Du lịch

Nghệ An có thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu, Nghệ thuật trống tế Yên Thành và chữ Thái ở tỉnh Nghệ An vừa được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày 5/7, ông Hồ Mạnh Hà - Phó phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ký các quyết định công nhân di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu, Nghệ thuật trống tế Yên Thành và chữ Thái ở tỉnh Nghệ An.

Hội thi đánh trống tế được tổ chức ở các lễ hội đền, chùa - Ảnh: Phan Ngọc

Theo các quyết định này, Lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu đã chính thức được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng. Chữ Thái ở Nghệ An được ghi danh thuộc loại hình Tiếng nói, chữ viết. Còn Nghệ thuật trống tế Yên Thành thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian.

Lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu còn được gọi là tết Chăm Phtrong, gắn với tục thờ thần sấm. Xưa kia, tộc người Ơ Đu không sử dụng lịch thông thường mà dựa vào hiện tượng thiên nhiên để xác định thời gian. Tiếng sấm là dấu hiệu để họ nhận biết mùa đông lạnh kéo dài đã kết thúc và bắt đầu năm mới.

Tiếng sấm đầu tiên trong năm cũng là lúc người Ơ Đu bắt đầu mùa gieo trồng và thực hiện những việc trọng đại trong gia đình, dòng họ, việc chung của cộng đồng. Đây là giây phút người Ơ Đu mong chờ nhất, được thả mình vào không khí vừa linh thiêng, vừa náo nhiệt qua các nghi lễ, trò chơi dân gian sau 1 năm lao động vất vả.

Người Ơ Đu đón tết mừng tiếng sấm - Ảnh: Hồ Hà

Nghệ thuật trống tế Yên Thành là một loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc, không chỉ được sử dụng trong nghi thức thờ cúng mà còn xuất hiện trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các xã vùng quê huyện Yên Thành cũ. Trong các dịp lễ hội đền, chùa ở huyện Yên Thành cũ thường được tổ chức các cuộc thi đánh trống tế.

Đây là dịp để các đội trống ở các dòng họ, địa phương giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về nghệ thuật đánh trống tế, từ đó lan truyền và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Mỗi đội trống thường có từ 7 - 20 người, mỗi người phụ trách một nhạc cụ từ trống lớn, chiêng, trống nhỏ, nao… Trống đánh đều theo đúng quy luật và phách, nhịp gồm 3 hồi, trong hồi có nhịp, trong nhịp có biến tấu, tất cả các âm thanh tạo thành một bản nhạc rộn ràng, làm hứng khởi người nghe.

Người Thái chiếm hơn 50% dân số là người các dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An. Chữ viết của người Thái từng đứng trước nguy cơ thất truyền, song hiện đang dần được khôi phục trở lại. Chữ Thái có nhiều hệ khác nhau, song được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là hệ chữ Thái Lai tay và Thái Lai pao.

Một số sách cổ viết bằng chữ Thái được người dân lưu giữ - Ảnh: Phan Ngọc

Đến nay, tỉnh Nghệ An đã có 13 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngoài 3 di sản vừa được công nhận còn có, Nghề dệt thổ cẩm của người Thái tại tỉnh Nghệ An, Lễ hội đền Yên Lương, Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan, Lễ hội đền Cờn, Lễ hội đền Quả, Lễ hội đền Chín Gian, Lễ hội đền Bạch Mã, Lễ hội đền Thanh Liệt, Lễ hội đền Ông Hoàng Mười, Nghi lễ Xăng Khan của đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An.

Tác giả: Phan Ngọc

Nguồn tin: phunuonline.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP