Xã hội

Đột quỵ gia tăng ở người trẻ, đừng chần chừ khi có dấu hiệu nghi ngờ

Làm thế nào để phòng tránh đột quỵ, đặc biệt ở người trẻ, cũng như dấu hiệu nào để nhận biết mình có thể mắc đột quỵ một cách sớm nhất để điều trị dự phòng? PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với BSCKII Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai xung quanh vấn đề này.

Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca nhập viện điều trị đột quỵ có chiều hướng gia tăng trong vài năm gần đây, từ 1,7% lên tới 2,5%, với tỉ lệ nam cao gấp 4 lần nữ. Bệnh có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện ở độ tuổi 20, thậm chí trẻ hơn, tỷ lệ ở người trẻ tuổi đột quỵ đang tăng ở mức 2% mỗi năm. Gần đây có nhiều người trẻ bị đột quỵ mà phần lớn đều không biết mình có bệnh nền hoặc dấu hiệu cảnh báo từ trước.

Vậy làm thế nào để phòng tránh đột quỵ, đặc biệt ở người trẻ, cũng như dấu hiệu nào để nhận biết mình có thể mắc đột quỵ một cách sớm nhất để điều trị dự phòng? PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với BSCKII Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai xung quanh vấn đề này.

Bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Dũng.

PV: Thưa bác sĩ, vì sao đột quỵ lại có xu hướng gia tăng ở người trẻ tuổi?

BSCKII Nguyễn Tiến Dũng: Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nặng và trẻ hóa có xu hướng tăng hơn trong thời gian gần đây. Đối tượng người trẻ là lực lượng lao động chính của gia đình, xã hội, nhưng theo thống kê có tới 70% bệnh nhân sau đột quỵ bị ảnh hưởng sức lao động. Một số yếu tố có thể dẫn đến người trẻ bị đột quỵ như: Lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử; thừa cân béo phì, lười vận động; chưa có ý thức rõ ràng bảo vệ sức khoẻ; cuộc sống xã hội tương đối nhiều áp lực, stress, căng thẳng trong cuộc sống, công việc… Tất cả những điều trên là những yếu tố nguy cơ làm gia tăng đột quỵ ở người trẻ.

PV: Tình trạng bệnh nhân đột quỵ vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu hiện nay ra sao, đặc biệt ở người trẻ?

BSCKII Nguyễn Tiến Dũng: Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối của phía Bắc và miền Trung, những ca đột quỵ ở các bệnh viện vệ tinh của Bạch Mai chuyển tới chúng tôi đều là những bệnh nhân khó chẩn đoán, khó điều trị. Theo thống kê, trung bình một ngày Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận 50-60 ca đột quỵ nặng và phức tạp từ bệnh viện vệ tinh chuyển đến do tuyến cơ sở vượt quá khả năng điều trị, tiên lượng khó khăn.

Đột quỵ ở người trẻ (từ 45 tuổi trở xuống) có xu hướng tăng hơn trong vài năm gần đây, chiếm khoảng 15% trên tổng số ca mà Trung tâm tiếp nhận. Đáng chú ý, Trung tâm đã tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ còn rất trẻ, chỉ 15-16 tuổi, thậm chí có trường hợp 6 tuổi đã mắc đột quỵ. Bệnh nhân này được vào cấp cứu trong tình trạng chảy máu não do dị dạng mạch thông động tĩnh mạch não. Sau khi được cấp cứu ổn định, cháu được chuyển sang hồi sức Nhi, tiên lượng khó khăn. Hay với trường hợp 16 tuổi bị nhồi máu não, khi vào viện mới biết nguyên nhân do tim mạch, nghĩa là có sẵn bệnh lý nền nhưng không biết, dẫn đến đột quỵ.

PV: Phần lớn người trẻ tuổi khi bị đột quỵ mới biết mình có bệnh nền, có phải do họ nghĩ mình còn trẻ, khoẻ nên chủ quan, chưa có ý thức phòng bệnh không, thưa bác sĩ?

