Tin trong tỉnh

Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc tại huyện Tương Dương

Sáng 31/7, Đoàn Giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc tại xã Yên Hòa, huyện Tương Dương về tình hình các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đồng chí Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì buổi làm việc.

Cùng tham dự buổi làm việc có các đồng chí Tỉnh ủy viên: Thái Thị An Chung –Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Đệ Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc

Tương Dương là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, có 4 xã giáp biên giới, có 67,069 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào, diện tích tự nhiên 280.778,18 ha, có 17 xã, thị trấn, 06 dân tộc sống trên địa bàn (là Kinh, Thái, Khơ Mú, Mông, Tày Poọng, Ơ Đu); điều kiện kinh tế khó khăn, là huyện nghèo được thụ hưởng các chế độ chính sách thuộc 03 Chương trình MTQG của Chính phủ. Toàn huyện có 6.232 hộ nghèo, chiếm 34,03%.

Địa hình huyện phức tạp, đồi núi dốc, bị chia cắt bởi nhiều sông suối. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả thị trường không ổn định. Cơ sở hạ tầng tuy được đầu tư nhưng thiếu và chưa đồng bộ; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt hàng năm hư hỏng do mưa lũ gây ra; dịch bệnh cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp. Phát triển sản xuất nhỏ lẻ chưa có mô hình liên kết sản xuất,… Trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán canh tác và sinh hoạt nhiều nơi còn lạc hậu, chậm được đổi mới, an ninh trật tự, an toàn xã hội nhiều tiềm ẩn.

Việc triển khai các Chương trình MTQG được tiến hành kịp thời, đầy đủ, bám sát các nội dung văn bản hướng dẫn của cấp trên

Báo cáo cụ thể tình hình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, lãnh đạo huyện Tương Dương cho biết: Nhìn chung, việc triển khai các Chương trình trên địa bàn huyện được tiến hành kịp thời, đầy đủ, bám sát các nội dung văn bản hướng dẫn của cấp trên.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN), trong 2 năm 2022 - 2023, huyện Tương Dương tập trung thực hiện 10 dự án liên quan đến giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, giáo dục đào tạo, bảo tồn văn hóa, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới và công tác truyền thông. Riêng Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại huyện Tương Dương trong 2 năm 2021 - 2022 được đánh giá có hiệu quả, trong đó các dự án đã hỗ trợ kịp thời sinh kế, việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân khu vực vùng sâu, biên giới…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các Chương trình còn có khó khăn, lúng túng do chờ hướng dẫn của cấp trên đối với từng dự án, nội dung, nhất là trong triển khai Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN.

Đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình hơn 34 tỷ đồng. Nổi bật nhất là người dân đã tự bỏ vốn để trồng rừng, trồng sắn cao sản trở thành mô hình liên kết sản xuất lớn. Phong trào làm đường giao thông nông thôn được đẩy mạnh,với phương châm huy động sức dân là chính để tu bổ và làm mới nhiều tuyến đường tới các bản vùng sâu, vùng xa của các xã biên giới. Công tác ra quân làm đường giao thông nông thôn đầu năm 2021, 2022 và 6 tháng năm 2023 được các xã quan tâm ra quân đồng loạt thực thiện xây dựng và tu bổ 427 tuyến với hơn 68 km. Trong năm 2022, huyện đã giải ngân được 14,8% kế hoạch vốn đầu tư phát triển, 2,9% kế hoạch vốn sự nghiệp. Hiện trên địa bàn huyện đã có 04 xã về đích NTM.

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, năm 2022, huyện đã giải ngân được 9,11% kế hoạch vốn đầu tư phát triển và 4,58% kế hoạch vốn sự nghiệp.

Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, năm 2022 huyện giải ngân được 7,66% kế hoạch vốn đầu tư phát triển và 18,85% kế hoạch vốn sự nghiệp.

Đ/c Đinh Thị Phương Lan – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị thông tin rõ hơn về những khó khăn trong công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động miền núi

Tại buổi làm việc, theo ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, kết quả giảm nghèo, xây dựng NTM, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN có được là kết quả của cả quá trình từ năm 2022 trở về trước, bởi từ đầu năm đến nay huyện chưa giải ngân được đồng nào; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra với 5,155% (Mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 của huyện đề ra giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 4-5%). Từ đó, Đoàn giám sát đề nghị làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm.

Về nội dung này, đại diện huyện Tương Dương cho biết, sau khi được phân bổ nguồn vốn, huyện mới triển khai các bước như: Khảo sát nhu cầu xây dựng các công trình; lựa chọn đối tượng; lập hồ sơ, dự toán, thẩm định... Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai còn một số văn bản hướng dẫn của Trung ương, tỉnh chậm ban hành, nên các địa phương phải chờ dẫn đến chậm triển khai.

Đ/c Trần Thị Thanh Lam - Ủy viên Thường trực Ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội đề nghị cho biết về các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện

Ngoài ra, thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị huyện Tương Dương làm rõ việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình để thực hiện các dự án, tiểu dự án; nguồn vốn đối ứng của địa phương.

Đoàn giám sát đề nghị huyện Tương Dương chia sẻ giải pháp giảm nghèo, trong đó đề nghị cho biết việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn; việc đầu tư hạ tầng (giao thông, y tế, nước sinh hoạt, trường học...); quy trình bình xét hộ nghèo để thực hiện các chế độ, chính sách...

Trả lời các vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát quan tâm, đặt câu hỏi, lãnh đạo huyện Tương Dương cũng đề xuất một số nội dung đề nghị các Bộ, ngành xem xét. Đó là điều chỉnh tăng định mức hỗ trợ xây mới nhà ở 80 triệu đồng/hộ; sửa chữa 40 triệu đồng/hộ thay cho mức hỗ trợ xây dựng mới 40 triệu đồng/hộ, sửa chữa nhà 20 triệu đồng/hộ như hiện nay. Huyện đề xuất nâng mức hỗ trợ kinh phí nước sinh hoạt phân tán từ 3 triệu đồng/hộ lên 10 triệu đồng/hộ.

Đ/c Đinh Hồng Vinh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương khẳng định vai trò của 03 Chương trình MTQG là rất quan trọng bởi vậy, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, các xã tập trung thực hiện rất quyết liệt

Lãnh đạo huyện Tương Dương cho biết, thực tế nhiều xã, bản mặc dù đã đạt chuẩn NTM song tình hình phát triển kinh tế - xã hội chưa cải thiện nhiều, nhân dân vẫn còn chưa có thu nhập ổn định, vẫn cần những cơ chế chính sách nhằm dẫn dắt, định hướng bà con nhân dân thoát nghèo, xây dựng phát triển kinh tế. Vì vậy huyện đề xuất chưa cắt giảm ngay các chế độ chính sách của người dân và học sinh đối với các xã đã về đích.

Để đảm bảo phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng, huyện đề nghị Bộ, ngành liên quan nghiên cứu bổ sung các nội dung hỗ trợ thực hiện tiểu dự án: Hỗ trợ giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ các mô hình phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng; hỗ trợ cây, con giống cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng để cải thiện sinh kế...

Cần có giải pháp quyết liệt, thúc đẩy nhanh giải ngân vốn để thực hiện hiệu quả các Chương trình trong năm 2023

Đ/c Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn Giám sát phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn Giám sát cho biết, với mong muốn được lắng nghe ý kiến từ cơ sở để nắm tình hình chính sách pháp luật trong thực tiễn về những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, cách tổ chức triển khai thực hiện để từ đó có tổng kết, đánh giá để phát huy hoặc điều chỉnh, ban hành chính sách mới phù hợp với yêu cầu phát triển.

Chia sẻ với nhiều khó khăn mà huyện nghèo Tương Dương gặp phải, Đoàn giám sát của Quốc hội ghi nhận nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân trên địa bàn huyện Tương Dương để đạt được kết quả quan trọng. Trong đó, huyện cũng như các xã đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, Tương Dương cần phải quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chung tay thực hiện các Chương trình, nhất là các mô hình sinh kế, ổn định cuộc sống, tránh tái nghèo.

Là địa bàn khó khăn được thụ hưởng chính sách từ 03 Chương trình MTQG, nếu như với tiến độ giải ngân như hiện nay dễ dẫn đến nguy cơ mất nguồn lực để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn. Đoàn giám sát Quốc hội đề nghị địa phương cần có giải pháp quyết liệt, thúc đẩy nhanh giải ngân vốn để thực hiện hiệu quả các Chương trình trong năm 2023.

Với các kiến nghị của huyện, Đoàn giám sát ghi nhận và tổng hợp đầy đủ để báo cáo với Quốc hội, Chính phủ và thông tin tới các Bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết.

*/Trước khi bước vào buổi làm việc chính thức, Đoàn Giám sát đã tặng quà cho 15 hộ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Tương Dương.

Đoàn Giám sát tặng quà cho các hộ gia đình chính sách

Đoàn Giám sát tặng quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn

Dịp này, Đoàn Giám sát đã tặng quà lưu niệm cho huyện Tương Dương và xã Yên Hòa

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP