Sáng 1/3, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá quy chế phối hợp năm 2018, xác định các nội dung phối hợp trong năm 2019.
Các đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Huy - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Mai Hoa |
Tạo điểm nhấn trong phối hợp
Phát biểu mang tính đề dẫn tại hội nghị, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, năm 2018, Nghệ An có bước phát triển toàn diện và nhiều kết quả tiến bộ, tạo nền tảng quan trọng cho năm 2019 này.
Đóng góp vào thành tích chung của tỉnh, 3 cơ quan đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã có sự phối hợp hiệu quả.
Chủ tịch HĐND tỉnh cũng khẳng định, việc tổ chức hội nghị, trên cơ sở đánh giá những kết quả và hạn chế nhằm tạo sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả hơn trong năm 2019; đặc biệt cần phải tạo điểm nhấn trong phối hợp, nhất là trong việc đưa ra các quyết sách đúng và giải quyết tốt kiến nghị của cử tri.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh: Các cơ quan cần phối hợp tạo sức mạnh, sự “dũng cảm”, chấp nhận sự va chạm để theo đuổi, đôn đốc việc giải quyết, bảo vệ quyền lợi của người dân cũng như giải quyết các bức xúc, tồn tại đặt ra. Ảnh: Mai Hoa |
“Các cơ quan cần phối hợp tạo sức mạnh, chấp nhận sự va chạm để theo đuổi, đôn đốc việc giải quyết đến cùng các kiến nghị của cử tri, bảo vệ quyền lợi của người dân cũng như giải quyết các bức xúc, tồn tại đặt ra", Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.
Từ ý kiến của đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, tại cuộc họp, bên cạnh làm rõ những kết quả nổi bật trong thực hiện quy chế phối hợp giữa 3 cơ quan trong năm 2018 vừa qua, đại diện các cơ quan cũng đã tham gia nhiều ý kiến nhằm thúc đẩy sự phối hợp hiệu quả cao hơn trong năm 2019.
Đáng quan tâm nhất là 3 cơ quan cần có sự phối hợp và đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri; trong đó quan tâm tiếp xúc theo từng vùng, từng nhóm đối tượng nhằm tranh thủ trách nhiệm, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân tham gia các quyết sách kinh tế - xã hội của đất nước và tỉnh, không đề đạt lợi ích của cá nhân.
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền cho rằng, 3 cơ quan cần đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri. Ảnh: Mai Hoa |
Muốn làm được điều này, vai trò của MTTQ tỉnh trong việc tập huấn, bồi dưỡng cho MTTQ cơ sở về kỹ năng, phương pháp tổ chức, kể cả bản lĩnh điều hành hội nghị tiếp xúc cử tri. Đó còn là đổi mới phối hợp trong việc tổ chức các chuyên đề giám sát việc thực thi các quyết sách của Trung ương và tỉnh đã ban hành; từ đó kiến nghị xác đáng các vấn đề cần khắc phục, tránh hình thức hoặc kiến nghị chung chung qua giám sát.
Một số ý kiến cũng cho rằng, thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát, phản biện, cả 3 cơ quan cần phối hợp lựa chọn các vấn đề “nóng”, bức xúc mà cử tri quan tâm để tổ chức giám sát sâu; hoặc những kiến nghị sau giám sát không được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết thấu đáo, nghiêm túc để cùng đôn đốc, theo đuổi đến cùng, nhằm tạo sức nặng và nâng cao vai trò của các cơ quan.
Cử tri thị xã Hoàng Mai kiến nghị các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, giám sát các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường sau khai thác khoáng sản. Ảnh: Mai Hoa |
Tránh “sợ” dân nói tại các diễn đàn tiếp xúc cử tri
Phát biểu tại hội nghị, bên cạnh đánh giá cao hiệu quả phối hợp của 3 cơ quan thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh khẳng định: Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh là cơ quan dân cử, và Ủy ban MTTQ tỉnh là cơ quan đại diện cho các tầng lớp nhân dân có những chức năng, nhiệm vụ tương đồng, tham gia đóng góp cùng với Quốc hội hoạch định các chính sách ở Trung ương và trực tiếp hoạch định các chính sách của tỉnh, đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.
Muốn các hoạch định, chính sách có tác động và ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của đất nước và địa phương, đòi hỏi quy trình chuẩn bị tốt. Bên cạnh việc xây dựng dự thảo đến khâu thẩm định của các cơ quan chức năng và lấy ý kiến của cấp ủy Đảng đã được làm lâu nay, Trưởng đoàn ĐBQH Nguyễn Đắc Vinh đề nghị 3 cơ quan cần nghiên cứu, xem xét cơ chế, hình thức để phát huy trách nhiệm, trí tuệ của đội ngũ trí thức, chuyên gia và các tầng lớp nhân dân vào quy trình này.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Đắc Vinh, cho rằng, tránh tình trạng một số cơ sở “sợ” dân nói nên hạn chế đối tượng tham gia tiếp xúc cử tri. Ảnh: Mai Hoa |
Gắn với đó, cần có cơ chế, biện pháp giám sát hiệu quả để đảm bảo các hoạch định, chính sách được ban hành thực thi có hiệu quả trong thực tiễn. Theo đó gửi đến các cơ quan, đơn vị được giám sát để tiếp thu, khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập được phát hiện qua giám sát.
Ngoài 2 nội dung trọng tâm nêu trên, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cũng nhấn mạnh yêu cầu phối hợp tốt hơn trong hoạt động tiếp xúc cử tri, hạn chế tiếp xúc cử tri đại diện, thay vào đó “mở cửa” cho nhân dân đến cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, tránh tình trạng một số cơ sở “sợ” dân nói nên hạn chế đối tượng tham gia tiếp xúc cử tri.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh trao đổi với các đại biê tại hội nghị. Ảnh: Mai Hoa |
Để khuyến khích sự dũng cảm của cán bộ cơ sở thì các cơ quan cũng phải thể hiện rõ thái độ thẳng thẳn, trách nhiệm, tránh sự nể nang, “dĩ hòa vi quý”; từ đó thúc ép các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, công chức trăn trở thực hiện các kiến nghị của cử tri, nhân dân, cũng như những bất cập, mâu thuẫn, hạn chế đặt ra trong cuộc sống thông qua giám sát đã phát hiện.
“Khi quyết liệt, bám sát sẽ giải quyết được nhiều vấn đề mà cử tri đặt ra, góp phần giảm bức xúc của nhân dân”, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh.
Tác giả: Mai Hoa
Nguồn tin: Báo Nghệ An