BSCKII Nguyễn Tiến Dũng: Trung tâm vừa tiếp nhận ca bệnh trẻ 43 tuổi ở Lạc Thuỷ, Hoà Bình có bệnh nền nhưng không biết do trước đó không đi khám sức khỏe. Tuy nhiên, bệnh nhân may mắn được phát hiện và đến viện vào cửa sổ giờ vàng. Kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não cấp do tắc động mạch thân nền – đây là động mạch não lớn nuôi dưỡng vùng trung tâm quan trọng của não bộ. Hay có bệnh nhân trẻ tuổi, phát hiện cao huyết áp nhiều năm, nhưng không điều trị, không uống thuốc vì cảm thấy người hoàn toàn bình thường, tới khi đột quỵ vào cấp cứu phải thở máy, liệt nửa người khó hồi phục thì mới hối hận…

Qua các trường hợp trẻ tuổi bị đột quỵ cho thấy, người trẻ thường chủ quan hoặc rất ít theo dõi chỉ số huyết áp, nghĩ rằng còn trẻ sức chịu đựng tốt. Bên cạnh đó, nhiều người lười vận động, thừa cân, béo phì, không chịu tập luyện, hoặc ăn thức ăn nhanh, thức khuya, chịu áp lực trong công việc, đều là yếu tố nguy cơ nhưng lại ít chú ý. Đặc biệt, nhiều người nghĩ mình còn trẻ, khỏe nên không khám sức khoẻ, chỉ tới khi đột quỵ vào viện mới phát hiện mình mắc các bệnh nền huyết áp, tim mạch… Những bệnh nền này không được phát hiện sớm, thăm khám và điều trị đúng, đến lúc nào đó bùng phát, kết hợp với các yếu tố khác sẽ dẫn tới đột quỵ.

PV: Đã có trường hợp sau khi chơi thể thao, gục ngay tại sân bóng, được đưa đi cấp cứu mới biết bị đột quỵ, hoặc có người đột quỵ khi tắm khuya. Bác sĩ có khuyến cáo gì cho người chơi thể thao hoặc hoạt động quá sức trong thời tiết nắng nóng như hiện nay?

BSCKII Nguyễn Tiến Dũng: Đột quỵ khi chơi thể thao có hai nhóm chính: Xảy ra trên người không có bệnh lý nền, ví dụ chảy máu não do vỡ dị dạng mạch máu não (dị dạng thông động tĩnh mạch não, phình mạch máu não,…) hoặc có bệnh lý nền mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, rung nhĩ…) do chơi thể thao gắng sức quá mức, đẩy sức chịu đựng vượt lên cao, vượt quá khả năng chịu đựng của cơ thể mình. Lẽ ra khả năng chỉ chạy được 30 phút hoặc 1 giờ, và cần phải có thời gian luyện tập sau một quá trình mới nâng được thành tích cao hơn. Nhưng do đam mê muốn vượt qua giới hạn của bản thân, cơ thể phải huy động mọi chức năng vượt giới hạn có thể gây ra biến cố tim mạch nói chung, trong đó có cả đột quỵ, đặc biệt ở người có bệnh nền.

Tắm khuya có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ phòng tắm với môi trường bên ngoài, dẫn đến nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột, phản ứng có thể lên cơn huyết áp, có thể gây ra đột quỵ. Trời nắng nóng, nếu phải hoạt động hay làm việc ngoài trời đều phải có trang thiết bị hỗ trợ (mũ, nón, áo,…) và để cơ thể thích nghi dần với môi trường khắc nghiệt. Nếu thời tiết nắng nóng mà làm việc ngoài trời kéo dài thì cần phải có khoảng thời gian giữa nghỉ ngơi dưới bóng mát gốc cây, uống đủ nước, nếu không sẽ có nguy cơ bị sốc nhiệt, lả nhiệt, biến cố tim mạch, đột quỵ. Đặc biệt, người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, béo phì, thừa cân,… phải hết sức chú ý khi hoạt động dưới trời nắng nóng.

Các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu bệnh nhân đột quỵ.

PV: Vậy đột quỵ nguy hiểm như thế nào với người trẻ, thưa bác sĩ?

BSCKII Nguyễn Tiến Dũng: Đột quỵ có 2 thể: Nhồi máu não và chảy máu não. Nhồi máu não là mạch máu bị tắc nghẽn do cục máu đông, ngăn chặn dòng máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến nuôi tế bào não tương ứng, các tế bào não đó bị chết đi, dẫn đến các chức năng điều khiển vận động, nhận thức, học tập, ngôn ngữ… sẽ bị mất đi. Chảy máu não là trường hợp mạch máu não vỡ ra có thể do dị dạng mạch máu não (hay gặp ở người trẻ) và do tăng huyết áp nhưng điều trị không thường xuyên hoặc điều trị không tốt. Ở người trẻ, nguyên nhân chảy máu não hay gặp là dị dạng động tĩnh mạch não và phình động mạch não. Trong thực tế lâm sàng đa phần đột quỵ là thể nhồi máu não, chiếm gần 80%, và chảy máu não khoảng 20%.

Người trẻ bị đột quỵ nếu không được cấp cứu trong “giờ vàng” (4,5 giờ đầu sau khi có triệu chứng đột quỵ), phát hiện và điều trị muộn thì cơ hội phục hồi rất khó khăn, nhiều người đã trở thành tàn phế, ảnh hưởng đến chính mình vì mất khả năng tự chăm sóc bản thân, nặng hơn nữa thì mất sức lao động, nằm ngồi một chỗ, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

PV: Vậy làm thế nào để phát hiện dấu hiệu đột quỵ sớm nhất để đến viện vào giờ vàng, thưa bác sĩ?

BSCKII Nguyễn Tiến Dũng: Với đột quỵ quan trọng nhất là nhận biết được những dấu hiệu sớm. Dấu hiệu đầu tiên là chữ F (khuôn mặt) nhìn vào bộ mặt của người bệnh, nếu góc miệng (khoé miệng) của bệnh nhân khi nói, cười bị lệch, méo miệng hoặc chảy nước khi uống nước thì nghĩ ngay đến đột quỵ. Thứ hai là chữ A (tay chân bên phải hoặc trái) bị yếu liệt hoặc tê bì. Thứ ba là chữ S (ngôn ngữ, lời nói), nói khó hơn so với bình thường, phát ngôn khó, hoặc không phát ngôn được. Đây là 3 dấu hiệu điển hình và rất thường gặp, khi có các dấu hiệu này cần phải nghĩ ngay đến đột quỵ.

Thời gian đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị đột quỵ. Người bệnh, người nhà bệnh nhân phải xác định được đúng thời gian bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng đột quỵ, khi xác định đúng “cửa sổ” thời gian thì mới biết bệnh nhân còn trong “giờ vàng” hay không, bác sĩ mới có chiến lược tối cấp cứu, đưa ra đúng phác đồ tối ưu cho người bệnh nhằm đạt khả năng hồi phục cao nhất.

Vì vậy, nếu có 3 dấu hiệu trên thì đừng chần chừ, đừng cố theo dõi, đừng cố làm một số biện pháp dân gian như bôi vôi vào lòng bàn tay, bàn chân, chích dái tai, chích máu đầu ngón tay, chân, hoặc nằm bất động theo dõi tại nhà…, đây đều là những hành động không đúng, có thể gây hại cho bệnh nhân, cản trở, gây bất lợi cho quá trình điều trị của bác sĩ, mà hãy gọi xe cứu thương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị được đột quỵ trong thời gian sớm nhất, thì khả năng hồi phục sẽ cao nhất có thể.

Đối với đột quỵ thì “đánh nhầm còn hơn bỏ sót”, khi có dấu hiệu nghi ngờ cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như tuổi cao, tăng huyết áp, đái tháo đường, …

Để phòng đột quỵ, người dân phải biết cách nhận diện triệu chứng đột quỵ, chịu khó lắng nghe cơ thể và ghi nhớ dấu hiệu đột quỵ và khi đã nghi ngờ mình đột quỵ phải khẩn trương, nhanh chóng, không chần chừ mất thời gian mà hãy vào viện ngay.

Hãy lắng nghe cơ thể mình, kiểm soát các bệnh nền. Đối với người trẻ nên cân bằng cuộc sống, tăng cường vận động, duy trì cân nặng lý tưởng, tránh xa chất kích thích, thuốc lá điện tử, phải khám sức khoẻ định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh lý mình mắc phải để có kế hoạch điều trị kiểm soát tối ưu. Khi đã có bệnh nền phải khám định kỳ để bác sĩ có thể chỉnh liều thuốc nhằm đạt mục tiêu điều trị, đặc biệt khi bệnh nhân đã từng mắc đột quỵ rồi.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Tác giả: Trần Hằng (thực hiện)

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP