Tin trong tỉnh

Dự án bệnh viện nghìn tỷ lớn nhất Bắc Trung Bộ chậm tiến độ nhiều năm, bị cưỡng chế vì nợ thuế

Dự án Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An giai đoạn 2 với dự tính ban đầu sẽ đi vào hoạt động năm 2018 nhưng đến đầu 2021, dự án này vẫn còn ngổn ngang.

Dự án bệnh viện công - tư lớn nhất Bắc Trung Bộ

Trung tuần tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu báo cáo liên quan đến Dự án Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An - giai đoạn 2 chậm tiến độ và có nguy cơ "vỡ trận" do các cơ quan báo chí phản ánh.

Sau khi có công văn của Thủ tướng, UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở TNMT, Sở Tài Chính, Sở Y tế và Bệnh viện HNĐK Nghệ An rà soát, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tổng quan dự án Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An giai đoạn 2 với hình thức đầu tư PPP (liên kết giữa công và tư).

Theo tìm hiểu của PV, Bệnh viện HNĐK Nghệ An - Giai đoạn 2 là dự án trọng điểm về thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An. Dự án có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, là dự án được đầu tư theo hình thức PPP (công - tư) lớn nhất Bắc Trung Bộ.

Cụ thể, ngày 6/11/2015, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng Bệnh viện HNĐK Nghệ An - giai đoạn 2 và khởi công vào đầu năm 2016 với tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, quy mô 600 giường bệnh, tổng diện tích sàn gần 55.000 m2

Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, trong đó vốn Nhà nước chiếm 40%. Số vốn này do Bệnh viện HNĐK Nghệ An làm đại diện, góp vốn bằng chi phí bồi thường GPMB, lợi thế vị trí địa lý và thương hiệu của bệnh viện. Phần giá trị này được xác định là 104 tỷ đồng.

Dự án được xây dựng từ năm 2016 nhưng đến nay chỉ mới hoàn thiện phần thô một số hạng mục.

Công ty CP Đầu tư Cotec HealthCare góp 132,6 tỷ đồng, nắm giữ 51% vốn điều lệ. Công ty CP Đầu tư Cotec Gruop góp 23,4 tỷ đồng, nắm giữ 9% vốn điều lệ. Toàn bộ số vốn còn lại hơn 1.000 tỷ đồng là vay ngân hàng (Hiện tại, ngân hàng BIDV Nghệ An đã giải ngân cho chủ đầu tư dự án hơn 700 tỷ đồng).

Sau khi được phê duyệt đề án xây dựng bệnh viện, vào năm 2015, Công ty CP Bệnh viện HNĐK Nghệ An được thành lập, với số vốn điều lệ là 260 tỷ đồng.

Thời điểm thành lập, Hội đồng quản trị công ty này có 3 thành viên. Trong đó ông Nguyễn Văn Hương (Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An) làm Phó Chủ tịch HĐQT và là người đại diện phần góp vốn của nhà nước trong công ty.

Nhiều hạng mục khác đang dở dang.

Ông Đào Đức Nghĩa - Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của công ty. Ông Goh Hsien Ming là thành viên Hội đồng quản trị. 2 người này được Công ty CP Đầu tư Cotec HealthCare ủy quyền để quản lý phần vốn góp tại Công ty cổ phần Bệnh viện HNĐK Nghệ An.

Mới đây, tại buổi họp báo Kinh tế xã Hội năm 2020, ông Nguyễn Văn Hương là Phó Chủ tịch HĐQT công ty báo cáo, HĐQT công ty đã thay đổi và miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT đối với ông Đào Đức Nghĩa và bổ sung thêm 1 thành viên HĐQT mới. Tuy nhiên hiện công ty vẫn chưa bầu Chủ tịch HĐQT mới.

Ông Nguyễn Văn Hương (Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An) - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bệnh viện HNĐK Nghệ An báo cáo tiến độ dự án trong buổi họp báo Kinh tế xã Hội năm 2020.

Dự án chậm tiến độ 3 năm, nợ thuế hơn 2 tỷ đồng

Được biết, theo đề án được phê duyệt thì dự án bệnh viện này sẽ được vận hành chính thức vào quý II 2018. Tháng 5/2018, dự án này phải gia hạn tiến độ thêm 1 năm. Tuy nhiên đến tháng 1/2021, dự án này vẫn đang còn ngổn ngang, các công trình trong dự án vẫn còn nhếch nhác.

Theo tìm hiểu của PV, dự án bệnh viện nghìn tỷ này không chỉ chậm về tiến độ mà còn nợ tiền thuế, tiền phạt nợ thuế.

Hạng mục tầng hầm ngay dưới sảnh chính bệnh viện đang còn nhếch nhác và không có dấu hiệu thi công.

Cụ thể, thông tin từ Cục thuế Nghệ An cho biết, đến cuối năm 2020 Công ty CP Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã nợ tiền thuế, tiền phạt lên đến 2,164 tỷ đồng.

Để giải quyết, Cục Thuế Nghệ An đã thực hiện cưỡng chế tài khoản nhưng không thu được tiền thuế nợ nên tiếp tục cưỡng chế bằng cách ngưng sử dụng hóa đơn đối với đơn vị này.

Phía sau khuôn viên dự án bệnh viện này đang được quây tôn, nhếch nhác.

Thời điểm bị cưỡng chế hóa đơn, đơn vị này còn tồn 499 hóa đơn chưa sử dụng. Nếu sử dụng hóa đơn nêu trên kể từ ngày quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành (từ ngày 19/11/2020 đến ngày 18/11/2021) thì được coi là sử dụng hóa đơn không hợp pháp.

Tác giả: Ngọc Tú

Nguồn tin: doanhnghieptiepthi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP