Mất “tiền tỷ” vì yếu kiến thức
Anh Trần Bá Huy (35 tuổi) - một chủ kinh doanh trẻ ở Hà Nội cho biết, anh đã khởi nghiệp thành công với một chuỗi cửa hàng thời trang và có thu nhập khoảng hơn 100 triệu/tháng. Tuy nhiên, anh đang gặp phải nhiều vấn đề về quản lý tài chính cá nhân khiến anh “ăn không ngon, ngủ không yên”.
Theo anh Huy, tiền để trong ngân hàng là "tiền chết", còn tiền đầu tư là "tiền lời". Vì vậy, anh tập trung vào các kênh đầu tư có hiệu suất cao. Anh ví dụ, kỳ vọng mức lợi nhuận 12 - 15%/năm từ đầu tư vào chứng chỉ quỹ, không quan tâm đến thời điểm để tham gia các quỹ mở, mà không biết rằng tổng các khoản phí đi kèm có thể lấy đi 25% lợi nhuận hàng năm.
Anh Huy cũng chia sẻ thêm, gia đình có xu hướng chi tiêu gia tăng theo thu nhập với quan điểm “đời chỉ sống có một lần”. Chính vì thế, thường xuyên mua sắm khá xa xỉ và chi tiêu không kế hoạch. Mỗi năm, thu nhập tăng trưởng từ 10 - 15%, nhưng tiêu dùng cho cuộc sống cũng tăng theo, khiến số tiền tiết kiệm không nhiều.
“Tính kỹ ra việc này diễn ra trong cả chục năm, hao hụt tiền tỷ chứ không ít”, anh Huy ngậm ngùi nói.
|
Tương tự, chị Hoàng Minh Hằng (39 tuổi) - chủ một doanh nghiệp SME ở Long Biên, Hà Nội từng đầu tư vào thị trường chứng khoán khá lớn, gần 5 tỷ đồng dựa trên lời “rủ rê” của bạn bè mà không có sự nghiên cứu kỹ càng, không hiểu biết về thị trường, dẫn đến thua lỗ nặng. Nguy hiểm lớn, khoản đầu tư thua lỗ khiến bà chủ trẻ hụt vốn làm ăn, DN đối mặt sự mong mạnh về tài chính.
“Không thể quản lý được cảm xúc và thiếu hụt thông tin, dẫn đến không có chiến lược cụ thể, đầu tư theo kiểu đầu cơ”, chị Hằng hối hận.
Anh Lê Lương Giang (42 tuổi) - chủ một Spa làm đẹp tại Hà Nội cho biết, vấn đề lớn mà anh đang gặp phải là việc quản lý tài chính cá nhân không hiệu quả đã dẫn đến doanh nghiệp của anh bị thiếu hụt nguồn vốn trầm trọng. Đồng thời, bản thân anh rất phân vân giữa việc dùng các khoản đầu tư cá nhân để tập trung vốn vào kinh doanh hay tiếp tục đầu tư kết hợp với kinh doanh.
“Tài chính cá nhân và kinh doanh nhiều lúc không tách bạch khiến cho bức tranh tài chính của anh không rõ ràng, không nắm chính xác được thu nhập, khoản lãi trong kinh doanh”, anh Giang băn khoăn.
Trong khảo sát “Financial literacy around the world” do S&P Global thực hiện để đo lường kiến thức tài chính của công dân toàn cầu, Việt Nam chỉ có khoảng 24% dân số có kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, trong khi chỉ số trung bình của thế giới là 33%.
Một nghiên cứu khác của ADB Institute công bố năm 2020, kiến thức về tài chính của người Việt Nam vẫn đang thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á. So sánh về mức độ hiểu biết tài chính giữa các nhóm tuổi của người Việt Nam, báo cáo này cũng chỉ ra, trên thang điểm 7, nhóm người từ 30-60 tuổi có mức độ nhận thức về các vấn đề quản lý tài chính chỉ đạt 4,38 trong khi nhóm người dưới 30 là 4,83.
Thực tế này cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc người Việt Nam bị lừa đảo trực tuyến khoảng gần 10.000 tỷ đồng trong năm 2023, theo số liệu của Bộ Công an. Điều này cho thấy sự cần thiết của những nhà hoạch định tài chính cá nhân trong cuộc sống của mỗi người, không chỉ đối với tầng lớp giàu có và trung lưu mà còn rất quan trọng đối với những người thiếu hụt kiến thức về tài chính và gặp khó khăn tài chính.
Bốn lưu ý quan trọng, tránh "hao hụt" tiền tỷ
Trao đổi với VietnamFinance, ông Trần Mạnh Hoàng Việt - Chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân Công ty cổ phần FIDT cho biết, 4 lưu ý giúp người Việt tránh mất “tiền tỷ” trong việc quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, đồng thời nâng cao năng lực và hiểu biết về tài chính cá nhân.
Đầu tiên, hãy quản lý chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả. Ngay lập tức cần phân tích các khoản chi tiêu, tìm ra những khoản có thể tiết kiệm hoặc tái đầu tư một cách hiệu quả hơn, đồng thời cơ cấu lại tài sản để gia tăng hiệu quả đầu tư, duy trì lối sống mong muốn mà vẫn đảm bảo tài chính. Tập trung cơ cấu lại 3 khoản chi phí lớn nhất trong chi tiêu gồm mua sắm, thuê nhà và ăn uống, từ đó số tiền tiết kiệm hàng tháng có thể tăng lên khoảng 30 – 50% hoặc tuỳ theo từng gia đình, nhưng không thấp hơn 20% tổng thu nhập.
Thứ hai, cần phải có bảo vệ tài chính toàn diện, các phương án bảo vệ an toàn tài chính bao gồm bảo vệ nguồn thu nhập, dự phòng bệnh hiểm nghèo, tối ưu các loại bảo hiểm xã hội, y tế và sức khỏe. Nếu như trước đây, nhiều người cho rằng có bảo hiểm y tế nhà nước là đủ, và sử dụng bảo hiểm nhân thọ không có nhiều lợi ích và gây nên những áp lực về tài chính. Thì cần thông qua việc phân tích, tư vấn của chuyên gia, để kế hoạch dự phòng tài chính trong ngắn hạn và dài hạn, đảm bảo an toàn tài chính trong mọi tình huống.
Thứ ba, đầu tư một cách an toàn và thông minh, mỗi một kênh đầu tư đều có bản chất riêng của nó, cần phải tìm hiểu đầy đủ thông tin và lựa chọn phương pháp đúng, giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả đầu tư.
Ông Trần Mạnh Hoàng Việt, Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân. Ảnh: NVCC |
Thứ tư, nếu có kinh doanh phải tách bạch giữa TCCN và TCDN. Cần xây dựng một kế hoạch tài chính rõ ràng, trong đó xác định các khoản đầu tư cá nhân cần thiết và phân bổ vốn hợp lý cho doanh nghiệp. Có thể giảm quy mô một số khoản đầu tư cá nhân không cấp thiết để giải quyết tình trạng thiếu vốn của doanh nghiệp như trường hợp anh Giang nêu trên. Song song, tìm kiếm các nguồn vốn bên ngoài như vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hoặc tìm đối tác đầu tư để bổ sung vốn cho doanh nghiệp.
“Cần đánh giá tình hình tài chính hiện tại, từ thu nhập, chi tiêu đến các khoản nợ và tài sản, xác định mục tiêu tài chính…Sau đó, xây dựng một kế hoạch tài chính toàn diện với tầm nhìn ngắn hạn một năm, trung hạn từ hai đến năm năm và dài hạn từ năm năm đến 10 năm”, anh Hoàng Việt nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, các chuyên gia tài chính cá nhân đều cho rằng, việc thiếu hụt về kiến thức thức tài chính và quản lý tài chính cá nhân không chỉ khiến đại bộ phận người Việt “mất tiền”, kể cả tầng lớp trung lưu và giàu có cũng bị “hao hụt” tài sản do không tối ưu được các kênh đầu tư, cũng như quản lý chi tiêu và tiết kiệm một cách hiệu quả.
Chính vì vậy, việc cấp thiết và cần thiết hiện nay phải có sự đồng hành của nhà hoạch định tài chính cá nhân trong mỗi gia đình Việt, không chỉ đối với tầng lớp trung lưu và giàu có, mà còn rất quan trọng đối với những người thiếu hụt kiến thức tài chính cá nhân, gặp khó khăn tài chính. Nhà hoạch định tài chính cá nhân không chỉ giúp đầu tư, gia tăng tài sản mà còn đánh giá toàn diện năng lực tài chính của khách hàng và xây dựng kế hoạch tài chính ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả trong quản lý tài chính cá nhân.
Tác giả: Xuân Thạch
Nguồn tin: vietnamfinance.vn