Tin trong tỉnh

Dự án thủy lợi Bản Mồng đội vốn, chậm tiến độ sau gần 15 năm

Sau gần 15 năm thi công, dự án hồ chứa nước Bản Mồng – công trình thủy lợi trọng điểm với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng – vẫn chưa thể “về đích”. Những hạng mục chậm trễ kéo dài không chỉ đội vốn, lãng phí tài nguyên mà còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân vùng dự án.

Người dân mòn mỏi chờ tái định cư

Dự án hồ chứa nước Bản Mồng bắt đầu khởi công năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 6000 tỷ đồng (sau điều chỉnh) từ nguồn ngân sách nhà nước. Dự án do Ban Quản lý đầu từ và xây dựng thủy lợi 4 thuộc Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Môi trường) làm chủ đầu tư hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Hàng loạt bất cập Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng.

Ngày 26/10/2023, dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1248/QĐ-TTg; đến ngày 7/2/2024, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư tại Quyết định số 532/QÐ-BNN-XD.

Theo thiết kế lòng hồ rộng 25 km2, chủ yếu nằm tại huyện Quỳ Châu (Nghệ An) và 1 phần nằm ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Xã Châu Bình huyện Quỳ Châu (Nghệ An) có khoảng 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng khi dự án tiến hành xây dựng, trong đó bản Bình Quang chịu tác động mạnh khi có hơn 140 hộ dân phải di dời.

Sau 15 năm thực hiện dự án chỉ mới 100 hộ được đền bù và tự tìm nơi ở mới. Số còn lại gần 40 hộ vẫn chưa nhận được phương án hỗ trợ cụ thể.

Người dân mòn mỏi chờ tái định cư.

Thế nhưng, kể từ ngày khởi công dự án Hồ chứa nước Bản Mồng vẫn chưa đưa vào sử dụng, hàng chục hộ dân nhà cửa không được xây mới, không điện lưới quốc gia, không sóng điện thoại, đường sá xuống cấp trầm trọng...cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Bà Phạm Thị Loan (bản Bình Quang) cho biết, ngôi nhà của gia đình bà đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được phép sửa chữa vì nằm trong vùng phải giải tỏa. Tuy nhiên, cơ quan chức năng lại cho rằng “nhà không nằm trong phần bị ngập cốt” nên không thuộc diện đền bù.

Cũng rơi vào cảnh tương tự, ông V.X.T. trú bản Bình Quang, xã Châu Bình cho biết: Khi dự án hồ chứa nước Bản Mồng khởi công, chúng tôi thuộc diện phải di dời. Nhà cửa hư hỏng không được sửa chữa, muốn làm gì cũng sợ sai quy định.

Nhưng suốt từ năm 2010 đến nay, chưa ai nói rõ bao giờ mới được di dời. Chúng tôi sống tạm bợ suốt gần 15 năm qua, vừa lo, vừa khổ, vừa mòn mỏi đợi chờ hướng dẫn từ chính quyền.

Khu tái định cư đang xây dựng chưa hoàn thành.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Mạnh cùng trú bản Bình Quang chia sẻ, dù đã sinh sống trên đất Châu Bình từ năm 1988, gia đình anh lại không có tên trong danh sách được đền bù, lý do đưa ra là đất không bị ngập. "Tôi không hiểu tiêu chí xác định vùng ngập là gì. Có lúc họ nói cốt ngập là 71m, rồi sau nâng lên 76m, nhưng những người sống lưng chừng giữa hai mức đó thì sao", anh Mạnh thắc mắc.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Châu Bình xác nhận, việc người dân bản Bình Quang nhiều năm nay đợi chờ được tái định cư là một thực tế. Hiện nay, chính quyền huyện và xã đang tiến hành kiểm đếm, đo đạc đất đai của các hộ dân còn lại của bản này để có phương án đền bù, di dời về khu tái định cư.

UBND huyện Quỳ Châu phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để làm dự án.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch huyện Quỳ Châu, cho biết: Theo số liệu từ năm 2010, toàn xã Châu Bình có khoảng 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy lợi Bản Mồng. Trong đó, bản Bình Quang chịu thiệt hại nặng nhất với hơn 140 hộ phải di dời. Đến nay, khoảng 100 hộ đã được đền bù và tự tìm nơi ở mới, còn gần 40 hộ dân vẫn chưa nhận được phương án hỗ trợ cụ thể.

Sau khi ngăn đập phụ 1 từ ngày 30/3/2025 đến nay, nhiều nơi bị ngập và cô lập tại xã Châu Bình.

Hiện nay, khu tái định cư xen giắm đập phụ 1, tại xã Châu Bình được xây dựng quy mô 13,7ha , tái định cư cho 73 hộ dân và khu tái định cư xen giắm vị trí 2 tại Bản Lầu 2, xã Châu Bình với quy mô xây dựng 68,69ha cho 24 hộ dân và an cư sản xuất nông nghiệp.

"Thực tế, xã Châu Bình đang tiếp nhận và xử lý nhiều vấn đề phát sinh sau khi ngăn đập phụ 1 từ ngày 30/3/2025 đến nay, nhiều nơi bị ngập và cô lập. Vì vậy, người dân đã làm đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng. UBND huyện đã nắm bắt kịp thời và báo cáo lên Sở Nông nghiệp và Môi trường, ông Dũng cho biết.

Theo tìm hiểu, nhằm tái định cư cho các hộ dân nhường đất để thực hiện Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, chủ đầu tư đã chi hàng chục tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư cách bản Bình Quang khoảng 10km. Nhưng đến nay, khu tái định cư vẫn trong tình trạng dang dở, hạ tầng thiết yếu chưa hoàn thiện, nhiều hạng mục “đắp chiếu” do vướng độ dốc địa hình.

Liên quan đến dự án này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường mới đây đã có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu đẩy nhanh công tác bồi thường, GPMB và hoàn thành tái định cư trước ngày 31/7/2025, nhằm đảm bảo tiến độ chặn dòng tích nước cho hồ chứa nước Bản Mồng.

Khẩn trương hỗ trợ và giải quyết nguyện vọng của người dân

Khi công trình thủy lợi Bản Mồng đang được thi công, có 187 ngôi mộ ở bản Kẻ Tằm, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu bị ngập chìm trong nước và 51 hộ dân bị ảnh hưởng do tích nước hồ sau khi hoàn thiện đập phụ số 1.

Cuộc sống bị đảo lộn do ngập nước mong cơ quan có thẩm quyền xem xét để đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Châu Bình cho biết: Hiện nay Đảng ủy xã đang tập trung chỉ đạo UBND xã và các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình nhân dân, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết sự việc.

Nguyện vọng của người dân là làm các thủ tục di dời nhanh và khẩn trương hỗ trợ nhân dân theo phong tục tập quán. Mong muốn cơ quan có thẩm quyền quy hoạch nhanh khu nghĩa trang mới để kịp thời di dời.

Một số hộ dân bị cô lập do ngập nước mong cơ quan có thẩm quyền xem xét làm cầu hoặc đường ven để các hộ dân có đường đi lại và sang canh tác gần 6ha ruộng không có đường đi.

Ngoài ra, người dân cũng có kiến nghị số hộ dân bản Kẻ Tằm có đất canh tác lâu năm hiện nay bị ngập nước, nhưng do chưa có bìa nên Dự án bản Mồng không đền bù với lý do đó là đất của UBND xã quản lý, yêu cầu kiểm tra và xem xét đền bù cho người dân.

Một cán bộ Ban Quản lý Dự án ngành nông nghiệp (thuộc Sở NN&MT Nghệ An) cho biết: Trong đợt kiểm kê mới đây, địa phương đã hoàn tất việc kiểm tra và lần này sẽ tiến hành đền bù cho những ngôi mộ bị ngập.

Ông Thái Bá Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án ngành nông nghiệp (thuộc Sở NN&MT Nghệ An), cho biết khu vực 187 ngôi mộ nằm trong vùng tích nước theo thiết kế của dự án. Tuy nhiên, do UBND xã không báo cáo trong quá trình GPMB, những ngôi mộ này không được đưa vào diện kiểm kê và đền bù từ đầu. Mãi đến khi nước dâng, người dân phản ánh, sự việc mới được phát hiện. Hiện nay, cơ quan chức năng đang thành lập đoàn kiểm tra và thực hiện đền bù.

Tác giả: Trần Tú

Nguồn tin: congly.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP