Ngày 24/5/2018, phát hiện sự việc gia đình ông Nguyễn Công Kỉnh (trú xóm 4, xã Tân Sơn, Đô Lương) chiếm đất công, xây dựng công trình trái phép trên đất do Nhà nước quản lý, UBND xã Tân Sơn đã cử tổ công tác xuống kiểm tra hiện trường.
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện ông Nguyễn Công Kỉnh đang dựng một căn nhà nhỏ bằng gỗ, rộng khoảng 14m2 trên khu đất tại xóm 4, xã Tân Sơn, Đô Lương. UBND xã Tân Sơn xác định, ông Nguyễn Công Kỉnh đã có hành vi chiếm đất tập thể và xây dựng công trình trái phép trên đất do nhà nước quản lý. Trong khi đó, gia đình ông Kỉnh đang sinh sống tại một thửa đất rộng rãi khác, cách thửa đất chiếm khoảng 20m.
Căn nhà bằng gỗ do ông Nguyễn Công Kỉnh xây dựng trái phép trên đất do nhà nước quản lý. Ảnh: Ngọc Phương |
Sau khi lập biên bản hiện trạng xác định hành vi vi phạm của ông Nguyễn Công Kỉnh, UBND xã Tân Sơn đã ra thông báo, yêu cầu ông Kỉnh tự tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu. Nếu đến 10 giờ ngày 25/5/2018, gia đình ông Kỉnh không tự tháo dỡ công trình vi phạm thì xã sẽ tổ chức tháo dỡ. Tuy nhiên, đến 10 giờ ngày 25/5/2018, gia đình ông Kỉnh vẫn không chấp hành yêu cầu của UBND xã Tân Sơn mà tiếp tục có hành vi xây dựng nên xã đã lập biên bản, tiến hành tháo dỡ công trình vi phạm.
Diện tích đất ông Kỉnh chiếm là vùng đất trường tiểu học cũ. Vào năm 2006, vùng đất này đã được UBND huyện Đô Lương phê duyệt quy hoạch phân lô chi tiết đất ở đấu giá. Ngày 25/3/2015, ông Nguyễn Công Kỉnh tự ý dựng lều bạt, bao hàng rào tại vùng đất này. Sau khi dựng lều xong, bà Thái Thị Thân (86 tuổi, mẹ ông Kỉnh) ra ở trong căn lều rách nát này để đòi chính quyền cấp đất. Ông Kỉnh còn đưa Bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương Kháng chiến rồi lập bàn thờ người bố liệt sỹ trong lều.
Ngay sau khi nắm được sự việc, UBND xã Tân Sơn cùng các ban ngành, đoàn thể đến thuyết phục, vận động ông Kỉnh không được chiếm đất, đồng thời vận động ông Kỉnh tự tháo dỡ lều và đưa bà Thân về nhà để đảm bảo sức khỏe. Đến ngày 24/5/2018, ông Nguyễn Công Kỉnh lại tự ý chiếm đất, xây dựng công trình trái phép trên vùng đất này.
Ông Kỉnh cho rằng, năm 2006 xã đã cho mẹ ông bốc thăm trúng thửa đất ông đang dựng lều nên bây giờ ông chỉ nhận đất ở đó. Song đối chiếu với các quy định của Nhà nước về đất đai qua các thời kỳ và các hồ sơ còn lưu trữ thì khẳng định rằng, chính quyền các cấp chưa có một văn bản nào chính thức cấp đất cho bà Thân tại khu vực trường tiểu học cũ.
Thời điểm năm 2006, đúng là xã Tân Sơn có cho bà Thân cùng một gia đình khác bốc thăm đất tại khu vực trên. Tuy nhiên, khi xã Tân Sơn trình hồ sơ lên UBND huyện Đô Lương đề nghị xét duyệt giao đất cho bà Thân theo hình thức định giá thì huyện Đô Lương không đồng ý.
Ông Nguyễn Trọng Hợi - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Đô Lương cho biết: Năm 2006, quy trình xét cấp đất cho các đối tượng chính sách đã không được UBND xã Tân Sơn thực hiện đúng. Hơn nữa, tại thời kỳ đó, bà Thái Thị Thân không thuộc đối tượng được xét giao đất định giá theo Quyết định 39/2005/QĐ-UB ngày 21/3/2005 của UBND tỉnh. Bởi vì, bà Thân đã có đất ở trước đó và sau này được Nhà nước cấp GCN QSD đất cho con bà - ông Nguyễn Công Kỉnh.
Hơn nữa, vùng đất trường tiểu học cũ ở xóm 4 vào năm 2006 đã được UBND huyện phê duyệt quy hoạch phân lô chi tiết đất ở đấu giá. Thửa đất mà bà Thân bốc thăm được thuộc đất có giá trị sinh lợi, không nằm trong quỹ đất xét giao theo Quyết định 38/2005/QĐ-UB ngày 18/3/2003 của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, với chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng, xét nguyện vọng của gia đình, vào tháng 7/2016, UBND xã Tân Sơn mời ông Nguyễn Công Kỉnh (đại diện cho bà Thân) lên UBND xã để hướng dẫn quy trình thủ tục về việc đề nghị cấp đất ở theo hình thức định giá quyền sử dụng đất tại khu vực vùng Cây Trôi (xóm 3, xã Tân Sơn) cho bà Thân.
Tuy nhiên, ông Kỉnh không phối hợp làm thủ tục theo hướng dẫn và không chấp nhận cấp đất tại vùng Cây Trôi. Ông một mực yêu cầu được Nhà nước cấp đất tại vùng trường tiểu học cũ ở xóm 4 cho mẹ ông.
Nhận thấy bà Thân tuổi đã cao, xét nguyện vọng của ông Kỉnh, UBND xã đã lập tờ trình gửi UBND huyện xin điều chỉnh quy hoạch phân lô chi tiết vùng trường tiểu học cũ từ đất ở theo hình thức đấu giá sang đất ở theo hình thức định giá.
6 thửa đất được UBND huyện thay đổi quy hoạch đất ở đấu giá sang đất ở định giá để xét giao đất cho bà Thân và những đối tượng chính sách khác. Ảnh: Phạm Bằng |
Không lâu sau đó, UBND huyện Đô Lương đồng ý thay đổi, bổ sung quy hoạch từ 4 lô đất đấu giá sang 6 lô đất định giá. Sau khi hoàn thành các quy trình, UBND xã và các ban, ngành huyện Đô Lương tiếp tục mời ông Kỉnh lên hướng dẫn quy trình làm thủ tục đề nghị cấp đất ở theo hình thức định giá vùng trường tiểu học cũ cho bà Thân.
Theo đó, ông Kỉnh sẽ được chọn 1 trong 6 lô đất dãy phía sau và Nhà nước sẽ vận động nguồn xã hội hóa để xây nhà tình nghĩa cho mẹ ông. Nhưng một lần nữa, sự quan tâm của Nhà nước đối với bà Thân bị chính ông Kỉnh khước từ. Trong khi, bản thân mẹ ông mới là đối tượng chính sách được Nhà nước quan tâm, giúp đỡ chứ không phải ông.
Việc ông Kỉnh không phối hợp với xã để làm thủ tục xét đề nghị cấp đất theo hình thức định giá là chối bỏ chính quyền lợi của mẹ mình, chối bỏ sự quan tâm của Nhà nước dành cho những đối tượng chính sách có công với cách mạng.
Tác giả: Phạm Bằng - Ngọc Phương
Nguồn tin: Báo Nghệ An