“Đừng gọi bản không chồng nữa!”
Bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An nằm dựa lưng vào dãy Pù Lôm hùng vĩ, nhìn ra dòng Nậm Nơn trong xanh và êm đềm. Cuộc sống người dân trong bản đang có những đổi thay, khi những ngôi nhà kiên cố đang được xây dựng thay cho mái tranh giột nát.
Toàn cảnh bản Xốp Mạt. |
Thế nhưng, khi bước chân vào bản, một điều dễ dàng phát hiện đó là đàn ông vô cùng ít, cảnh phổ biến là những phụ nữ địu con, những bà già ẵm cháu, những đứa trẻ nô đùa. Không những thế, đâu đó trên bậc thềm chúng tôi vẫn bắt gặp những ánh mắt dõi vào xa xăm, len lén nhìn theo khi có người lạ đến hỏi thăm.
Khi phát hiện máy ảnh đang hướng đến, một người phụ nữ luống tuổi xua tay: “Đừng chụp rồi bảo bản không chồng nữa nhé!”. Cái danh xưng này mặc dù không sai nhưng cho đến thời điểm hiện nay họ không muốn nghe nữa, mọi người đều muốn gạt bỏ qua một bên hướng về cuộc sống mới.
Anh Lô Văn Phê, trưởng bản Xốp Mạt cười giải thích: “Hầu hết, đàn ông ở đây đều dính dáng tới ma túy, không đi tù thì cũng nghiện ngập, không bị công an truy lùng cũng bỏ gia đình mà đi. Bi kịch ấy xảy ra trong một khoảng thời gian dài, có thời điểm trong bản Xốp Mạt để nhìn thấy bóng dáng một người đàn ông rất hiếm hoi”
Chính vì vậy, nhắc đến Xốp Mạt thì người ta còn biết đến với cái tên không mấy mỹ miều là “thủ phủ ma túy”, “bản không chồng”, “bản mồ côi”… Giờ bão ma túy đã qua khi không còn ghi nhận trường hợp nghiện mới ở Xốp Mạt, thế nhưng hệ lụy nó để lại thì không biết bao giờ mới dứt.
Những ánh mắt lạ lẫm của người dân khi thấy khách lạ vào bản |
Chúng tôi tới gặp bà Lô Thị Xum (79 tuổi) là một trong những trường hợp thảm thương nhất về sự tàn phá của ma túy trong bản Xốp Mạt. Vợ chồng bà có 4 người con trai thì có 3 người dính đến “nàng tiêu nâu”. Trong đó 1 người con đã mất vì ma túy, 1 người hiện đang phải đi tù, còn 1 người bỏ đi biệt xứ không rõ nơi nào.
Người con trai thứ 2 trước khi đi tù đã lấy vợ và sinh được 2 người con gái. Vì vậy, để tiện việc chăm sóc lẫn nhau, bà Xum đưa con dâu cùng các cháu về ở cùng. Mấy người phụ nữ loanh quanh trong ngôi nhà cấp 4 cũ nát rau cháo nuôi nhau sống qua ngày.
Cuộc sống vốn đã vất vả, người cháu gái của bà Xum mới 18 tuổi mới đây cũng lấy chồng. Thế nhưng, người chồng đi sang Lào làm việc nên cháu gái ôm con chưa đầy 1 tuổi về tiếp tục ở cùng bà ngoại cùng mẹ. “Tôi đã khổ rồi, con dâu và cháu còn khổ hơn nên tôi bảo các con về sống. Có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Con trai tôi phải đi tù 14 năm, nay cũng được 5 năm rồi. Cố gắng cải tạo thì chắc 5-6 năm nữa sẽ được giảm án”, bà Xum nói.
Bà Xum hiện nay đang sống cùng con dâu và cháu ngoại. |
Cũng ở bản Xốp Mạt, câu chuyện của gia đình chị Kha Thị Tích cũng là một lời ru buồn, điển hình của hàng trăm người phụ nữ “không chồng” khác do hệ lụy của ma túy. Vốn có cuộc sống hạnh phúc với người chồng mạnh khỏe và 2 người con. Thế nhưng khi “cơn bão” ma túy ập đến cũng là lúc chồng chị Tích không thoát khỏi cám dỗ rồi nghiện ngập, rồi bị kết án tù chung thân.
Chồng đi tù, bỏ lại chị với 2 đứa con nhỏ dại, tại bản không thể làm được việc gì ra tiền nên chị liều lĩnh nhận xách ma túy thuê. Chuyện vỡ lở, Tích bị bắt và chịu án phạt 5 năm tù. Cũng trong thời gian này, do không ai chăm sóc nên 2 người con của Tích đã phải lang thang khắp nơi để ăn xin, rồi từ đó không trở về bản nữa.
Ám ảnh ở nơi từng là “thánh địa ma túy”
Trưởng bản Lô Văn Phê cho biết, hiện bản chỉ có 44 hộ nhưng kể ra không biết bao nhiêu cảnh đời đã tan nát vì ma túy. Ngay cạnh sát vách nhà vị trưởng bản này có 2 gia đình cả vợ và chồng đều đã chết vì nhiễm HIV, để lại 3 đứa trẻ mồ côi phải sống nương nhờ ông bà ngoại và họ hàng.
Bản nằm bên dòng Nậm Nơn hiểm trở, dựa vào dãy Pù Lôm hùng vĩ. |
Ngày trước bản Xốp Mạt ở bên kia cầu treo, vì thế mà các trùm ma túy có đất lộng hành. Không ai rõ ma túy có từ bao giờ, ngay cả người già nhất trong bản cũng không nhớ. Chính địa hình cùng không khí thuận lợi nên loài hoa anh túc sinh sôi và nảy nở, người dân cũng vì vậy mà chìm trong khói thuốc. Để có gạo, có muối, mọi người đã trồng rất nhiều để bán, từ đó hình thành nên một “thánh địa ma túy” xứ Nghệ ở đỉnh Pù Lôm.
Pù Lôm giống như cái đỉnh của chiếc nón, xung quanh là các bản làng, trong đó có 3 bản là Xốp Mạt, Minh Phương, bản Đữa nổi lên như 3 chiếc chân tạo thành sự vững chắc cho hoạt động ma túy tại vùng sơn cước này. Ban đầu chỉ xuất hiện nhỏ lẻ một số đối tượng người Mông cấu kết với người địa phương vận chuyển ma túy từ Lào rồi qua đường tiểu mạch tập trung về đây. Dần dần, những đường dây ma túy số lượng lớn hình thành và Xốp Mạt trở thành địa điểm tập kết.
“Ma túy dần len lỏi vào sâu những ngóc ngách, tàn phá những bản làng yên bình nhất. Đặc biệt, đầu thập niên 90, gần 100% đàn ông trong bản đều nghiện ma túy. Thời điểm đó mua ma túy còn dễ dàng hơn mua gạo. Cũng vì vậy, hậu quả tất yếu là thanh niên trong bản gần hết đều rơi vào cạm bẫy nghiện ngập trở thành nô lệ cho “nàng tiên nâu”. Thậm chí, để có thuốc dùng, mọi người chấp nhận bỏ bản làng đi vận chuyển thuê”, trưởng bản Xốp Mạt kể.
Rất hiếm gặp một người đàn ông ở trong bản. |
Hiện bản đang có 13 người phải chấp hành án phạt tù. Nhiều người đã mãn hạn tù về địa phương nhưng không còn nhà cửa, gia đình ly tán. Có gia đình, chồng buôn ma túy bị bắt, vợ lại nối gót chồng bị cơ quan chức năng phát hiện, con cái phiêu bạt không biết nơi nào. Những người thi hành án xong về nhà thì không có công ăn việc làm. Bản vốn đã nghèo lại bị ma túy tàn phá, có thời điểm cả bản chỉ có 1 hộ duy nhất thoát nghèo.
Ông Vi Văn Thủy, Trưởng Công an xã Lượng Minh cho biết: “So với những con số về ma túy trước đây mà bản Xốp Mạt từng hứng chịu khi nó tràn qua, thì đến nay đã được khống chế giảm dần từng năm một. Dù thế nhưng những hệ lụy mà ma túy đưa lại cũng còn phải mất thời gian để xử lý”.
Còn nữa
Tác giả: Anh Ngọc
Nguồn tin: Báo Người đưa tin