt Nam.

Vùng đất này hầu như không giành kết quả đáng chú ý ở các giải VĐQG. Đến năm 2004, chàng trai trẻ 24 tuổi Nguyễn Thuận, khi đó mới tốt nghiệp Đại học đã “liều mình” đến với môn thể thao vừa nghèo nàn, vừa không có thành tích.

Anh bảo: “Thời điểm tôi về nắm đội, Hà Tĩnh cũng chỉ có khoảng 10 VĐV. Ở các giải trẻ chỉ nhen nhóm thành tích chứ giải VĐQG hiếm khi có. Cách làm theo kiểu kinh nghiệm, là một hướng dẫn viên chứ không hẳn huấn luyện viên. Vì hạn chế từ thầy, trò không được gọt giũa nên điền kinh Hà Tĩnh không có nền tảng”.


Tấm HCV ở SEA Games 2003 của Dương Thị Hồng Hạnh ở nội dung 4x400m tiếp sức mang đến bất ngờ lớn và là đốm lửa nhỏ sưởi ấm điền kinh Hà Tĩnh. Dù vậy, đó cũng chỉ là trường hợp đột xuất. Nó như vệt sáng lóe lên rồi sau đó trầm lắng hẳn.

HLV Nguyễn Thuận nhớ lại: “Thuở đầu, sân Hà Tĩnh toàn sân sỉ, sân đất. Cây lao phải đi vào trong dân, chặt ngọn tre, lấy một đoạn rồi lấy dây chun quấn lại cho có đầu ném.

Ném lao chỉ có hình dung đuôi, đầu và cho quen tay. Mất 1 năm tập ném lao tre, các em chán lắm nhưng biết sao được. Rào thì thấp, cũ, không có tiền mua, chế độ dụng cụ thấp phải kê gạch đủ tiêu chuẩn. Xuất phát điểm thua xa với mặt bằng chung cả nước”.

Điền kinh Hà Tĩnh đụng đến đâu cũng khó. Khi xây dựng được con người, họ lại không có sơ sở vật chất đáp ứng. Chẳng hạn, ở môn 10 môn phối hợp, Hà Tĩnh cũng chỉ có thể đủ đáp ứng 8 môn.


Muốn xây dựng nhảy sào là cả hành trình dài vô hạn bởi thiếu cả đệm, sào. Ông Thuận nhẩm tính: “Một bộ đệm cũng vài trăm triệu. Một cây sào ít nhất 50 triệu/cái và không thể có một cây sào. Khi mới vào tập luyện, sẽ tập với loại sào này và khi thông số tốt hơn sẽ tập cây sào khác. Do đó, ít nhất một VĐV tập nhảy sào phải có 3-4 cây, mất cả hàng trăm triệu, quá tốn kém. Nếu đi gửi, kinh phí cũng lớn nên bỏ, chỉ có thể chơi 8 môn”.

Kinh phí hoạt động môn điền kinh của Hà Tĩnh cũng chỉ bằng 1/10 của Hà Nội, từ chế độ thưởng, lương đến trang thiết bị. “Quân của tôi chưa có khái niệm tập huấn nước ngoài; tập ở ngoại tỉnh, đi dã ngoại còn khó. May ra Đại hội TDTT toàn quốc diễn ra 4 năm một lần, đội được tập trước khoảng 2-3 tuần. Mình biết điều kiện khó khăn của tỉnh, phải vượt khó và thích ứng”, ông Thuận chia sẻ.

HLV Nguyễn Thuận trăn trở: “Khi tuyển chọn được, thấy VĐV có tố chất mà không làm thì phí lắm”. Và rồi, thầy trò tự khắc phục khó khăn. Từ đó, điền kinh Hà Tĩnh lĩnh hội kim chỉ nam cho mình: Phải vượt khó vươn lên!!!

Không có mọi điều kiện tốt nhất trong tay nên khi bắt đầu với điền kinh Hà Tĩnh, vấn đề đầu tiên khiến ông Thuận đau đầu chính là làm sao khơi dậy nguồn nội lực đang có, phải có thành tích để chứng minh cho tiềm năng của môn này.

Ông Thuận nhớ lại: “Năm 2004, tôi về được giao một đội hình không có nhiều triển vọng. Nhưng tôi bảo không thể phí phạm”. Ông xác định, điền kinh Hà Tĩnh sẽ khu biệt ở vùng cường độ từ 400m đến 10.000m. Định hướng nội dung sở trường từ 400m đến 10.000m và tập trung ở 3.000m, 5.000m vì xác định lên dài nữa thì chế độ tài chính, thu nhập VĐV không đủ để giữ VĐV, dinh dưỡng khó đảm bảo.

Còn nếu làm ngắn thì điều kiện sân bãi không cho phép. 100m, 200m phải có sức mạnh ghê gớm, có tốc độ kinh khủng nhưng sân tập không chuẩn rất dễ chấn thương.

“Thời điểm đầu tự tìm tòi, trong khó khăn phải tự khắc phục vì xác định điền kinh tỉnh lẻ không thể đi sâu một nội dung. Mình phải có kiến thức cơ bản về điền kinh nói chung rồi quá trình tuyển chọn VĐV phải biết được VĐV đó thích ứng nội dung nào, vùng cường độ nào. Từ đó mới định hướng tập dần.

Nếu một HLV không có lý luận chuyên môn thì rất khó tuyển quân bởi cần xác định VĐV sẽ mạnh nội dung nào. Lúc đầu có thể chưa cho các em biết, tập thoải mái nhưng phải có suy nghĩ và định hướng trong đầu rằng 2, 3 năm tới, VĐV đi chuyên sâu nội dung nào. Như vậy mới ra con đường”, ông Thuận nói.


Và từ chính quan điểm, cách làm đó, ông Thuận đã tìm ra viên gạch đầu tiên cho bản thân cũng như tạo cột mốc đáng nhớ cho điền kinh Hà Tĩnh. Đó là Nguyễn Văn Lý. Ngày ấy, Lý 17 tuổi, đầy tiềm năng nhưng không có con đường đúng hướng. Ông Thuận nắm đội và “đập đi xây lại” với Lý một năm đầu ròng rã.

Ông bảo: “Lúc tôi về, Lý đã 17 tuổi nhưng bị sai các kỹ năng, định hướng. Lý chỉ chơi 800m, 1.500m với năng lực bình thường. Sau đó, định hướng lên 3.000m chướng ngại vật”.

Sau một năm đó, Lý thi đấu ở lứa tuổi trẻ, có huy chương và được định hướng dần. Đến năm 2008, Lý “vượt cấp” đội trẻ quốc gia. Anh từ địa phương được gọi thẳng lên tuyển quốc gia nhờ thành tích ở giải VĐQG 2008 với 9 phút 23 giây. “Đó là trường hợp bị xem không phát triển”, ông Thuận nói.

Nhưng Lý không dừng lại như các đàn anh, đàn chị trước đây. Anh có sự thăng tiến vững chắc khi giành HCĐ SEA Games 2009 và HCV Đại hội TDTT toàn quốc 2010. “Thành tích này cứu rỗi chính sự nghiệp của Lý cũng như là cột mốc mới với điền kinh Hà Tĩnh”, ông Thuận giãi bày.

Sau thành công của Lý, ông Thuận tự tin về những gì sẽ làm được, xâu chuỗi lại kiến thức tích lũy, có niềm tin về việc các thế hệ sau phát triển tốt hơn.


Trong số các VĐV điền kinh Hà Tĩnh, Trần Đình Sơn được xem là hạt giống vàng. Anh từng giành HCV SEA Games 30 nội dung tiếp sức 4x400m và là nhân tố được kỳ vọng ở kỳ đại hội này.

Nhưng trước đó, để tuyển chọn Sơn, ông Thuận trải qua những ngày tháng mệt đến bở hơi tai với cậu bé nhút nhát này. “Năm Sơn học lớp 11, tôi mới biết đến cháu. Lúc đó, cứ tới gia đình là Sơn trốn thầy. Thầy lên nhà trên, cậu ấy đi xuống nhà dưới, đi nhà dưới thì lên nhà trên hay chạy ra vườn. Nó không chịu hợp tác.

Nhưng thấy dáng chạy của nó ở giải phong trào, cộng thêm thành tích khá ổn, tôi chắc mẩm trong đầu, phải kéo được cậu này đi theo điền kinh”, ông Thuận kể.

“Sau khi nói chuyện với bố mẹ và có cơ hội nói chuyện trực tiếp với Sơn, mọi chuyện mới êm xuôi”, ông Thuận cho hay.

Thế là, Sơn tăng tốc đến không ngờ. Tháng 3/2014, cậu bé 17 tuổi lên đội thì đến tháng 6, anh giành luôn tấm HCV ở nội dung 400m vượt rào lứa tuổi tại Huế. “Từ đó, tôi định hướng Sơn theo 400m và 400m vượt rào. Đến tháng 8, Sơn khăn gói ra Hà Nội tập ở đội trẻ và rồi đội tuyển quốc gia đến tận bây giờ”, ông Thuận với vẻ mặt tự hào nói về học trò.


Sơn có bước phát triển nhanh đến kinh ngạc. Và cũng từ đây, điền kinh Hà Tĩnh tạo nề nếp với Trung Cường, Lê Tiến Long, Lê Ngọc Phúc, Nguyễn Thị Ngọc, Lê Thị Thanh Nga,… bằng cách làm bài bản, rút tỉa nhiều kinh nghiệm.

“Sơn đến rất muộn và có yếu tố may mắn nhưng sau này từ kinh nghiệm, điền kinh Hà Tĩnh có sự bài bản hơn, định hướng sớm hơn, các cháu có nền tảng tốt hơn”, ông Thuận nói.

Ấy thế, cuộc đời không thể trải thảm đón hoa hồng và đằng sau những VĐV thành công, ông Thuận cũng như điền kinh Hà Tĩnh ngậm ngùi khi với những tài năng mới chớm nở hay tấm HCV SEA Games 30 bị vuột mất đáng tiếc.

Ông kể: “Lê Trọng Giáp cùng lứa Trần Đình Sơn. Hai bạn này song hành với nhau, gần như ngang nhau về tố chất, cơ bản. Sơn có tố chất ở 400m, 400m vượt rào còn Giáp có tiềm năng ở 800m, 1.500m. Thế nhưng, ngày có quyết định lên tuyển trẻ quốc gia thì em ấy nghỉ luôn vì bị cám dỗ cuộc sống. Nếu còn thi đấu, Giáp, sinh năm 1997, sẵn sàng thay thế Dương Văn Thái ở nội dung 1.500m”.

Ông Thuận cũng đánh giá rất cao Nguyễn Trung Cường và cho rằng “nó có tố chất nhất so với điền kinh Hà Tĩnh”. Năm 17 tuổi, Cường phá kỷ lục quốc gia tồn tại 14 năm. Anh tham dự giải trẻ thế giới ở Phần Lan năm 2017, đứng thứ 3 vòng loại và vào đến chung kết. Nhưng giải đấu đó, Cường vẫn để lại tiếc nuối khi không thể cán đích ở vị trí cao hơn thứ 7 chung cuộc.

Trước đó một năm, ở giải VĐQG nội dung 1.500m, Cường thi đấu với ngôi sao Dương Văn Thái. Cường khiến đàn anh choáng trong suốt hành trình và chỉ thua mấy mét cuối do thiếu kinh nghiệm. Ở SEA Games 30, tưởng chừng Cường nắm HCV trong tay nhưng do chủ quan, thiếu kinh nghiệm, lại rơi vàng trước đàn anh Đỗ Quốc Luật.


Để sản sinh ra các tài năng nối tiếp nhau, ông Thuận có cách làm riêng. Từ kiến thức, ý tưởng, khoa học mỗi người rồi đúc kết nét riêng cho bản thân. Ông bảo: “Thời điểm đầu tôi chưa làm 400m, 3.000m mà chỉ xây dựng các cháu nhiều kỹ năng hơn ở nhiều nhóm môn để nâng cao khả năng thích ứng, phối hợp và vận động. Sau đó mới hướng vào nội dung chính.

Chẳng hạn, ở cự ly 400m hay 3.000m thì xây dựng sức bền trước, khi đủ sức bền mới phát triển nhanh, mạnh, khéo. Huấn luyện thể thao khác với giáo dục thể chất ở trường học.

Trường học là 45 phút còn huấn luyện thể thao cần đọc được VĐV có điểm mạnh, yếu thế nào. Cùng một nội dung này, VĐV này nên tập thêm gì, VĐV khác nên tập thêm gì để làm sao đến đích tốt nhất. Đó gọi là đối xử cá biệt trong thể thao”.

Hiện tại, điền kinh Hà Tĩnh có 35 VĐV, xây dựng đủ các tuyến trẻ, năng khiếu, và lớn. Đó là thành quả của cả chặng đường dài. Điền kinh Hà Tĩnh có sự liên kết với các cơ sở giáo dục, giáo viên thể chất ở trường học để phủ sóng diện rộng công tác tuyển chọn.


Thể thao phong trào, học đường chính là nền móng xây dựng thể thao chuyên nghiệp. Đó cũng là bước khởi đầu cho quá trình tuyển chọn. “Tôi theo dõi nhãn quan, kiểm tra chiều cao, cân nặng, bật xa,... có thích hợp với nội dung của mình hay không.

Ngoài ra, tôi theo dõi quá trình các cháu tham gia giải thể thao phong trào ở lớp, huyện tỉnh, từ đó phát hiện tố chất trong con người thực sự. Bên cạnh đó, tâm sinh lý và đam mê cũng là những yếu tố quan trọng”, ông Thuận thổ lộ.

HLV 42 tuổi này cũng xây dựng quan điểm “chắc như đinh đóng cột”, rằng, nếu VĐV có sở trường nội dung này, thầy phải phát hiện được, đào tạo lên theo hướng có thể đường vòng, đường thẳng nhưng phải tuyệt đối theo nội dung đó. Chứ nếu có sở trường chạy dài mà cứ tập ngắn thì không bao giờ thành công cả.

“Tôi tâm niệm thế này, HLV cần có kiến thức chuyên môn, cá biệt, tự tích lũy, không thể rập khuôn, phải linh hoạt và quan trọng nhất là đúng người đúng nội dung, phải nắm được vùng cường độ”, ông Thuận trải lòng.

Những “ngón nghề” đó dần dần tạo ra các tài năng cho điền kinh nước nhà. Ở SEA Games 31, điền kinh Hà Tĩnh góp mặt bốn VĐV gồm Trần Đình Sơn, Lê Tiến Long, Lê Ngọc Phúc, Nguyễn Thị Ngọc.


Cả bốn đều là VĐV tiềm năng của điền kinh Việt Nam. Ông Thuận hy vọng các học trò sẽ mang về ít nhất 2 HCV. “Theo nhìn nhận góc độ chuyên môn, ở các nội dung cá nhân Long và Sơn có thể gây đột biến. Sơn, Phúc, Ngọc cũng sẽ tạo dấu ấn ở các nội dung đồng đội.

Tôi rất kỳ vọng Lê Ngọc Phúc tiến xa hơn Trần Đình Sơn, Quách Công Lịch, Trần Nhật Hoàng. Ở SEA Games 32 tại Campuchia, Phúc có thể chín muồi còn năm nay sẽ là nhân tố bí ẩn”, ông Thuận đặt kỳ vọng vào các học trò.

Điền kinh Hà Tĩnh không chỉ kỳ vọng vào hiện tại, đó còn là đích nhắm trong tương lai. Dù vậy, ông Thuận khiêm tốn nói về tương lai: “Chúng tôi hướng đến duy trì một trong những môn thế mạnh của tỉnh, khẳng định vị thế trên đấu trường quốc gia, nằm Top 5-7 của giải quốc gia. Bởi, muốn có thành tích phải có VĐV, muốn có VĐV phải giữ được VĐV, muốn giữ VĐV phải đảm bảo đầu ra, thu nhập cho các VĐV”.

Thiết kế: Quỳnh Chi

Tác giả: Trần Khánh

Nguồn tin: webthethao.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP