Quốc lộ 15 (còn gọi là 15A) là tuyến đường huyết mạch Quốc gia bắt đầu từ Tòng Đậu, Km125 Quốc lộ 6 - tỉnh Hòa Bình, đi qua các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và điểm kết thúc là huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Nếu Quốc lộ 1A nối các thị xã của các tỉnh với nhau thì Quốc lộ 15A chạy gần song song với Quốc lộ 1A và nối các thị trấn miền núi với nhau.
Từ lâu, Quốc lộ 15A, qua địa bàn Nghệ An đã là tuyến huyết mạch giao thông quan trọng, kết nối các huyện Nam Đàn, Đô Lương, Tân Kỳ... Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An, QL15A càng trở nên quan trọng trong hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do tuyến đường này có lịch sử lâu đời, lòng đường còn chật hẹp, trên tuyến có nhiều khúc uốn lượn theo khu dân cư, che khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng không nhỏ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Chưa có đất tái định cư nên các hộ dân trên QL15A chưa thể bàn giao mặt bằng. |
Sau khi khảo sát, đánh giá, UBND tỉnh Nghệ An đã lập báo cáo, trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Dự án Nâng cấp, mở rộng QL15A đoạn Km301+500 - Km333+200, tỉnh Nghệ An nhằm góp phần hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực tuyến đi qua, bảo đảm an ninh, quốc phòng quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông trong tương lai. Theo đó, Dự án được phê duyệt tại Quyết định 268/QĐ-BGTVT ngày 29/1/2013 của Bộ GTVT với quy mô đường cấp IV đồng bằng, Bnền = 9m, Bmặt = 8m; Chiều dài 31,7km (huyện Đô Lương 18,2km, huyện Nam Đàn 13,5km). Dự án có tổng mức đầu tư 724 tỷ 213 triệu đồng (nguồn vốn của Bộ GTVT).
Ông Vương Đình Nhuận, Giám đốc Ban quản lý dự án Sở GTVT Nghệ An cho biết: Hiện Dự án nâng cấp QL15A đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng, song đoạn đi qua địa bàn huyện Đô Lương vẫn đang vướng mặt bằng khoảng 800m, nằm rải rác ở các xã, do chưa đền bù đất nằm trong hành lang giao thông cho người dân. Tại huyện Nam Đàn chỉ còn vướng hơn 70m, đi qua đất của 4 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Trong khi đó, tiến độ dự án đến tháng 9/2022 là phải hoàn thành.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Nhân Đàm, Phó phòng TN&MT huyện Nam Đàn, cho biết: Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 15 do Sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư, đi qua 4 xã của huyện Nam Đàn, gồm: Nam Hưng, Nam Thái, Nam Nghĩa và Thị trấn Nam Đàn với chiều dài hơn 13km. Trong đó, đoạn qua thị trấn Nam Đàn có một số đoạn phải nắn tuyến nên một số hộ dân bị thu hồi đất ở và phải di chuyển đến nơi ở mới.
Để có quỹ đất giao đất tái định cư cho các hộ dân thuộc diện thu hồi phải di chuyển chỗ ở, UBND huyện Nam Đàn đã chỉ đạo UBND thị trấn Nam Đàn lập quy hoạch "Dự án chia lô đất ở tái định cư tại vùng Phân Làng, khối Bắc Thung, thị trấn Nam Đàn".
Theo dự kiến, Dự án phục vụ giao đất tái định cư cho Dự án nâng cấp, mở rộng QL15A (dự kiến 12 lô) và các dự án khác như: Đường tránh thị trấn Nam Đàn (dự kiến 6 lô), Dự án xây dựng cầu qua sông Đào, tại khối Ba Hà, thị trấn Nam Đàn (dự kiến 2 lô) và Dự án mở rộng nút giao cầu Đòn, thị trấn Nam Đàn (dự kiến 4 lô), còn 3 lô dự phòng.
Để thực hiện "Dự án chia lô đất ở tái định cư tại vùng Phân Làng, khối Bắc Thung, thị trấn Nam Đàn", UBND huyện Nam Đàn cần phải thu hồi hơn 10.400m2 đất nông nghiệp của 22 hộ dân, thuộc thị trấn Nam Đàn. Số tiền đền bù, hỗ trợ thu hồi đất nông nghiệp cho 22 hộ dân dự kiến gần 2,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm phóng viên tìm hiểu sự việc, tất cả 22 hộ dân trên chưa đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ do UBND huyện Nam Đàn áp giá.
Theo ông Nguyễn Nhân Đàm, đến thời điểm hiện nay, Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Nam Đàn đã thực hiện đầy đủ, chặt chẽ các bước đối với 22 hộ dân bị thu hồi đất ở vùng Phân Làng, xóm Bắc Thung, thị trấn Nam Đàn. Theo đó, UBND huyện Nam Đàn đã thực hiện áp giá đền bù theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, bao gồm 1 lần đền bù và 2 lần hỗ trợ, tổng cộng là 3 lần.
Cụ thể, UBND huyện Nam Đàn phê duyệt phương án bồi thường (12/2021) áp dụng theo quy định tại Quyết định số 58/2015/QĐ-UBND ngày 13/10/2015 của UBND tỉnh và nay được thay thế tại Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND ngày 14/2/2022 thì mức bồi thường, hỗ trợ vẫn không thay đổi, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp người dân được bồi thường bằng 1 lần giá đất và 2 lần hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm việc làm (bằng 3 lần giá đất).
Đối với các tất cả các dự án thu hồi đất của nhà nước hiện hành trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ được thực hiện bằng 3 lần giá đất. Không có trường hợp ngoại lệ nên huyện không thể làm khác. Tuy nhiên, các hộ vẫn chưa đồng thuận nhận tiền đền bù, họ yêu cầu áp giá đền bù lên 5 lần, giống như một số dự án các Doanh nghiệp tư nhân thực hiện dự án gần đó.
Lý giải về vấn đề này, Phó phòng TN&MT huyện Nam Đàn cho rằng, UBND huyện đã thực hiện theo quy định của pháp luật, áp giá đền bù theo giá nhà nước còn người dân so sánh với giá đền bù của các doanh nghiệp tư nhân là không đúng, nhà nước có khung giá quy định không thể làm trái được.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: UBND huyện Nam Đàn đã thực hiện áp giá bồi thường giải phóng mặt bằng với 22 hộ dân trong khuôn khổ pháp luật cho phép, không thể làm khác. Ông Sơn nói, người dân yêu cầu mức đền bù cao hơn nhưng không thể vì đây là dự án vì mục tiêu cộng đồng và đền bù theo giá nhà nước quy định. Thời gian tới, Hội đồng bồi thường tiếp tục vận động người dân đồng thuận, nhận tiền và giao đất, trường hợp nếu các hộ dân không đồng ý thì sẽ phải thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Qua tìm hiểu cho thấy, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của huyện Nam Đàn áp giá bồi thường, hỗ trợ bằng 3 lần giá đất là đúng với các quy định hiện hành, không thể làm trái. Do đó, dự án nâng cấp mở rộng QL15A đang rất cần sự đồng thuận của 22 hộ dân ở thị trấn Nam Đàn, để hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong thời gian sớm.
Tác giả: Trần Thắng
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân