Theo đó, mức giá áp dụng cho các đối tượng dùng nước từ 1- 10 m3, từ 6.100 - 6.900 đồng/m3 hiện nay lên 11.400 đồng/m3. Đề xuất trên liệu có khả thi?
Công ty kêu chồng chất khó khăn
Công ty CP Cấp nước Nghệ An đang quản lý 13 NM nước trên địa bàn với tổng công suất thiết kế 95.800 m3 nước sạch/ngày. Thế nhưng, mỗi ngày Cty cung cấp cho khách hàng 108.320 m3 nước sinh hoạt.
Trụ sở Công ty CP Cấp nước Nghệ An. Ảnh SM |
Tuy nhiên do hệ thống mạng đường ống không đồng bộ, đã xuống cấp, thiếu vốn để cải tạo, thay thế khiến lượng nước thất thoát lớn, tỷ lệ nước cung cấp cho công nghiệp, dịch vụ còn ít. Giá nước thô đầu vào quá cao, trong khi giá nước sinh hoạt cấp cho người tiêu dùng được UBND tỉnh ấn định thấp nên thu không đủ chi phí SX khiến công ty lâm vào tỉnh cảnh bị lỗ.
Ông Hoàng Văn Hải, TGĐ Cty cho biết năm 2017, mặc dù doanh thu của Cty đạt trên 189.827 triệu đồng (tăng so với năm 2016 trên 5.710 triệu đồng) nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn âm trên 619 triệu đồng.
Sở dĩ thua lỗ là do một số nguyên nhân sau: Thứ nhất giá nước thô đầu vào rất cao (2.145 đồng/ m3); thứ 2 là món nợ phải trả cho ngân hàng rất lớn (40,65 tỷ đồng/năm); thứ ba là do cơ sở hạ tầng đã xuống cấp nghiêm trọng nên tỷ lệ thất thoát nước lên đến 34,72% so với lượng nước SX ra hàng ngày; thứ 4 giá nước sạch bán cho khách hàng thấp hơn so với các tỉnh khác...
Để chúng tôi hiểu được tình cảnh hiện nay tại, ông Hải dẫn ra một ví dụ: Chỉ riêng Dự án cấp nước vùng phụ cận Vinh và KCN Nam Cấm có tổng mức đầu tư trên 387,5 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng từ tháng 6/2014.
Doanh thu từ dự án này cả năm 2017 được tổng cộng 38,03 tỷ đồng (tiêu thụ được 4.625.847 m3 nước sạch), thì Cty phải trả nợ cho khoản vay này tại ngân hàng là 27,61 tỷ đồng và trả tiền mua nước thô của Công ty CP Cấp nước Sông Lam thêm 16,36 tỷ đồng. Rõ ràng doanh thu cả năm 2017 chỉ dùng để trả nợ vẫn còn thiếu gần 6 tỷ đồng(!)
Bởi thế, chiếu theo Quyết định số 37/2016/QĐ-UBND, ngày 13/5/2016 của UBND tỉnh Nghệ An thì chuyện giá thành nước sạch đến tay người tiêu dùng hiện chưa được tính đúng, tính đủ là có cơ sở.
Giá nước 11.400 đồng/m3 là cao hay thấp?
Mới nghe nói giá nước sinh hoạt sẽ từ 6.100 đồng đến 6.900 đồng/m3 lên 11.400 đồng/m3 thì bất kỳ ai cũng phải giật mình là điều dễ hiểu. Thế nhưng người tiêu dùng cũng phải nhìn nhận, chia sẻ, để “xã hội hóa” vấn đề này nhằm giúp DN sớm thoát cảnh nợ nần, đồng thời giúp người lao động cải thiện một phần đời sống của họ.
Xin được nói thêm rằng, ngày 28/01/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã ký thỏa thuận dịch vụ cung cấp nước thô có thời hạn 15 năm giữa Công ty CP Cấp nước Nghệ An và Công ty Sông Lam.
Theo đó, giá nước thô của Công ty Sông Lam bán năm đầu tiên (từ tháng 6/2016 đến tháng 6/2017) là 1.950 đồng/m3 nước thô. Do đó, ngay năm đầu tiên Công ty CP Cấp nước Nghệ An đã phải trả tiền nước thô hết 2.987 đồng/m3 mới SX được 01 m3 nước sạch (chi phí SX nước sạch đến người tiêu dùng tăng thêm 2.357 đồng ngay trong năm đầu tiên). Điều đáng nói là trong khi chi phí SX tăng lên, nhưng giá nước sạch bán ra vẫn giữa nguyên(!)
Ở Nghệ An là vậy, trong khi gần như tất cả các công ty SX nước sạch đều đang lấy nguồn nước thô từ các dòng sông hoặc hồ đập với mức phí nuôi rừng (hoặc phí thủy lợi) từ 50 đến 900 đồng/m3 nước sạch. Bởi thế, giá thành nước sạch của các đơn vị nói trên lẽ ra thấp hơn Công ty CP Cấp nước Nghệ An ít nhất là 2.000 đồng/m3.
Thế nhưng qua khảo sát của chúng tôi tại các tỉnh thì, giá bán nước sạch chưa thuế VAT năm 2017 (áp dụng cho đối tượng từ 10m3/tháng/hộ ở khu vực đô thị) của Công ty CP Cấp nước Nghệ An giá 7.523 đồng/m3 thì Công ty CP Cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu đã bán giá 11.000 đồng/m3, Công ty CP nước sạch Thái Nguyên 9.700 đồng/m3, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh là 9.400 đồng/m3.
Điều đáng nói là ở các Cty này đều không hề phải trả tiền mua nước thô, chỉ trả phí thủy lợi 900 đồng/m3 nước sạch. Ngay các tỉnh lân cận Nghệ An như Hà Tĩnh giá bán đã 8.100đồng/m3. Tương tự tại Thanh Hóa, từ năm 2015 giá bán nước sạch (chưa thuế VAT) đã 8.200 đồng/m3.
Bởi vậy, việc Công ty CP Cấp nước Nghệ An xin điều chỉnh giá bán nước sạch lên 11.400 đồng/m3 là đề nghị chính đáng và có cơ sở.
Điều làm Cty đau đầu là chuyện khống chế việc đưa số lao động thực tế tại Cty vào giá hiện đang có vấn đề. Theo chỉ đạo cổ đông lớn nhất thì chỉ có 517 người/646 người. Đây cũng là một trong số các lý do đẩy Cty vào tình trạng không tự chủ được trong kinh doanh hiện nay. Bởi thế, việc Cty đề nghị điều chỉnh giá nước sinh hoạt theo hướng tính đúng, tính đủ là rất bức thiết. |