Hương trầm. Ảnh: Hữu Vinh. |
Bố tôi đã chuẩn bị chu hương từ mấy tháng trước. Chu hương được làm bằng những nan nứa, ông cặm cụi ngồi chẻ ra, vót đều rồi đem phơi nắng, dầm sương; sau đó đem vào gác bếp hong suốt mấy tháng ròng để khi thắp chu hương cháy đượm hơn, tàn hương tạo nên những vòng xoắn đẹp mà người dân quê tôi cho rằng đó là điềm báo may mắn; tránh trường hợp cây hương tắt dở chừng thì xui xẻo cả năm. Loại chu hương mà người ta có thể dùng là những nan đó, nan nơm đánh cá; bởi những nan này được dầm mưa nắng, được ngâm dưới nước lâu ngày nên cháy đượm và bền. Những vật dụng này cũng được xem là sạch sẽ vì gắn với việc đồng áng.
Mỗi khi bố làm hương, chúng tôi thường được tận dụng phần ngọn và gốc mía, đôi khi chúng tôi lén ăn trộm một đoạn thân mía, điều cấm kị khi làm hương. Một trong những thứ khác mà chúng tôi “biển thủ” là quế chi. Lợi dụng lúc bố mẹ sơ suất, tôi bỏ túi một vài mẩu để nhâm nhi suốt ngày. Mùi quế chi rất thơm nên sớm muộn cũng bị lộ nhưng rồi bố mẹ cũng trách nạt mấy câu rồi bỏ qua, mặc dù các cụ luôn tâm niệm một điều là đồ thờ cúng không được dùng trước. Bọn trẻ chúng tôi cũng biết thế nhưng không thể kiềm chế nổi thói háu ăn của mình trong cái buổi đói kém ấy được.
Trước Tết chừng một tháng, bố tôi đã bắt đầu làm hương. Các loại nguyên liệu mua về được rửa sạch, phơi khô. Riêng mía thì bố đem rửa sạch, róc vỏ rồi thái thành những lát mỏng đem phơi. Phơi xong, tất cả nguyên liệu được bỏ vào cối đá giã cho thật nhỏ thành thứ bột mịn màng làm hương. Mẹ tôi cẩn thận dần, sàng để lấy phần bột mịn, phần còn lại trên mặt dần lại tiếp tục bỏ vào cối đá đâm, giã. Cứ thế, quy trình lặp đi lặp lại đến năm, sáu lần cho đến khi chỉ còn lại một nắm xơ không thể giã được nữa mới thôi. Chúng tôi lấy phần xơ ấy bỏ vào bếp hay vào nồi than mà thưởng thức chút mùi thơm của hương trầm đầu mùa.
Để quấn được cây hương đẹp đòi hỏi chu hương phải thẳng, suôn và đều nhau, bột hương mịn vừa phải. Nếu quá mịn, hay thô quá, cây hương có thể bị tắt giữa chừng, bột thô còn làm cây hương xù xì không đẹp. Quan trọng nhất vẫn là công đoạn quấn hương, nó đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận và nhẫn nại. Người ta trải giấy bản trên bàn hoặc mâm để có một mặt phẳng tốt nhất, rắc bột lên, đặt chu hương nghiêng một góc chừng 400 rồi xoay vòng giấy bản quanh chu hương. Cả nhà tập trung quấn hương vào những lúc rảnh rỗi, thường là buổi tối. Mọi người vui vẻ ngồi quấn hương cùng với những câu chuyện chuẩn bị đón Tết: mua sắm cho con quần áo mới thế nào, chuẩn bị gói bánh chưng, xay bột nếp làm bánh mật, bánh rán… tất cả đều được bố mẹ lên kế hoạch từ khá sớm. Bố bảo, phải quấn cho được trăm cây hương để dùng từ nay cho đến rằm tháng Giêng.
Làm hương xong bố đốt thử một cây, cả nhà háo hức hít hà thưởng thức cái mùi thơm ngọt ngào của mía, của cam thảo, mùi thơm nồng nàn của quế chi, thảo quả, hoa hồi, đặc biệt là mùi trầm thanh tao như mời gọi Tết về.
Tự làm hương, người dân quê tôi thời ấy đã đem không khí tết về sớm hơn trong mỗi nhà, mỗi thôn xóm. Tự làm hương cũng là một cách giúp người dân tiết kiệm, hương trầm chúng tôi tự làm lại thơm hơn hương ở chợ. Hương ở chợ thường bị người ta bớt các nguyên liệu quan trọng như rễ hương lâu, thảo quả, quế chi… thay vào đó là mụn cưa hoặc rất nhiều bột mía.
Mẹ tôi vẫn thường kể cho mọi người nghe câu chuyện cảnh giác khi đi chợ mua hương, có chị dùng mấy cây hương thơm đốt lên làm “mồi” nhử khách hàng, còn những bó hương đem bán thì chất lượng kém. Có lần, vì cây hương đang đốt không may bị tắt, chị quay sang bạn hàng bên cạnh bảo: “cho tôi mượn hộp diêm để thắp cây hương mồi một chút”. Hai tiếng “hương mồi” chị buột miệng nói ra làm mọi người cười rộ. Chị bán hàng bị lộ chiêu thức chỉ biết đỏ mặt cười trừ.
Đến nay, hương trầm ngày Tết vẫn là một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình, có điều không mấy ai tự làm hương nữa. Hương mua cũng rất thơm và rất đẹp nhưng trong không khí chuẩn bị đón Tết không còn nữa mùi trầm thơm ngát, dịu dàng tỏa ra trong mỗi nhà, mỗi thôn xóm. Cũng không còn nữa cái hối hả, niềm vui nhỏ bé của mỗi gia đình khi đón Tết. Tôi hít hà thật sâu, cố cảm nhận cái dư vị hương trầm xa xăm, hương trầm vẫn thơm trong ký ức miên man…
(*) Hương được làm từ nguyên liệu chính là cây hương lâu (trầm đất) có mùi giống với trầm hương thường gọi là hương trầm.
Tác giả: Hữu Vinh
Nguồn tin: tapchisonglam.vn